Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015
Tòa án - Ngày đăng : 11:03, 12/07/2016
Thực tế cho thấy, gần đây các vụ việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp về môi trường, kinh tế do các pháp nhân thương mại thực hiện ngày càng tinh vi và để lại hậu quả nghiêm trọng như vụ Công ty Vedan (Đồng Nai), Công ty Nicotex (Thanh hóa), Formosa (Hà Tĩnh)... Như vậy, quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại là phù hợp với thực tiễn nhằm tạo tính răn đe cao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phòng, chống các loại tội phạm mà chủ thể là pháp nhân vì lợi nhuận gây hại đến môi trường, kinh tế và các lĩnh vực khác.
Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015, quy định khái niệm tội phạm, trong đó bổ sung chủ thể là pháp nhân thương mại, theo đó khi pháp nhân thực hiện hành vi bị coi là tội phạm, xâm hại đến các giá trị, quan hệ xã hội được Nhà nước và pháp luật bảo vệ thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS).
Theo quy định của BLDS năm 2015 (Điều 74,75,76), có 2 loại pháp nhân: Pháp nhân thương mại (gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác), pháp nhân phi thương mại (gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác).
Tuy nhiên theo Khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015, chỉ có pháp nhân thương mại phạm các tội theo Điều 76 của Bộ luật này mới chịu TNHS. Như vậy, các pháp nhân phi thương mại như cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân... được bãi bỏ TNHS và chỉ pháp nhân gắn với hoạt động thương mại mới phải chịu TNHS.
Về nguyên tắc xử lý pháp nhân phạm tội, Khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015 quy định: “2. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội: a) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; b) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; c) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra”.
BLHS năm 2015 quy định mục đích của hình phạt đối với pháp nhân thương mại ngoài việc trừng trị còn nhằm mục đích giáo dục, răn đe, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an toàn và sự phát triển của xã hội, qua đó góp phần đảm bảo sự công bằng trong xử lý hình sự giữa cá nhân với pháp nhân thương mại theo đúng nguyên tắc “Mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”.
Sự cố môi trường tại các tỉnh ven biển miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra
Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác và thực tiễn pháp nhân phạm tội ở Việt Nam để cụ thể hoá hình phạt đối với pháp nhân, tại Chương VI của BLHS năm 2015, lần đầu tiên pháp luật hình sự nước ta quy định các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, bao gồm hai loại hình phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, cụ thể:
Hình phạt chính: Khoản 1 Điều 33 quy định: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Hình phạt bổ sung: Khoản 2 Điều 33 quy định: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Khoản 3 Điều 33 quy định: Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Một trong những đặc điểm nổi bật trong quy định hình phạt đối với pháp nhân là các nhà làm luật đánh mạnh vào mặt kinh tế của pháp nhân, xuất phát từ mục đích chính của pháp nhân là hoạt động vì lợi nhuận, đây là mặt trực tiếp và có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của pháp nhân. Những loại hình phạt mà BLHS năm 2015 quy định đối với pháp nhân thương mại, đã và đang được quy định là những hình thức xử lý vi phạm đối với pháp nhân trong những văn bản pháp luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012… và nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, những hình thức xử lý này chưa đủ sức răn đe, giáo dục cho nên chưa mang lại hiểu quả đấu tranh phòng ngừa cao đối với pháp nhân có hành vi vi phạm. Chính vì thế, dưới góc độ là những loại hình phạt do BLHS quy định, mang tính nghiêm khắc, cưỡng chế nhà nước cao nhất thì sẽ góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm do pháp nhân gây ra một cách có hiệu quả.
Lần đầu tiên, BLHS xây dựng một điều khoản quy định điều kiện chịu TNHS đối với pháp nhân, đây là cơ sở cần thiết cho việc truy cứu TNHS trong những trường hợp cụ thể, đảm bảo tính hợp lý, tính đồng bộ và tính khả thi, cụ thể tại Khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định những điều kiện cần vả đủ để xác định TNHS đối với pháp nhân: “Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”.
Việc quy định những điều kiện trên, đáp ứng được nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 2, Khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng hành vi phạm tội gây oan sai.
Khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Do vậy, trong quá trình áp dụng, giải quyết vụ án hình sự về tội có quy định TNHS của pháp nhân, trước hết, cần làm rõ các tình tiết, hành vi phạm tội và trách nhiệm của cá nhân hoặc pháp nhân (nếu có), trường hợp pháp nhân ra quyết định hoặc chỉ đạo cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì phải xử lý hình sự đồng thời cả cá nhân và pháp nhân về tội phạm mà họ đã thực hiện. Trường hợp phát hiện tội phạm xảy ra, mà ban đầu mới xác định được trách nhiệm của pháp nhân, thì khởi tố vụ án, khởi tố pháp nhân phạm tội, sau đó tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý hình sự cá nhân liên quan – người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, bảo đảm việc xử lý TNHS đối với cá nhân, pháp nhân được toàn diện, triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm và cá nhân, pháp nhân phạm tội.