Tòa án góp vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường
Tòa án - Ngày đăng : 10:34, 08/07/2016
Tuy nhiên, hệ quả của việc phát triển kinh tế đã làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề. Việc bảo vệ môi trường chỉ thật sự có hiệu quả khi có sự chung sức của toàn xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; trong đó, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp.
Vai trò của Tòa án trong giải quyết các vụ việc liên quan đến môi trường
Hiện nay, vấn đề môi trường đã trở nên hết sức nóng bỏng và có tính toàn cầu. Ô nhiễm môi trường và những hậu quả từ sự ô nhiễm môi trường hiện đang ở mức báo động tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đang phải đương đầu với nhiều vấn đề nghiêm trọng như nạn phá rừng, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tại các sông suối, vùng biển, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, đe dọa tới các hệ sinh thái và hàng loạt vấn đề khác liên quan đến môi trường.
Tòa án, với chức năng và nhiệm vụ của mình, đang thể hiện vai trò quan trọng hơn trong việc bảo vệ môi trường. Thông qua việc xét xử các vụ án hành chính, Tòa án thực hiện hoạt động giám sát của mình đối với hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các cấp… trong việc ban hành các quyết định hành chính hoặc thực hiện các hành vi hành chính có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Mặc dù Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật không trực tiếp quy định về việc giám sát của Tòa án đối với cơ quan hành pháp, nhưng thông qua hoạt động xét xử các vụ án về môi trường, Tòa án có quyền đề nghị hay yêu cầu các cơ quan, tổ chức áp dụng các biện pháp để khắc phục, loại trừ những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhằm cải tiến phương thức quản lý nhà nước về môi trường.
Trong xét xử các vụ án về môi trường, Tòa án có trách nhiệm phát hiện những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ rừng... và các văn bản hướng dẫn còn có những quy định chưa đầy đủ, cần phải có văn bản hướng dẫn hay những bất cập trong các quy định trong BLDS, BLHS... về giải quyết các vụ án môi trường.
Trong những năm qua, TAND các cấp đã xét xử hình sự hàng nghìn vụ án về môi trường, hàng trăm vụ án dân sự về môi trường và một số vụ án về môi trường được xét xử theo quy định của Luật TTHC. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật môi trường mà người vi phạm có thể bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự.
Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì giải quyết theo trình tự TTDS hoặc TTHC tại Tòa án. So với thực trạng tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng gia tăng thì công tác đấu tranh, xét xử các loại tội phạm này vẫn còn hạn chế.
Một phiên tòa hành chính
Bên cạnh việc giải quyết, xét xử các vụ án về môi trường, TAND các cấp cũng rất tích cực trong quá trình đóng góp ý kiến để xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ rừng... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông qua các hoạt động này, Tòa án đã gián tiếp đóng góp ý kiến tham gia vào việc đề xuất xây dựng các chính sách, pháp luật về môi trường với Quốc hội, góp phần vào việc thực hiện pháp luật về môi trường, góp phần đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc về môi trường được nhanh chóng, đúng thời hạn, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và của toàn xã hội.
Đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và hành pháp
Các quy định của pháp luật về môi trường đã dự liệu nhiều tình huống pháp luật có thể xảy ra trong thực tế và cách thức xử lý những tình huống đó. Tuy nhiên, thực tế luôn vận động, đặt ra nhiều tình huống mà các chuyên gia pháp luật về môi trường chưa dự liệu được, do đó việc giải quyết vấn đề này còn nhiều nội dung chưa phù hợp.
Việt Nam đã và đang sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong việc bảo vệ môi trường, trong đó phải kể đến công cụ pháp luật và củng cố, tăng cường các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật và từng bước sửa đổi, hoàn thiện các quy phạm pháp luật trong Luật Bảo vệ môi trường và BLHS theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng theo kịp sự phát triển của thực tế và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường chỉ thật sự có hiệu quả khi có sự chung sức của toàn xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; trong đó, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp.
Để giải quyết có hiệu quả những vấn đề trên, TANDTC cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài nguyên - Môi trường; Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các cơ quan khác có liên quan. Các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan thực hiện quyền hành pháp là cơ sở để Tòa án xem xét, quyết định đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tranh chấp trong lĩnh vực môi trường. Bởi lẽ, các vụ án về môi trường với nhiều tính chất đặc thù, tranh chấp về môi trường có thể phát sinh ngay từ khi có xâm hại, thời điểm xác định tranh chấp môi trường nảy sinh thường sớm hơn so với thời điểm xác định nảy sinh các tranh chấp khác.
Mặt khác, giá trị thiệt hại trong các vụ việc về môi trường thường rất lớn; các lợi ích bị xâm hại thường khó xác định; thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra rất khó định lượng.
Các lợi ích này thường bị xâm hại đồng thời trên diện rộng, kéo dài; các tranh chấp về môi trường không chỉ liên quan đến lợi ích của các chủ thể mà còn liên quan đến lợi ích chung của toàn xã hội. Vì vậy, ngoài thiệt hại trực tiếp còn có các thiệt hại gián tiếp, lâu dài. Do đó, khi giải quyết một số vụ án, khi cần giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, Tòa án cần có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn.
Trong quá trình giải quyết vụ án về môi trường, để đảm bảo việc xét xử được đúng pháp luật, cũng có trường họp Tòa án phải tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn về môi trường về các vấn đề có liên quan đến vụ án. Khi giải quyết các vụ án này, Tòa án rất cần sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chuyên môn về môi trường để việc giải quyết vụ án được đúng thời hạn và chính xác.
Như vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp luôn là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho pháp luật về môi trường được tôn trọng và thực hiện một cách có hiệu quả. Sự đổi mới hoạt động và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ môi trường như: Các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn... và TAND các cấp sẽ đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án môi trường được nhanh chóng.
Để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam đang dần hoàn thiện các quy phạm pháp luật trong Luật Bảo vệ môi trường, BLHS theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, TANDTC đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa án Môi trường là một Tòa chuyên trách nhằm hướng tới sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.