Tăng cường áp dụng án lệ trong xét xử tại các Tòa án

Tòa án - Ngày đăng : 13:00, 03/06/2016

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa ban hành Chỉ thị số 04/2016 về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử.

Theo đó, Chánh án TANDTC giao nhiệm vụ cho Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc TANDTC khẩn trương quán triệt cho Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong cơ quan, đơn vị mình về nội dung của 6 án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 6/4/2016 để nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả trong công tác xét xử. Chánh án cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc rà soát, phát hiện bản án, quyết định có tính chất chuẩn mực của Tòa án để đề xuất phát triển thành án lệ; tổ chức thực hiện phong trào thi đua “nâng cao chất lượng bản án, quyết định tạo nguồn phát triển án lệ”; đưa nội dung “có bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ” là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng đối với Thẩm phán.

Trước đó, nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định: Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết và phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (điểm c, khoản 2, Điều 22 Luật Tổ chức TAND). Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Ngày 6/4/2016, 6 án lệ đầu tiên của Việt Nam đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua và được Chánh án TANDTC ban hành kèm theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 6/4/2016.

Tăng cường áp dụng án lệ trong xét xử tại các Tòa án

Hội đồng xét xử của một phiên tòa hình sự (ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thì án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây: Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; có tính chuẩn mực; có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội. Đây được coi là một bước tiến lớn trong hoạt động xét xử của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. 

6 án lệ có hiệu lực thi hành từ 1/6/2016 gồm:

Án lệ số 01/2016/AL

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2014/HS-GĐT ngày 16/4/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Giết người” đối với bị cáo Đồng Xuân Phương (SN 1975, TP. Hải Phòng).

 

Án lệ số 02/2016/AL

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 8/7/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thảnh với bị đơn là ông Nguyễn Văn Tám; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Yêm”.

 

Án lệ số 03/2016/AL

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Tòa Dân sự TANDTC về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội giữa nguyên đơn là chị Đỗ Thị Hồng với bị đơn là anh Phạm Gia Nam”.

 

Án lệ số 04/2016/AL

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03/3/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại TP. Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Kiều Thị Tý, ông Chu Văn Tiến với bị đơn là ông Lê Văn Ngự”.

 

Án lệ số 05/2016/AL

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 9/10/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại TP. Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Xuân với bị đơn là ông Nguyễn Chí Trải (Cesar Trai Nguyen), chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, bà Nguyễn Thị Bích Đào”.

 

Án lệ số 06/2016/AL

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 100/2013/GĐT-DS ngày 12/8/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp thừa kế” tại Hà Nội, giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng với bị đơn là bà Vũ Thị Tiến (tức Hiền), bà Vũ Thị Hậu”.

 

 

Quốc Huy