Tạo điều kiện để bản án, phán quyết nước ngoài được thi hành ở Việt Nam

Tòa án - Ngày đăng : 11:23, 01/06/2016

BLTTDS năm 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2016 đã có những cải cách đáng kể trong nhiều lĩnh vực, nhất là đối với việc công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án, phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo hướng tích cực.

Đây là một trong những điểm sửa đổi đáng ghi nhận của Bộ luật này.

Tỷ lệ công nhận còn thấp, khả năng thi hành chưa cao

BLTTDS hiện hành năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) đã có những quy định cụ thể về nguyên tắc cũng như thủ tục tố tụng dành cho yêu cầu công nhận và cho thi hành cả phán quyết của Trọng tài nước ngoài lẫn bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Theo quy định chung của BLTTDS năm 2004 thì việc công nhận và cho thi hành có thể được thực hiện theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Sau khi tham gia Công ước New York vào năm 1995, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của Công ước và đưa vào BLTTDS, làm cơ sở pháp lý cho việc công nhận phán quyết Trọng tài nước ngoài.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 18 điều ước quốc tế song phương với các nước khác về tương trợ tư pháp; các hiệp định song phương này đều có đề cập đến việc công nhận bản án của Tòa án cũng như phán quyết của Trọng tài. Mặc dù số lượng đơn yêu cầu loại việc này ngày càng nhiều, nhưng trên thực tế, tỷ lệ phán quyết Trọng tài nước ngoài được công nhận tại Việt Nam còn thấp, khả năng thi hành cũng chưa cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên trên là do một số quy định của BLTTDS hiện hành còn chưa tương thích với các quy định của Công ước cũng như cam kết của Việt Nam khi gia nhập Công ước.

Quy định mới về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài

Về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, BLTTDS mới đã đặt ra quy định riêng về thời hiệu cho trường hợp công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Trước đây, do chưa có quy định cụ thể trong BLTTDS năm 2004, nên các Tòa án có cách hiểu và áp dụng khác nhau đối với thời hiệu cho trường hợp này. BLTTDS năm 2105 đã đưa ra thời hiệu cho việc nộp đơn yêu cầu tại Điều 451 là 3 năm từ ngày phán quyết có hiệu lực. Một trong những nội dung cơ bản khác được quy định trong BLTTDS năm 2015 là làm rõ nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ của bên phải thi hành tại Việt Nam (Điều 459). Mặc dù Công ước New York đã có quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên phải thi hành nhưng quy định trong BLTTDS hiện hành vẫn chưa rõ ràng và trong nhiều trường hợp, Tòa án vẫn yêu cầu bên được thi hành phải cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ để chứng minh phán quyết không rơi vào các trường hợp loại trừ bị từ chối thi hành.

Tạo điều kiện để bản án, phán quyết nước ngoài được thi hành ở Việt Nam

 Tọa đàm về hoàn thiện pháp luật TTDS Việt Nam về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án, phán quyết của Trọng tài nước ngoài

Để khắc phục vấn đề này, BLTTDS năm 2015 đã chỉ ra rằng Tòa án chỉ xem xét các chứng cứ mà bên phải thi hành cung cấp để xem liệu có căn cứ từ chối yêu cầu công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài hay không. Điều đó có nghĩa là nếu như bên phải thi hành không thể cung cấp được các chứng cứ phản đối hợp lý thì phán quyết nghiễm nhiên phải được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam. Bên được thi hành không phải nộp thêm bất cứ chứng cứ nào trừ những tài liệu đã được quy định cụ thể như Điều IV của Công ước New York, cũng như Điều 453 BLTTDS năm 2015.

Ngoài ra, BLTTDS mới còn bổ sung những quy định khác nhằm đảm bảo tính hiệu quả của việc giải quyết loại việc này. Đó là: phân biệt quyết định của trọng tài với phán quyết Trọng tài; cho phép bên được thi hành nộp đơn yêu cầu trực tiếp ra Tòa án có thẩm quyền để giảm thời gian tố tụng đối với loại việc công nhận và cho thi hành, Đồng thời, BLTTDS năm 2015 quy định cụ thể hơn về các trường hợp đình chỉ và tạm đình chỉ xét đơn; quyết định phúc thẩm về công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài có thể bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Công nhận và thi hành bản án của Tòa án nước ngoài theo BLTTDS năm 2015

BLTTDS 2015 đã có những sửa đổi bổ sung theo hướng tích cực, đưa các quy định về công nhận và thi hành bản án nước ngoài đến gần với chuẩn mực của các nước phát triển trên thế giới. Bên cạnh các căn cứ để từ chối công nhận thi hành như Điều 356 BLTTDS hiện hành thì Điều 439 BLTTDS 2015 còn bổ sung các trường hợp: Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện để được công nhận quy định tại các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự mà Việt Nam là thành viên; Tòa án nước đã ra bản án, quyết định không có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó theo quy định tại Điều 440 của Bộ luật này; việc thi hành bản án, quyết định đã bị hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành tại nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định..

Ngoài ra, việc tống đạt có được xem là hợp lệ hay không là phụ thuộc vào pháp luật của nước nơi bản án được tuyên và yếu tố này được xét đến là để đảm bảo quyền tự bảo vệ của đương sự. Điều này cũng tương tự như nguyên tắc về công bằng của các nước theo hệ thống thông luật khi cho rằng bị đơn phải có quyền tham gia tố tụng và tự bảo vệ một cách công bằng. BLTTDS 2015 cũng đã có quy định cụ thể về việc cho phép đương sự trong vụ việc có yếu tố nước ngoài được lựa chọn Tòa án nước ngoài. Trong trường hợp đó, Tòa án Việt Nam nếu nhận được đơn khởi kiện của một bên thì phải trả lại đơn theo quy định của Điều 472. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với quyền tự do lựa chọn cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp của các bên, đồng thời gián tiếp công nhận thẩm quyền của Tòa án nước ngoài trong các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Chuyên gia địa phương của Ngân hàng thế giới, thành viên Viện Trọng tài Luân Đôn (CIArb) và Ủy ban Trọng tài của Hiệp hội các Đoàn Luật sư quốc tế (IBA) thì trong những năm qua danh sách bản án các nước có thể được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành còn rất giới hạn. Mặc dù đã có hành lang pháp lý về cơ sở công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài nhưng những bản án đáp ứng đủ điều kiện để được xem xét theo thủ tục này không nhiều. Do đó, Việt Nam cần xem xét đến việc tham gia thêm vào các điều ước quốc tế, chẳng hạn như Công ước Hague để tạo điều kiện hơn cho việc công nhận bản án của Tòa án nước ngoài. Ngoài ra, các quốc gia ASEAN cũng có thể tính đến việc tham gia một điều ước khu vực về vấn đề này nhằm tăng cường hợp tác khu vực như Cộng đồng châu Âu đã làm được với Quy tắc Brussels I hay Công ước Brussels.

PV