Những sửa đổi, bổ sung quan trọng trong Luật Tố tụng hành chính
Tòa án - Ngày đăng : 08:26, 09/04/2016
Luật Tố tụng hành chính (TTHC) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010 với 265 điều luật. Như vậy là sau 20 năm, pháp luật tố tụng hành chính của nước ta đã có sự sửa đổi, bổ sung đáng kể. Nếu so sánh với Luật TTHC năm 2010 thì Luật TTHC năm 2015 tăng 107 điều luật. Còn so sánh với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 thì Luật TTHC năm 2015 tăng 296 điều luật. Dưới đây là những sửa đổi, bổ sung trong Luật TTHC năm 2015.
Đối thoại trong tố tụng hành chính là thủ tục bắt buộc
Điều 12 của Luật TTHC năm 2010 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án”. Quy định “tạo điều kiện” là quy định không bắt buộc nên khi Tòa án giải quyết vụ án hành chính có Tòa án tạo điều kiện, có Tòa án không tạo điều kiện. Trường hợp “tạo điều kiện” thì cách thức “tạo điều kiện” cũng khác nhau. Cũng trong thực tế giải quyết các vụ án hành chính, có nhiều trường hợp đối thoại dẫn đến kết quả người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện, Tòa án không phải mở phiên tòa giải quyết.
Việc đối thoại trong tố tụng hành chính đã được Luật TTHC năm 2015 sửa đổi là thủ tục bắt buộc. Điều 20 Luật TTHC quy định như sau: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này”. Theo quy định này thì ngoài việc Tòa án tiến hành để đương sự đối thoại mà Tòa án còn tạo điều kiện để đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án hành chính.
Việc đối thoại phải tiến hành theo các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 134 của Luật TTHC. Các nguyên tắc đối thoại là: “a) Bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự”; “b) Không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ”; “c) Nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.
Một phiên tòa hành chính ở Thanh Hóa - Ảnh TL
Việc đối thoại phải có biên bản, nội dung biên bản đối thoại phải theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Luật TTHC. Cụ thể là các nội dung sau: “a) Nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 điều này (Ngày tháng, năm tiến hành phiên họp; Địa điểm tiến hành phiên họp; Thành phần tham gia phiên họp”); “b) Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”; “c) Nội dung đã được đương sự thống nhất, không thống nhất”.
Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính được khách quan, vô tư, đúng pháp luật, Luật TTHC năm 2015 có quy định Tòa án phải tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp chứng cứ, tiếp cận chứng cứ, công khai chứng cứ trước khi tiến hành đối thoại. Thành phần tham dự phiên họp có: Thẩm phán chủ trì phiên họp, Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp, Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có), Người phiên dịch (nếu có).
Điều 135 Luật TTHC quy định những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được bao gồm: “Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; Đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng; Các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại”.
Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện
Luật TTHC năm 2010 quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính , hành vi hành chính mà mình không đồng ý, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước, trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Theo quy định này thì phạm vi quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện là rất rộng. Nay Luật TTHC năm 2015 đã sửa đổi quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện. Theo quy định tại Điều 30 và các khoản 1,2,3,4 Điều 3 Bộ luật TTHC năm 2015, thì vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là gồm:
Một là: Quyết định hành chính bị kiện là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hai là: Hành vi hành chính bị kiện là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính quản lý nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quyết định của pháp luật mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ba là: Khiếu kiện danh sách cử tri. Giữ nguyên khiếu kiện vụ án hành chính đối với “Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống”, đối với “Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”.
Quyết định hành chính, hành vi hành chính không được khởi kiện vụ án hành chính được sửa đổi, bổ sung bao gồm:
“Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật”.
Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng”.
“Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”.
(Còn nữa)