Điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Tòa án - Ngày đăng : 09:55, 05/03/2016
Việc sửa đổi này đã đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay và nhiều năm tiếp theo. Những sửa đổi, bổ sung này cũng góp phần giảm bớt văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước năm 2003 được thực hiện theo hai hình thức chính.
Hình thức sửa đổi bổ sung thứ nhất là chia tách điều luật trong BLTTHS năm 2003 thành các điều luật khác nhau để sửa đổi câu từ và bổ sung quy định mới. Ví dụ 1: Điều 1 giải thích phạm vi của BLTTHS đồng thời xác định nhiệm vụ của BLTTHS. Điều luật này được BLTTHS năm 2015 chia thành hai điều luật riêng biệt và bổ sung quy định mới như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh. BLTTHS quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân, hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự”.
“Điều 2. Nhiệm vụ của BLTTHS. BLTTHS có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội phòng ngừa ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.
Ví dụ 2: Điều 180 BLTTHS quy định về: “Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án” với nội dung là trường hợp nào Thẩm phán được ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và trường hợp nào Thẩm phán được ra quyết định đình chỉ vụ án. Khi Thẩm phán ra một trong hai quyết định đó thì chỉ có một điều luật là Điều 180 BLTTHS để Thẩm phán làm căn cứ ra quyết định. Giải quyết vấn đề “cùng chung” một điều luật cho hai trường hợp ra văn bản tố tụng có nội dung khác nhau này, BLTTHS năm 2015 đã chia tách Điều 180 BLTTHS năm 2003 thành hai điều luật riêng biệt, mỗi điều luật có nội dung quy định riêng đó là Điều 281 quy định về “Tạm đình chỉ vụ án” và Điều 282 quy định về “Đình chỉ vụ án”.
Về sửa đổi với nội dung thuần túy sửa đổi câu từ để người đọc dễ hiểu, vì điều luật đã giải thích. Ví dụ 1: Điều 3 BLTTHS năm 2003 quy định nguyên tắc “Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động tố tụng hình sự” với nội dung quy định là “Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”. Nguyên tắc này quy định tại Điều 7 BLTTHS năm 2015 với nội dung sửa đổi như sau: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”.
Một phiên tòa xét xử vụ án hình sự
Ví dụ 2: Chương 3 BLTTHS năm 2003 có tiêu đề là “Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên”. Cụm từ “người chưa thành niên”, trong nhân dân có người đã hỏi “người chưa thành niên” là người nào? Giải quyết câu hỏi này, trong BLTTHS năm 2015 sửa đổi cụm từ “người chưa thành niên” bằng cụm từ “người dưới 18 tuổi”. Do đó Chương 28 BLTTHS năm 2015 có tiêu đề là: “Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi”.
Về sửa đổi và có bổ sung đối với điều luật của BLTTHS năm 2003 cũng có khá nhiều.
Ví dụ 1: Điều 33 BLTTHS năm 2003 quy định “Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng”. Về cơ quan tiến hành tố tụng có: “Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án”. Về những người tiến hành tố tụng có “a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên; b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên; c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án”.
Điều 34 BLTTHS năm 2015 quy định cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã sửa đổi Điều 33 BLTTHS năm 2003 như sau: Về cơ quan tiến hành tố tụng được giữ nguyên theo quy định tại Điều 33 BLTTHS năm 2003. Còn người tiến hành tố tụng sửa đổi, bổ sung như sau: “Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên”.
Như vậy là người tiến hành tố tụng đã được bổ sung đối với các chức danh “cán bộ điều tra (cơ quan điều tra), chức danh Kiểm tra viên (Viện kiểm sát), chức danh Thẩm tra viên (TAND).
Ví dụ 2: Điều 196 BLTTHS năm 2003 quy định Giới hạn của việc xét xử như sau: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác.
Trong thực tế hoạt động tố tụng, Điều 196 BLTTHS năm 2003 đã hạn chế nhiều, gây tốn phí thời gian, công sức của xã hội đối với những trường hợp hành vi của người phạm tội bị truy tố có đủ các yếu tố cấu thành tội khác và nặng hơn đối với tội mà VKS truy tố, nhưng HĐXX của Tòa án không được kết án về tội nặng hơn mà phải chờ đợi sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mới được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Để khắc phục tình trạng này, Điều 298 BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung Điều 196 BLTTHS năm 2003 với nội dung như sau:
“1) Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. 2) Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố. 3) Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết, nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố, thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.
Sửa đổi, bổ sung này là phù hợp với thực tế đấu tranh chống tội phạm.
(Còn nữa)