7 nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự cần áp dụng

Tòa án - Ngày đăng : 08:55, 22/01/2016

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) đã được TANDTC quán triệt việc thi hành với nhiều điểm mới quan trọng. Một trong những nội dung là “những nguyên tắc cơ bản” mà khi xét xử vụ án hình sự Thẩm phán căn cứ vào đó để đưa ra phán quyết của mình.

BLTTHS 2015 đã bổ sung một số nguyên tắc mới, đồng thời loại bỏ những quy định không mang tính nguyên tắc trong Chương “Nguyên tắc cơ bản” của BLTTHS 2003. Đây là những nguyên tắc mà mọi chủ thể tham gia và tố tụng hình sự, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải quán triệt, tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của BLTTHS, cũng như để đạt được nhiệm vụ của tố tụng hình sự là bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và giáo dục mọi người tuân theo pháp luật.

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Tòa án - một trong ba cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo đảm thực hiện các nguyên tắc này trong tố tụng. Đó là nguyên tắc “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”. Nguyên tắc này đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự; các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đảm bảo các quyền này trong quá trình giải quyết vụ án hình sự;

7 nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự cần áp dụng

Hội nghị triển khai các luật về tố tụng của TANDTC

Nguyên tắc “Suy đoán vô tội”: Để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội trên cơ sở Điều 9 BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 đã chỉ rõ nguyên tắc này và bổ sung đầy đủ nội dung là: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo (Điều 26), nguyên tắc này đã thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng, một trong những vấn đề quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là xác định hướng đi đổi mới căn bản cho mô hình tố tụng hình sự Việt Nam.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn nhấn mạnh, việc thể chế hóa này là sự tiếp tục duy trì và phát huy những ưu điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn, đồng thời kết hợp với mô hình tố tụng tranh tụng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động xét xử phải đảm bảo tranh tụng giữa người có thẩm quyền tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác và những người này có quyền bình đẳng trong việc đưa ra, đánh giá chứng cứ và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện theo quy định của BLTTHS 2015 để họ thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong việc tranh tụng. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa.

Ngoài ra, nguyên tắc này cũng đòi hỏi mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự để áp dụng tội danh, quyết định mức hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án hình sự đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Bên cạnh những nguyên tắc quan trọng như trên, còn có các nguyên tắc khác là: “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”. Theo đó, người bị buộc tội không chỉ bao gồm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo như hiện hành, mà còn gồm cả người bị bắt; nguyên tắc “Thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm tham gia” và “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 23). Đây là những nguyên tắc được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Hiến pháp 2013 và thực tiễn xét xử của Tòa án. Đồng thời bổ sung quy định về việc nghiêm cấm cơ quan, tổ chức cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Đồng thời cũng bổ sung chế tài xử lý khi nguyên tắc này bị vi phạm: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”. Cùng với đó là nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” (Điều 27), cụ thể hóa khoản 6, Điều 103, Hiến pháp 2013 và “Thực hiện chế độ hai cấp xét xử” của BLTTHS 2003.

Mai Thoa