Hội nghị tập huấn các Luật về tố tụng dân sự, hành chính
Tòa án - Ngày đăng : 17:11, 16/01/2016
Toàn cảnh hội nghị
Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Sơn, Tống Anh Hào, Nguyễn Văn Thuân, Nguyễn Văn Hạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo TANDTC và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn giới thiệu về những điểm mới, nội dung quan trọng chuẩn bị cho việc thi hành các Luật này trong thời gian tới.
Các chủ thể bình đẳng khi tham gia quan hệ dân sự
Về những nội dung mới của Bộ luật Dân sự (BLDS), Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho biết, đây là một đạo luật có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội mà còn cả về mặt xây dựng pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật này đã thể chế hóa đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, đảm bảo quyền con người… theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị và Hiến pháp 2013; sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn xảy ra; xây dựng Bộ luật thành Bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí và tài sản tự chịu trách nhiệm; có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi, đảm bảo sự ổn định của Bộ luật và đáp ứng sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội…
Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào phát biểu tại Hội nghị
Trên cơ sở kế thừa và phát triển, Bộ luật Dân sự 2015 vẫn xác định phạm vi điều chỉnh là "quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân” trong quan hệ dân sự như Bộ luật Dân sự 2005. Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rõ đặc trưng của quan hệ dân sự là: Các chủ thể bình đẳng khi tham gia quan hệ dân sự, những quan hệ nào không mang tính bình đẳng của các chủ thể không phải là quan hệ dân sự; khi tham gia quan hệ dân sự, các chủ thể có thể tự do ý chí, có quyền tham gia hoặc không tham gia quan hệ đó; chủ thể có quyền độc lập với tài sản…
Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự
Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) là một trong những đạo luật quan trọng về hoạt động tố tụng theo tinh thần Hiến pháp 2013, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của TAND nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. BLTTDS là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng dân sự của TAND, đảm bảo cho Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, công dân.
BLTTDS 2015 so với BLTTDS hiện hành giữ nguyên 63 Điều; sửa đổi, bổ sung 350 điều; bổ sung mới 104 điều; bãi bỏ 7 điều; trong đó bỏ chương về tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự và bổ sung các chương về thủ tục rút gọn; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển…
Một trong những điểm mới quan trọng của Bộ luật này là bổ sung quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Việc bổ sung này nhằm thể chế hóa tinh thần cải cách tư pháp để Tòa án thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND về vai trò của TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, nên mọi tranh chấp, khiếu kiện của cá nhân, cơ quan tổ chức về dân sự Tòa án phải có trách nhiệm giải quyết, đồng thời việc bổ sung vấn đề này để đồng bộ với Bộ luật Dân sự.
Điểm mới quan trọng nữa là Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự của TAND. Quy định rõ thẩm quyền Tòa án theo cấp, theo lãnh thổ nhằm phù hợp với Luật Tổ chức TAND và tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn hiện nay.
Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.
Đảm bảo tranh tụng trong xét xử
Luật Tố tụng hành chính 2015 (LTTHC) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về hoạt động tố tụng theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND 2014 đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định của LTTHC năm 2010 để khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết, xét xử các khiếu kiện hành chính, bảo đảm cho TAND thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngoài việc sửa đổi, bổ sung một số khái niệm của LTTHC 2010 như: quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, LTTHC 2015 bổ sung quy định mới về một số nguyên tắc như: đảm bảo tranh tụng trong xét xử; Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND; Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, Thẩm phán, Kiểm sát viên…trong xét xử vụ án hành chính.
Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, ngoài việc kế thừa những quy định của Luật hiện hành, LTTHC 2015 quy định quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở tố tụng của TAND không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; đồng thời, Luật bổ sung đối tượng khởi kiện án hành chính là danh sách cử tri trưng cầu ý dân để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật trưng cầu ý dân cũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua.
Tương tự, về thẩm quyền xét xử, LTTHC 2015 quy định đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện thì giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh. Quy định như trên nhằm khắc phục tồn tại, bất cập từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Luật này cũng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.
Kết luận hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đề nghị Chánh án các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan như Học viện Tòa án chuẩn bị các phương án triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cũng quán triệt những quy định của các Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành những Luật này, đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, các TAND, TAQS, các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để việc triển khai, thực hiện Luật có hiệu quả.