Xác định chính xác tài sản bảo đảm trong các vụ án kinh doanh, thương mại, tranh chấp HĐ tín dụng

Tòa án - Ngày đăng : 06:00, 14/01/2016

Trong những năm gần đây, số lượng vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng được đưa ra giải quyết tại Tòa án gia tăng và có chiều hướng ngày càng phức tạp.

Do đó dẫn đến việc các Tòa án gặp phải nhiều vướng mắc trong giải quyết nhất là đối với TAND cấp huyện.

Thực tiễn xét xử về việc xử lý tài sản bảo đảm

Kể từ ngày 1/1/2012, thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng được giao cho TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Bộ luật TTDS (được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Hợp đồng tín dụng là loại hợp đồng mang tính rủi ro cao, khi xảy ra tranh chấp thì vấn đề phải giải quyết là việc xử lý tài sản bảo đảm đối với hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản thường gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, để bảo vệ lợi ích của mình, các tổ chức tín dụng thường yêu cầu người đi vay phải có tài sản bảo đảm. Hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản, tổ chức tín dụng cho vay luôn có quyền ưu tiên trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Quyền này của các tổ chức tín dụng được xác lập trên cơ sở giao dịch bảo đảm giữa tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm, bao gồm bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh...) với người vay (bên bảo đảm, bên thế chấp hoặc bên được bảo đảm, bên được bảo lãnh), người thứ ba (bên bảo lãnh).

Với tư cách là một chủ nợ có bảo đảm, khi đến hạn mà người vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì tổ chức tín dụng  được quyền ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản bảo đảm trước các chủ nợ không có bảo đảm bằng tài sản đó. Thực tiễn xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng trong thời gian qua cho thấy, quá trình giải quyết tại Tòa án, các bên thường thống nhất với nhau về số tiền đã vay; về số tiền lãi trong hạn cũng như quá hạn; số tiền gốc và số tiền lãi đã trả; số tiền gốc và số tiền lãi còn nợ, nhưng chủ yếu là không thống nhất được với nhau về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Xác định chính xác tài sản bảo đảm trong các vụ án kinh doanh, thương mại, tranh chấp HĐ tín dụng

TANDTC tổ chức Tọa đàm áp dụng pháp luật giao dịch bảo đảm trong xét xử

Trường hợp phổ biến thường gặp trong thực tiễn xét xử về việc xử lý tài sản bảo đảm đó là tài sản bảo đảm là tài sản chung của vợ chồng và tài sản bảo đảm là tài sản chung của hộ gia đình. Khi giải quyết tranh chấp thì có Tòa án chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (khi chỉ có một người đứng tên) để xác định đó là tài sản riêng của người đứng tên trong giấy chứng nhận và từ đó khẳng định hợp đồng thế chấp, bảo lãnh là hợp pháp và quyết định xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh. Tuy nhiên, có Tòa án lại xác định tài sản đó không phải tài sản riêng của người đứng tên trên giấy chứng nhận mà là tài sản chung, vì người không có tên trên giấy chứng nhận không ký vào hợp đồng bảo đảm, hoặc không biết và không đồng ý việc đem tài sản thế chấp, bảo lãnh, do đó Tòa án đã tuyên bố hợp đồng thế chấp, bảo lãnh vô hiệu một phần hoặc toàn bộ. Trong những trường hợp này khi giải quyết, Tòa án cần phải xác minh làm rõ tài sản bảo đảm là tài sản riêng hay là tài sản chung. Nếu là tài sản chung mà chỉ một người đem đi thế chấp, bảo lãnh; những người còn lại không ký vào hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, không biết và không đồng ý thì phải xác định hợp đồng thế chấp, bảo lãnh đó bị vô hiệu toàn bộ chứ không xác định hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bị vô hiệu một phần.

Ngoài ra có một số trường hợp cũng gây khó khăn cho Tòa án là đương sự lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất giả tạo để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, sau đó đem tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh.

Tòa án phải tiến hành xác minh làm rõ

Thông thường những sai lầm trên chỉ được phát hiện sau khi đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, hoặc khi có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, hoặc Tòa án địa phương, cơ quan thi hành án có văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vì không thể thi hành án được. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do Ngân hàng đã không làm đúng quy định khi làm hồ sơ thẩm định tài sản thế chấp, bảo lãnh (không đến thẩm định tại chỗ mặc dù trong hồ sơ có biên bản thẩm định tài sản thế chấp, bảo lãnh, có chữ ký của người thế chấp, bảo lãnh).

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, giảng viên kiêm nhiệm của Học viện Tòa án (người có nhiều năm kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến tài sản thế chấp, bảo lãnh) thì khi giải quyết vụ án, Tòa án phải yêu cầu đương sự cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh nguồn gốc tài sản, thực tế những ai là người đang trực tiếp quản lý và sử dụng tài sản bảo đảm, những ai đang có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản này, các thông tin liên quan đến tài sản bảo đảm tại thời điểm thế chấp đến thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết vụ án. Đồng thời, Tòa án phải tiến hành xác minh làm rõ và phải đưa tất cả những người đang trực tiếp quản lý và sử dụng tài sản bảo đảm đó, những người đang có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản này vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Tòa án phải xác định chính xác tài sản bảo đảm là của ai, từ đó mới có căn cứ giải quyết vụ án toàn diện, chính xác, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Nếu xác định tài sản bảo đảm là đối tượng tranh chấp và đang được giải quyết bằng một vụ án dân sự hoặc có liên quan trong vụ án hình sự khác thì Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết của vụ án dân sự hoặc hình sự đã được thụ lý trước đó theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS.

Trần Quang Huy