Khi Thẩm phán “minh oan” cho bị cáo

Tòa án - Ngày đăng : 06:05, 03/01/2016

Ông Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh có quá trình xét xử 30 năm. Ông có nhiều kỷ niệm khó quên trong quá trình xét xử, đặc biệt là các vụ án hình sự phức tạp.

Vụ án sau đây là chia sẻ của nguyên Thẩm phán Phạm Công Hùng về sự thận trọng và có trách nhiệm của người Thẩm phán khi tham gia xét xử.

Một vụ đâm chém có nhiều người tham gia, xảy ra ở một quán cà phê, làm một người chết, một người bị trọng thương. Sau đó, D - cháu trai của một võ sư nổi tiếng, nguyên là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Taewondo Việt Nam ra đầu thú, tự nhận chỉ có một mình gây án nên bị khởi tố; còn võ sư kia và hai kẻ gây án khác thì được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Xét xử sơ thẩm lần đầu năm 1999, TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt D tù chung thân về tội Giết người. Sau đó, gia đình nạn nhân kháng cáo cho rằng, bản án sơ thẩm bỏ sót người, lọt tội; còn bị cáo kháng cáo xin giảm án. Thẩm phán Phạm Công Hùng được phân công giải quyết.

Khi Thẩm phán “minh oan” cho bị cáo

Thẩm phán Phạm Công Hùng

Trong quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm, D luôn khẳng định chỉ duy nhất một mình D dùng con dao 1,5 x 20cm để đâm chết nạn nhân. Nhiều chứng cứ, lời khai của các nhân chứng cũng phù hợp với lời khai của D nên cấp sơ thẩm chỉ xét xử một mình D về tội giết người.

Khi nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán Hùng thấy biên bản thu giữ con dao tang vật nên đã đưa con dao đó vào xem xét tại phiên phúc thẩm. Dù tại Tòa, bị cáo D và các nhân chứng vẫn giữ nguyên lời khai nhưng trong quá trình tranh tụng, Thẩm phán Hùng đã tập trung làm rõ mâu thuẫn giữa kích thước vết thương trên thi thể nạn nhân (5 x 20cm) với kích thước con dao tang vật (1,5 x 20cm). Kết quả tranh tụng đã kết luận được rằng: Các chứng cứ mà bản án sơ thẩm dùng để kết tội D là giả mạo. Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy án, giao cho cấp sơ thẩm điều tra lại.

Khi điều tra, truy tố, xét xử lại, ngoài việc truy tố D, cấp sơ thẩm còn truy tố thêm bốn bị cáo khác nữa. Tòa đã xử bị cáo đầu vụ (võ sư) bị phạt tử hình, ba bị cáo khác từ 20 năm tù đến tù chung thân; riêng D được xử mức án thấp hơn trước vì chỉ giữ vai trò đồng phạm (giúp sức).

Như vậy, bằng nghiệp vụ xét xử của mình, Thẩm phán Hùng đã làm sáng tỏ sự thật của vụ án, “minh oan” cho bị cáo D. Vụ án đã khép lại hơn 10 năm nhưng tới tận bây giờ, Thẩm phán Hùng vẫn luôn suy nghĩ, trăn trở: Nếu không có con dao tang vật để “lật tẩy” lời khai gian dối của D và nhân chứng thì liệu kháng cáo của gia đình nạn nhân có đủ sức thuyết phục Tòa phúc thẩm? Vì vậy, ông Phạm Công Hùng luôn tâm niệm: Người Thẩm phán khi xét xử thì cần phải đề cao sự thận trọng và có trách nhiệm.

Văn Khôi