Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Cần thiết phải tham vấn ý kiến trong lập pháp, lập quy
Tòa án - Ngày đăng : 10:32, 23/12/2015
Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định thi hành là Bộ Tư pháp đã có hội thảo về vấn đề này hôm qua (15/12).
Luật Ban hành VBQPPL 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật như: Đổi mới quy trình lập pháp, lập quy nhằm nâng cao chất lượng các VBQPPL, bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo VBQPPL; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng pháp luật; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch và dễ tiếp cận hơn, chú trọng đến việc thực thi pháp luật theo hướng gắn kết giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Ông Võ Văn Tuyển, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Một trong những hạn chế của Luật Ban hành VBQPPL hiện hành là chưa tách bạch quy trình xây dựng, thông qua chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, dẫn đến có tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công” trong xây dựng, ban hành VBQPPL. Nhằm tránh tình trạng đưa vào chương trình quá nhiều văn bản mà chưa xem xét kỹ tính khả thi của chương trình và sự cần thiết ban hành văn bản, dự thảo Nghị định quy định các yêu cầu về việc xác định chính sách, mục tiêu chính sách, đánh giá tác động chính sách đối với từng đề nghị xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định, thông tin số liệu được sử dụng khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động phải là nguồn thông tin chính thức. Tuy nhiên, để triển khai tốt trên thực tế thì cần phải hướng dẫn về phương pháp đánh giá tác động chính sách, cách thức tính toán chi phí và lợi ích. Do đó, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về phương pháp đánh giá tác động của văn bản.
Liên quan đến quy định dịch VBQPPL, dự thảo Nghị định quy định cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chủ trì, phối hợp với TTXVN dịch VBQPPL ra tiếng Anh quy định tại khoản 1 Điều 112. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định bản dịch VBQPPL ra tiếng Anh đối với Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH.
Các ý kiến cho rằng, cần tính đến tính khả thi khi quy định về dịch văn bản, dịch ra tiếng nước ngoài nào, ai là người chủ trì để đảm bảo chất lượng văn bản dịch là vấn đề cần phải được tính toán. Hay vấn đề đăng Công báo, cơ quan nào chịu trách nhiệm để đảm bảo tính hệ thống của văn bản Luật?…
Theo ông Nguyễn Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Luật Việt Nam và diễn đàn pháp lý, căn cứ nhu cầu tìm hiểu thông tin về hệ thống pháp luật Việt Nam của độc giả nước ngoài, nội dung phục vụ tuyên truyền đối ngoại là rất rộng. Ông Minh cũng cho rằng, đồng tình với quan điểm Bộ Tư pháp là cơ quan phải thẩm định bản dịch, song đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, cơ quan dịch là cơ quan nào?
Ông Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ủy ban Dân tộc góp ý: Hiện nay bản dịch chỉ có giá trị tham khảo, vậy quy định Hội đồng thẩm định để làm gì? Ai quyết định thẩm quyền dịch? Cơ chế phối hợp như thế nào… là những vấn đề phải xem xét kỹ. Quy định dịch ra ngôn ngữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong Nghị định hiện còn rất sơ sài; thẩm quyền dịch chồng chéo, gây lãng phí và đặc biệt không thấy có quy định nguồn kinh phí cho việc dịch các loại văn bản, nên cần phải quy định cụ thể vấn đề này.
Về việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL nhằm nâng cao chất lượng văn bản, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng, tham vấn, lấy ý kiến trong các công đoạn lập pháp, lập quy là việc không thể thiếu, có “chất liệu thực tiễn” cho nhà soạn thảo VBQPPL, có tính chất quyết định đối với tính khả thi của VBQPPL… Hiện nay, dự thảo Nghị định mới chỉ tiếp cận theo hướng một chiều là “lấy ý kiến”, nghĩa là chủ thể hành động ở đây chỉ là cơ quan chịu trách nhiệm về hồ sơ của dự án VBQPPL là chưa phù hợp.