Thủ tục đăng ký bào chữa: Cần quy định cụ thể để tránh “bình mới, rượu cũ”
Tòa án - Ngày đăng : 08:34, 17/12/2015
Tuy nhiên theo các chuyên gia, cần có quy định cụ thể để việc thực thi được thuận lợi, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ”
Điều 78 BLTTHS (sửa đổi) quy định trong mọi trường hợp người bào chữa (luật sư (LS), bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý) phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký, người bào chữa xuất trình thẻ LS kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu của người bị buộc tội, hoặc của người đại diện, hoặc của người thân thích của người bị buộc tội. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ, cơ quan tố tụng phải kiểm tra và vào sổ đăng ký người bào chữa (trường hợp từ chối việc đăng ký thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản). Sau đó cơ quan tố tụng phải gửi ngay văn bản thông báo cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ. Văn bản này có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng, trừ khi có sự thay đổi người bào chữa.
Cơ quan tố tụng từ chối đăng ký bào chữa trong các trường hợp: Người bị buộc tội từ chối LS chỉ định; người đăng ký bào chữa là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; người đăng ký bào chữa là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Người đăng ký bào chữa nếu là người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật cũng bị từ chối đăng ký bào chữa. Ngoài ra, cơ quan tố tụng từ chối đăng ký bào chữa nếu người đăng ký bào chữa là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc...
Quy định đăng ký bào chữa tạo thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng
Thủ tục đăng ký bào chữa có một số điểm tiến bộ hơn so với thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa như rút ngắn thời gian xem xét công nhận tư cách người bào chữa hơn (24 giờ thay vì 3 ngày). Văn bản thông báo cho người đăng ký bào chữa (trường hợp chấp nhận đăng ký) có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng thay vì chỉ có giá trị trong từng giai đoạn tố tụng.
Việc BLTTHS (sửa đổi) chuyển sang thủ tục đăng ký bào chữa là một bước chuyển mang tính đột phá trong quá trình xác lập địa vị pháp lý, vai trò của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Về bản chất, thủ tục mới này đã hủy bỏ một rào cản lớn, xóa bỏ cơ chế hành chính xin-cho giữa người bào chữa với các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng băn khoăn là việc thực thi quy định mới làm sao không rơi vào tình trạng chỉ khác nhau về tên gọi mà vẫn “bình mới, rượu cũ”. Các chuyên gia kiến nghị, các cơ quan pháp luật trung ương khi hướng dẫn chi tiết về quy định mới này cần đảm bảo đúng tinh thần là không để thủ tục hạn chế quyền con người, quyền công dân vốn đã được hiến định.
Cũng theo các chuyên gia, về bản chất, văn bản thông báo của cơ quan tố tụng cho người đăng ký bào chữa không phải là thủ tục hành chính mà là nghĩa vụ của cơ quan tố tụng. Cơ quan tố tụng có nghĩa vụ phải thông báo cho cơ sở giam giữ về việc có người bào chữa tham gia tố tụng. Ý chí của nhà làm luật thông qua quy định mới này là cơ quan tố tụng phải có nghĩa vụ đăng ký bào chữa. Cứ đủ điều kiện về giấy tờ, thời gian và đăng ký đúng trình tự, thủ tục thì người bào chữa phải được tham gia vụ án. Do vậy khi ra văn bản hướng dẫn thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền cần phải làm rõ được tính ưu việt của quy định mới này. Nó là một cách gỡ bỏ rào cản cho giới LS trong việc tham gia vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 77 BLTTHS (sửa đổi) quy định: Trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối. Quy định trên cũng là một bước tiến lớn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình tham gia tố tụng của người bào chữa. Bởi lẽ rất nhiều trường hợp, các LS đã bị cơ quan điều tra từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa với lý do bị can (bị tạm giam) “từ chối LS”, trong khi LS lại không được vào cơ sở giam giữ để trực tiếp tìm hiểu ý chí của bị can.