Án lệ với pháp luật về án lệ
Tòa án - Ngày đăng : 15:45, 13/11/2015
Đây là một quy định mới trong Dự thảo BLTTDS và là lần đầu tiên án lệ được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự nước ta. Nếu án lệ trong Dự thảo của BLTTDS được Quốc hội thông qua, thì án lệ cũng sẽ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và trong Bộ luật Tố tụng hành chính (BLTTHC).
Một buổi hội thảo về áp dụng án lệ
Án lệ là gì?
Câu hỏi này đang có sự giải thích khác nhau. Khoản 1 của Dự thảo BLTTDS giải thích: “Án lệ dân sự là những bản án, quyết định về vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực được ban hành theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC”. Còn Từ điển Luật học giải thích án lệ là: “Bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các Thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự” (Xem trang số 13 Cuốn Từ điển Luật học do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa và Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2006).
Nghiên cứu các giải thích án lệ mà chúng tôi trình bày ở trên thì thấy rằng: Về giải thích án lệ tại khoản 1 Điều 21 của Dự thảo BLTTDS là giải thích của nhà làm luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo giải thích này thì án lệ có một số điều kiện sau:
Điều kiện 1: Bản án đã có hiệu lực pháp luật và có tính chuẩn mực.
Điều kiện 2: Bản án chuẩn mực đó phải có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho phép ban hành mới có căn cứ được ban hành. Đối với bản án có tính chuẩn mực là bản án được chọn làm căn cứ để đối chiếu, để hướng theo đó mà làm cho đúng và phải có tiêu chí chuẩn mực như là: Chuẩn mực về trình bày nội dung vụ án phải rõ ràng, dễ hiểu; Chuẩn mực về phân tích, đánh giá chứng cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận hoặc chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Chuẩn mực về áp dụng pháp luật bao gồm đúng điều luật, đúng văn bản pháp luật áp dụng, đầy đủ pháp luật để giải quyết vụ án; Chuẩn mực về thời hạn giải quyết, về trình tự thủ tục giải quyết vụ án…
Tóm lại, bản án có tính chuẩn mực là bản án thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, đúng quan hệ pháp luật, đúng văn bản pháp luật giải quyết vụ án. Có nghĩa là chuẩn mực về việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án.
Về giải thích án lệ trong Từ điển Luật học là sự giải thích khái quát chung phù hợp với các nước theo hệ thống luật mà bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích áp dụng pháp luật có trước, xảy ra trước được coi là mẫu mực cho các việc xử lý các tình huống tương tự xảy ra sau đó.
Áp dụng án lệ
Khoản 2 Điều 21 của Dự thảo BLTTDS quy định như sau: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân nghiên cứu, áp dụng án lệ dân sự để giải quyết các vụ việc có nội dung tương tự. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do”.
Nghiên cứu các quy định này chúng tôi nhận thấy quy định tại khoản 2 Điều 21 của Dự thảo BLTTDS có vẻ mâu thuẫn với một số điều luật trong Dự thảo BLTTDS và văn bản pháp luật khác. Cụ thể là:
- Mâu thuẫn với các quy định tại Điều 6. Tại khoản 1 của điều luật này quy định như sau: “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.
- Mâu thuẫn với các quy định tại Điều 12. Trong Điều 12 có quy định như sau: “Khi xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
- Mâu thuẫn với quy định tại Điều 85. Tại khoản 1 của điều luật này quy định như sau: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án các tài liệu chứng cứ…”.
- Mâu thuẫn với Điều 225. Tại khoản 1 Điều 225 có quy định như sau: “Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của nguyên, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án… nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử… Bản án chỉ được căn cứ vào kết quả tranh tụng…”.
- Mâu thuẫn với Điều 247 của Dự thảo BLTTDS. Tại khoản 1 Điều 247 của Dự thảo BLTTDS quy định như sau: “Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm: việc trình bày chứng cứ, hỏi, trả lời và phát biểu tranh luận về chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng giải quyết các vấn đề đặt ra”.
Nội dung mâu thuẫn với các điều luật mà chúng tôi trình bày ở trên là ở chỗ các điều luật đó đều quy định Tòa án giải quyết vụ án phải tuân theo pháp luật.
Đặc biệt là có vẻ mâu thuẫn với Hiến pháp hiện hành như có người từng nêu quan điểm. Vì tại khoản 2 Điều 102 của Hiến pháp quy định như sau: “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Trong 5 điều của Hiến pháp quy định về Tòa án nhân dân (các Điều 102, 103, 104, 105, 106) không có điều nào quy định TAND xét xử được áp dụng án lệ.
Đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng mâu thuẫn đó (nếu có) chỉ là về hình thức, bởi bản chất của việc áp dụng án lệ là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, nói rõ hơn mặc dù trong các điều của Hiến pháp không quy định cụ thể Tòa án xét xử áp dụng án lệ nhưng việc quy định “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” cũng đã bao hàm các vấn đề được quy định trong các văn bản pháp luật, trong đó có quy định về án lệ.
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ phải “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”. Cùng với đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 đã giao nhiệm vụ “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ”.
Tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật Tổ chức TAND 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Tại khoản 5 Điều 27 của Luật Tổ chức TAND 2014 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC, đó là: “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”. Theo đó, ngày 28/10/2015, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Như vậy, việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết 48-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW để sử dụng án lệ ở nước ta là một yêu cầu cấp thiết, và việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ là một bước đi phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc sử dụng án lệ hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật vì đã được quy định rõ trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ” cho thấy án lệ đã bắt đầu đi vào đời sống nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử; từ đó góp phần bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
Với ý nghĩa và giá trị đã được thừa nhận của án lệ theo kinh nghiệm quốc tế, việc áp dụng án lệ ở Việt Nam sẽ giúp cho Toà án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án ngày càng cao; những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn có những cách hiểu chưa thống nhất; còn có những vấn đề chưa có quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh. Áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các “khiếm khuyết” của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.
Về án lệ trong tố tụng dân sự (Điều 21 của dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9), được biết, tại Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo BLTTDS (sửa đổi), UBTVQH khẳng định: Chủ trương phát triển án lệ đã được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã quy định Hội đồng thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ tổng kết, phát triển án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử các loại vụ án. Như vậy, việc áp dụng án lệ trong xét xử đã được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Do đó, không cần thiết nhắc lại trong Bộ luật này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không quy định về áp dụng án lệ trong dự thảo Bộ luật. Trình tự, thủ tục ban hành án lệ, giá trị áp dụng của án lệ…. sẽ được quy định trong một văn bản khác để áp dụng chung trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là phù hợp.
Như vậy, có thể nói việc thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển và áp dụng án lệ theo chủ trương, định hướng của Đảng và các quy định của pháp luật sẽ bảo đảm được việc áp dụng thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án, hạn chế tình trạng oan, sai; góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như Hiến pháp năm 2013 đã quy định.