Trộm cắp dưới 2 triệu đồng Không nên xử lý hình sự

Tòa án - Ngày đăng : 08:22, 28/10/2015

BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm trường hợp xử lý hình sự khi tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng có thể gây ra mất công bằng trong chính sách hình sự và khó khăn cho cơ quan tố tụng.

Từ câu chuyện mất trộm chó

Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định trường hợp trộm cắp tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự. Ngoài 3 trường hợp trên, dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm trường hợp thứ tư là tuy tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng, nhưng đó lại là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình, hoặc có giá trị đặc biệt về tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” thì vẫn bị xử lý hình sự (Điểm d khoản 1 Điều 172).

Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung 2 trường hợp như dự thảo BLHS (sửa đổi) nhằm giải quyết những bức xúc của người dân đối với những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị không đến 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mưu sinh hàng ngày của người dân. Thực tế trong đời sống xã hội thời gian qua tình trạng trộm chó xảy ra ở các địa phương, gây bức xúc trong nhân dân mà không thể truy tố hình sự (vì tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng), dẫn đến nhiều người dân đã hè nhau đánh chết kẻ trộm chó. Các ý kiến cho rằng, chó không phải là tài sản thông thường mà là vật nuôi yêu quý, là thú cưng của gia đình nên có giá trị về mặt tinh thần. Thế nhưng, theo BLHS hiện hành thì kẻ trộm chó chỉ bị xử lý hành chính. Xử lý như vậy là không thỏa đáng và không đủ sức răn đe đối với đối tượng trộm chó.

Trộm cắp dưới 2 triệu đồng Không nên xử lý hình sự

Phiên tòa xét xử vụ án trộm cắp tài sản

Trường hợp khác, kẻ trộm ăn trộm những tài sản tuy không có giá trị lớn về vật chất, nhưng có giá trị về tâm linh, tình cảm chẳng hạn như trộm các đồ thờ cúng, tranh ảnh, đồ lưu niệm… Những vật dụng này dù có thể có giá trị không đến 2 triệu đồng, nhưng với nhiều người lại rất thiêng liêng, quý giá, khi bị mất đi sẽ ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần. Hoặc giả sử kẻ trộm lấy đi một chiếc xe đạp, xe ba gác tuy giá trị chưa đến 2 triệu đồng, nhưng đó là phương tiện kiếm sống của cả gia đình, khi mất đi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và thậm chí cả gia đình người bị hại. Do vậy, để bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo đảm tính răn đe, góp phần hạn chế tình trạng trộm cắp ở nhiều địa phương, việc xử lý hình sự với các trường hợp trộm tài sản dưới 2 triệu đồng là cần thiết.

Gây khó khăn cho cơ quan tố tụng

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu xử lý cả các trường hợp trộm dưới 2 triệu đồng sẽ phát sinh quá nhiều vụ án hình sự, gây áp lực không đáng có cho tòa hình sự. Hơn nữa, so với mức sống của người Việt Nam hiện nay, 2 triệu đồng chưa phải là lớn, xử lý hành chính là phù hợp.

Nếu tiếp tục quy định việc xử lý hình sự đối với những vi phạm trộm cắp dưới 2 triệu đồng như dự thảo nêu thì mỗi năm sẽ phát sinh thêm hàng nghìn vụ pháp pháp hình sự, gây áp lực rất lớn đối với việc xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng. Có ý kiến đề nghị nâng mức tiền lên thành 5 triệu đồng mới bị xử lý hình sự để giảm bớt án hình sự hàng năm đi, giảm bớt gánh nặng giam giữ.

Trả lời báo chí, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương - cho rằng dự thảo Bộ luật Hình sự nên cân nhắc kỹ việc này. Theo ông Độ, chính sách xử lý hình sự vừa phải đảm bảo răn đe, vừa phải mang tính nhân văn. “Có những trường hợp mà vì nghèo quá, đói quá, trong khi vợ con đang cần tiền để đi viện chữa trị chẳng hạn nên trong một khoảnh khắc nào đó đã nảy sinh trộm cắp, giá trị vật chất nhỏ thì có cần xử lý hình sự họ không ?. Tôi nghĩ chỉ nên xử lý hành chính thôi. Nên nâng mức tiền lên khoảng 5 triệu đồng là phù hợp với tình hình hiện nay. Không nên vì chuyện mất trộm chó, rồi đánh chết kẻ trộm chó xảy ra ở nhiều nơi vừa qua mà đưa ra quy định như vậy. Nếu anh đã bị xử lý hành chính rồi mà tiếp tục tái phạm thì tôi sẽ xem xét xử lý hình sự anh”- ông Độ nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, quy định này sẽ tạo ra chính sách hình sự không công bằng mà đây vốn là một nguyên tắc cơ bản theo Hiến pháp (mọi người đều bình đẳng trước pháp luật). Không thể cùng một hành vi trộm cắp như nhau mà lại có hai cách xử lý khác nhau. Về lý luận, đặc trưng của tội trộm cắp là loại tội phạm xâm phạm quyền sở hữu về tài sản nên luật mới phải quy định số tiền cụ thể và đến mức độ đáng kể nào đó mới bị xử lý hình sự. Về tố tụng, sẽ không có thước đo nào đánh giá được thế nào là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại” hay “có giá trị tinh thần đặc biệt”. Từ đó sẽ rất khó chứng minh được điều kiện cần và đủ để kết tội người vi phạm, vô tình tạo ra sự tùy tiện trong xử lý.

Vì vậy, nếu được luật hóa thì đây sẽ là quy định gây khó khăn cho cơ quan tố tụng bởi trong các trường hợp này, yếu tố nhận định cảm tính sẽ rất cao. Ví như tài sản là tác phẩm nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ, tinh thần rất khó để định giá vi không có một chuẩn mực cung vì người sáng tác có cách nhìn của họ, còn thị trường nó có giá của thị trường.

Ngoài ra, có thể sẽ có tình huống ban đầu người bị hại cho rằng tài sản bị mất có giá trị tinh thần đặc biệt nhưng khi ra tòa họ lại thay đổi ý kiến, khi đó, cơ quan tố tụng phải chạy theo cảm xúc và nhận thức của người bị hại. Điều này có thể dẫn tới án oan, vốn là một vấn đề vẫn đang nhức nhối trong tiến trình cải cách tư pháp.

PV