Góp ý dự thảo Luật Tố tụng hành chính: Những hạn chế, bất cập cần được bổ sung, sửa đổi

Tòa án - Ngày đăng : 21:46, 22/10/2015

Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành hơn 4 năm qua đã phát huy được rất nhiều yếu tố tích cực.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Tố tụng hành chính, do một số nội dung của Luật chưa rõ ràng và tồn tại những bất cập nên cần quy định cho phù hợp trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Luật Tố tụng hành chính đã mở rộng những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, cụ thể là Toà án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện sau: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức; khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử ĐBQH, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 28 Luật Tố tụng hành chính).

Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, điều này đã gây khó khăn cho việc nghiên cứu, xử lý đơn khởi kiện vụ án hành chính của cơ quan Toà án, trong khi việc xem xét, xử lý đơn khởi kiện vụ án hành chính lại phải nhanh chóng, đảm bảo thời gian theo quy định tại Điều 107 Luật Tố tụng hành chính.

Khoản 2 Điều 105 Luật Tố tụng hành chính quy định ngoài đơn khởi kiện, người khởi kiện còn phải nộp kèm tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể là tài liệu này bao gồm những gì, nên vẫn còn nhận thức khác nhau trong quá trình áp dụng điều luật.

Góp ý dự thảo Luật Tố tụng hành chính: Những hạn chế, bất cập cần được bổ sung, sửa đổi

Một phiên tòa xét xử vụ án hành chính

Vừa qua, có một số trường hợp người dân khởi kiện vụ án hành chính liên quan việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất, người khởi kiện đã nộp kèm theo đơn các tài liệu như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến thửa đất bị cưỡng chế thu hồi; sổ hộ khẩu gia đình, bản sao Giấy chứng minh nhân dân của người khởi kiện, quyết định cưỡng chế... nhưng đã bị Toà án cấp sơ thẩm trả lại đơn khởi kiện với lý do kèm theo đơn, người khởi kiện không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình theo Điều 72 Luật Tố tụng hành chính, còn Viện kiểm sát cho rằng nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo Điều 72 Luật Tố tụng hành chính là nghĩa vụ mà đương sự phải thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án, không phải là yêu cầu bắt buộc ngay từ lúc mới nộp đơn khởi kiện, do đó, đã yêu cầu Toà án thụ lý để giải quyết đơn khởi kiện của công dân, nhưng Toà án vẫn giữ quan điểm của mình và không chấp nhận.

Lý do “chưa có đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính” là căn cứ để Toà án trả lại đơn khởi kiện (quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109) và cũng là căn cứ để Toà án đình chỉ việc giải quyết vụ án trong trường hợp đã thụ lý. Tuy nhiên, thế nào là “chưa có đủ điều kiện khởi kiện” thì chưa được hướng dẫn cụ thể, trong thực tế, nhận thức của các cơ quan tố tụng về vấn đề này có lúc chưa thống nhất, gây ảnh hưởng tới quyền khởi kiện của đương sự.

Về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính, theo quy định thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản trong vụ án hành chính như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Toà án. Những nội dung khác của bản án, quyết định như tuyên bác đơn kiện, giữ nguyên quyết định hành chính hoặc huỷ quyết định hành chính, tuyên hành vi hành chính trái pháp luật... thì do các bên đương sự tự thi hành, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có trách nhiệm đôn đốc khi người được thi hành án có đơn yêu cầu. Tuy nhiên, không phải khi nào người được thi hành án cũng biết được quyền yêu cầu của mình, nội dung này cũng không được giải thích sau khi kết thúc phiên toà.

Do đó, trong trường hợp bên phải thi hành án (cơ quan hành chính nhà nước) chậm trễ, thậm chí chây ỳ trong việc thi hành các quyết định của Toà án thì quyền lợi của bên được thi hành án (người khởi kiện) không được bảo đảm, vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của Thẩm phán chủ tọa phiên toà trong việc giải thích cho đương sự về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án.

Khoản 2 Điều 243 Luật Tố tụng hành chính quy định người phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản về kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án, nhưng không quy định rõ nội dung phải thông báo là gì: kết quả thi hành án phần nghĩa vụ về tài sản hay là toàn bộ các nghĩa vụ theo quyết định của bản án (bao gồm việc huỷ bỏ quyết định hành chính,  thực hiện hay không thực hiện hành vi hành chính theo phán quyết của Toà). Trong thực tế hiện nay cơ quan thi hành án dân sự hầu như chưa quản lý được toàn bộ kết quả thi hành các bản án hành chính.

Hy vọng, nhưng tồn tại, bất cập nêu trên sẽ được khắc phục trong quá trình xây dựng Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

PV