Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi): Cải cách thủ tục thụ lý đơn khởi kiện
Tòa án - Ngày đăng : 15:31, 04/10/2015
Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào; nguyên Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng đã tham dự Hội thảo.
Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự; nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý… Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan.
Đơn giản thủ tục hành chính
Ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết: Dự thảo Luật được soạn thảo trên tinh thần đảm bảo quá trình tố tụng đơn giản, công khai, minh bạch để giải quyết các vụ án dân sự. Bên cạnh đó, thể chế tinh thần cải cách tư pháp vào BLTTDS, trọng tâm là đưa nội dung tranh tụng làm nội dung quan trọng xuyên suốt vào trong quá trình xây dựng BLTTDS, từ khi thụ lý đến khi kết thúc. Tinh thần này được thể hiện ở ba nội dung: Quyền của cá nhân, tổ chức, đương sự được thu thập, cung cấp chứng cứ; được biết các chứng cứ các bên đương sự khác cung cấp cho Tòa án; được quyền tranh luận với các bên đương sự, Tòa chỉ hỏi các vấn đề sau khi đương sự trình bày.
Nguyên Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng phát biểu
Từ thực tiễn nhiều năm làm công tác xét xử, nguyên Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng góp ý, cần giảm số ngày quy định trong mỗi thời hạn tố tụng. Cụ thể, thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện chính là thời điểm thụ lý vụ án, giảm thời hạn niêm yết xuống còn 15 ngày; trường hợp đương sự rời khỏi địa chỉ đăng ký, cư trú, giao dịch mà không thông báo cho đối tác hoặc cơ quan có thẩm quyền được xác định là cố tình giấu địa chỉ. Ông Lượng cho rằng, với những đối tượng này, họ đã cố tình giấu, không hợp tác nên có niêm yết 100 ngày, họ vẫn cố tình giấu, nhưng thực tế chỉ khi có bản án, họ lại làm đơn chống án ngay.
Hiện, đương sự vắng mặt phải hoãn phiên tòa, nếu theo đúng trình tự tố tụng bắt buộc, mỗi lần đương sự vắng mặt lại phải niêm yết 15 ngày cũng đã kéo dài. Luật hiện hành quy định, bên khởi kiện phải cung cấp được địa chỉ có bị đơn, người có nghĩa vụ liên quan tại thời điểm thụ lý. Nhưng khi đương sự đã cố tình đối phó thì rất khó xác định. Điều bất hợp lý là đương sự phải thực hiện triệu tập của Tòa án nhưng tống đạt hợp lý rồi, đương sự đối phó bằng cách vắng mặt và Tòa phải hoãn phiên tòa. Nếu là nguyên đơn thì tự tước quyền của mình, còn bị đơn thì chống đối, lẽ ra vẫn cứ tiến hành tố tụng. Bởi thế, điều này nên thay đổi cho phù hợp. Ông Lượng cũng cho rằng, cần công nhận và quy định rõ các hình thức tống đạt theo phương thức điện tử, nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến.
Đặc biệt, ông Lượng đề xuất, không nên yêu cầu đương sự khi nộp tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình phải “có căn cứ và hợp pháp” ngay tại thời điểm nhận đơn. Điều đó là vô lý bởi việc đánh giá tài liệu, chứng cứ là có căn cứ hay không còn phải xem xét một cách cẩn thận, nên yêu cầu phải đánh giá điều này ngay tại thời điểm nhận đơn vừa khó, vừa kéo dài vụ án. Đúng ra, chỉ cần yêu cầu đương sự chứng minh quyền lợi của mình đã bị xâm phạm.
Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cả 6 quốc gia dẫn đầu về môi trường kinh doanh của ASEAN đều áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện điện tử và tùy theo hệ thống trực tuyến, nhiều nước cho phép thanh toán án phí, thông báo tình trạng xử lý vụ án, công khai bản án và gửi bản án đương sự qua hệ thống điện tử. Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 TAND cấp tỉnh và TANDTC đã có cổng thông tin điện tử; cổng thông tin điện tử của TAND TP. Hồ Chí Minh đã có chức năng nhận hồ sơ trực tuyến.
Cần có hệ thống quản lý vụ án điện tử
Đại diện Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ chế này làm mất thời gian cho người dân, DN trong quá trình nộp đơn và trong nhiều trường hợp, dù nghĩa vụ chứng minh chứng cứ thuộc về đương sự nhưng đương sự cần sự hỗ trợ của Tòa án hoặc các cơ quan, tổ chức mới có thể thu thập được chứng cứ. Điều này cũng sẽ là trở ngại nếu áp dụng nhận đơn khởi kiện trực tuyến.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần đơn giải hóa yêu cầu “có con dấu” trong đơn khởi kiện của cơ quan, tổ chức vì theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì việc sử dụng con dấu do doanh nghiệp quyết định và thực tế các tổ chức, DN nước ngoài không có dấu. Bên cạnh đó, ông Lượng cũng đề xuất, VKS chỉ tham gia tố tụng trong trường hợp đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công hoặc một trong các bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần.
BLTTDS hiện hành và Dự thảo sửa đổi đều không bắt buộc Tòa án khi nhận hồ sơ phải cấp giấy hẹn hay giấy biên nhận mà chỉ ghi vào Sổ nhận đơn. Điều này dẫn đến tình trạng công dân nộp đơn, tài liệu, chứng cứ nhưng không có giấy hẹn, giấy biên nhận nên phải đi lại nhiều lần để biết đơn của mình có được chấp nhận hay không. Đáng nói hơn, nếu không may bị mất đơn hoặc hồ sơ, người dân không có bất kỳ chứng cứ nào để có thể khiếu nại và mất quyền khởi kiện nếu hồ sơ không được nhận và thụ lý vì một lý do nào đó.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, hệ thống quản lý vụ án điện tử sẽ giúp cho lãnh đạo Tòa án, Thẩm phán quản lý được thời gian giải quyết vụ án, các công đoạn, hành vi tố tụng mà Thẩm phán cần phải thực hiện. Như vậy, hoạt động tố tụng công khai ra bên ngoài, người dân được thuận tiện khi làm việc với Tòa án; đồng thời rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp và giảm chi phí của đương sự.
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang đề xuất, nên đưa cơ quan quản lý chứng cứ vào với tư cách là một bên tham gia tố tụng trong vụ án, vì nhiều trường hợp, luật sư hay đương sự yêu cầu cơ quan hành chính cung cấp tài liệu, chứng cứ vụ án nhưng cơ quan đó không cung cấp cũng đành phải chịu.
Theo Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, thủ tục tố tụng yêu cầu phải chặt chẽ, cơ quan Tòa án xác định giai đoạn này là rất quan trọng. Dự thảo chia làm hai bước thụ lý đơn: Khi nhận đơn, xử lý đơn trong thời hạn 5 ngày và sau khi thụ lý đơn chuyển sang giai đoạn chuẩn bị xét xử. Bởi vì, khi một cá nhân, tổ chức làm đơn khởi kiện đến Tòa án sẽ có 3 tình huống xảy ra là: Thứ nhất, vụ việc thuộc thẩm quyền thụ lý của Tòa án; thứ 2 thuộc loại chưa xác định được có thuộc thẩm quyền của Tòa hay không; thứ 3, khi nhận đơn không thuộc thẩm quyền của Tòa hoặc không thuộc thẩm quyền người khởi kiện. Bởi vậy, nếu thụ lý ngay là không phù hợp. Dự thảo quy định thời hạn 5 ngày để Thẩm phán xử lý, nếu Thẩm phán thấy đúng thì thụ lý, hoặc yêu cầu bổ sung đơn. Cơ chế này không làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án cần thụ lý.