Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi): “Đinh tặc” có thể bị phạt tù lên đến 12 năm
Tòa án - Ngày đăng : 07:00, 30/09/2015
Khoản 5, Điều 14, Nghị định số 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây ảnh hưởng trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn; tháo dỡ dây, các vật cản và làm sạch mặt đường giao thông do vi phạm hành chính gây ra.
Tại Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP 5, khoản 5 và khoản 6 cũng chỉ quy định phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với cá nhân ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm buộc phải thu dọn vật liệu, rác thải, đồ vật chiếm dụng mặt đường; thu dọn đinh, vật sắc nhọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Đinh được tìm thấy trên cầu Nhật Tân, Hà Nội
Trong Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh cho “đinh tặc”. Khi sửa luật hình sự lần này, Ban soạn thảo đã quy định tội rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ trong Điều 270, Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo đó, người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2-5 năm: Phạm tội từ 2 lần trở lên; Trên các tuyến đường cao tốc; Trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác; Làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5-12 năm: Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, những người thực hiện hành vi rải đinh hoặc vật sắc nhọn vì hám lợi trước mắt là gây cho nổ lốp xe để sửa chữa nhưng hậu quả họ gây ra rất nghiêm trọng, thậm chí có người bị tai nạn chết người. Những hậu quả gây ra, “đinh tặc” cũng đã lường trước được, như vậy là họ cố ý gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, việc bổ sung loại tội phạm “đinh tặc” vào Bộ luật Hình sự là việc cần thiết.
Theo GS Nguyễn Đăng Dung - Đại học Quốc gia Hà Nội: Đáng lẽ việc này phải làm từ lâu chứ không phải đến tận bây giờ. Nếu “đinh tặc” gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng hay có những tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 5-12 năm là cần thiết.
Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, nạn “đinh tặc” trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận nhưng chế tài xử phạt chưa đủ tính giáo dục, răn đe. Vì thế phải bổ sung tội rải đinh, vật sắc nhọn ra đường quốc lộ vào Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), hiện nay “đinh tặc” đang bị áp dụng xử lý theo Điều 203 Bộ luật hình sự quy định về tội "cản trở giao thông đường bộ".
"Ban soạn thảo đưa ra đề xuất xử nặng như vậy nhằm đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa cao đối với một hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn tới tai nạn giao thông nghiêm trọng”- ông Dũng khẳng định.