Hoàn thiện quy định về các tội phạm tham nhũng và chức vụ (Kỳ 3): Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp
Tòa án - Ngày đăng : 07:00, 31/08/2015
Ý kiến trái chiều
Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là một trong những đề xuất quan trọng khi sửa đổi Bộ luật hình sự. Quy định này nhằm nội luật hóa Công ước quốc tế về chống tham nhũng và góp phần phòng chống các tội phạm tham nhũng và tội phạm rửa tiền trong bối cảnh hiện nay.
Hiện nay, Luật PCTN năm 2012 và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định về các biện pháp phòng ngừa nhằm phát hiện hành vi làm giàu bất hợp pháp. Theo đó, tại Mục 4 Chương II Luật PCTN quy định rõ đối tượng phải kê khai tài sản, các loại tài sản phải kê khai, thủ tục kê khai, thủ tục xác minh tài sản kê khai, kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản và công khai kết luận đó, xử lý người kê khai tài sản không trung thực.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù chưa có một báo cáo chính thức của cơ quan, tổ chức nào về vấn đề này nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng làm giàu bất hợp pháp đang diễn ra nghiêm trọng và không được kiểm soát tại Việt Nam; do đó, cần thiết phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong Bộ luật hình sự Việt Nam.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Hướng tới minh bạch: Tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp không những đáp ứng các yêu cầu của UNCAC mà còn nhằm mô tả chính xác và không bỏ lọt các dạng hành vi khách quan của các tội phạm về tham nhũng. Tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức do lợi dụng chức vụ là việc hết sức cần thiết vì bản thân nó là một loại tham nhũng (lợi dụng chức vụ nhằm trục lợi bất chính), làm tổn hại uy tín của cơ quan, tổ chức và gây bất công, mất cân bằng trong xã hội.
Mặc dù vậy, việc hình sự hóa hành vi này sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trên thực tế. Hiện còn nhiều tranh cãi cả về khía cạnh lập pháp lẫn áp dụng trên thực tiễn về cấu thành tội làm giàu bất hợp pháp. Về mặt khách quan của tội phạm, hiện vẫn còn nhiều tranh luận, chưa thống nhất về việc chỉ cần làm rõ, chứng minh được tính bất hợp pháp của tài sản tăng thêm hay phải chứng minh có hay không có việc công chức đã thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản tăng thêm đáng kể ấy.
Về cả truyền thống pháp lý và trong pháp luật, hành vi làm giàu bất hợp pháp chưa được coi là vi phạm pháp luật và không phải là tội phạm trong BLHS. Do đó, việc hình sự hóa hành vi này sẽ vấp phải sự phản đối không nhỏ từ nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp từ chính sách.
Xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính 2
Bên cạnh đó, việc yêu cầu công chức phải chứng minh nguồn gốc, lý do thu nhập của mình, việc kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng và dân cư nơi chung vẫn còn là thách thức lớn khi các giao dịch vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt; chưa có hệ thống quản lý, kiểm soát thu nhập của người dân.
Vận dụng linh hoạt quy định của Công ước
Điều 20 Công ước khuyến nghị quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp: “Trên cơ sở tuân thủ hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể”.
Đến nay, có ý kiến cho rằng, Công ước chỉ khuyến nghị mà không bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện quy định này. Hơn nữa, đây là vấn đề liên quan đến trách nhiệm chứng minh tội phạm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu bổ sung tội danh này thì sẽ mâu thuẫn với quy định tại Điều 10 của Bộ luật tố tụng hình sự về việc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong điều kiện nước ta hiện nay là cấp bách vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức giàu lên nhanh chóng, bất bình đẳng xã hội gia tăng. Chính phủ không thể kiểm soát được thực tế tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức bằng các công cụ pháp lý mang tính phòng ngừa hiện nay như quy định về kê khai tài sản, công khai bản kê khai tài sản, giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm, việc xác minh tài sản, thu nhập,…
Do đó, dù Công ước không bắt buộc, nhưng hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là một kinh nghiệm quốc tế tiêu biểu, phổ biến, hiệu quả ở các quốc gia đã thực hiện. Vì vậy, Việt Nam cần phải hình sự hóa hành vi này để xử lý bằng các chế tài hình sự. Điều này cũng xuất phát từ đòi hỏi bức thiết của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Về cách chuyển hóa nội dung mới này vào bộ luật hình sự sửa đổi tới đây, trước hết, cần bảo đảm nguyên tắc tố tụng về trách nhiệm chứng minh tội phạm. Nên tội phạm hóa hành vi làm giàu bất chính của người có chức vụ và nhũng nhiễu để trục lợi theo yêu cầu của UNCAC, cũng như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi năm 2012 và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập.
Do đó, cần quy định theo hướng vận dụng linh hoạt quy định của Công ước, chẳng hạn có thể quy định: “Công chức, viên chức bị coi là tội phạm khi cơ quan tố tụng chứng minh được nguồn gốc bất hợp pháp của khối tài sản lớn bất thường của cán bộ, công chức đó trên cơ sở tố cáo, phát hiện của công dân, tổ chức về hành vi làm giàu bất hợp pháp của cán bộ, công chức đó” hoặc “Người nào có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan công quyền mà sở hữa tài sản lớn bất thường so với thu nhập mà không có căn cứ hợp pháp nào về việc sở hữu những tài sản đó thì bị phạt…”để đảm bảo mặt khách quan của tội phạm là việc làm rõ, chứng minh được tính bất hợp pháp của tài sản và chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng, cần bổ sung vào BLHS 5 hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 3 - Luật PCTN. Việc bổ sung này nhằm đảm bảo tính tương thích giữa BLHS và Luật PCTN.
Theo quy định của Luật PCTN, ngoài các tội phạm đã được quy định tại Mục A, Chương XXI, BLHS hiện hành là các tội phạm tham nhũng thì còn một số hành vi tham nhũng chưa được quy định là tội phạm hoặc tuy đã được quy định là tội phạm nhưng chưa được coi là tội phạm tham nhũng.
Luật PCTN hiện hành quy định 12 hành vi tham nhũng sau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Trong các hành vi trên đây, các hành vi từ 1 đến 7 là những hành vi đã được hình sự hóa. Nói cách khác, Luật PCTN đã “copy” 7 hành vi này từ BLHS 1999. Tuy nhiên, 5 hành vi, từ hành vi thứ 8 đến hành vi thứ 12 hiện chưa có quy định pháp luật là phải xử lý hình sự, cũng không có quy định sẽ xử lý hành chính đối với nhóm hành vi mới này.
Do tác hại và hậu quả nghiêm trọng của tham nhũng đối với sự phát triển của mỗi cơ quan, tổ chức, quốc gia, dân tộc và mỗi công dân và do các các đòi hỏi về quyền con người, UNCAC khuyến cáo các quốc gia hình sự hóa mọi hành vi tham nhũng.
Theo thông lệ quốc tế thì mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lý hình sự, thái độ của các nhà nước đối với hành vi tham nhũng đều rất quyết liệt. Do đó, BLHS sửa đổi cần rà soát và hình sự hóa 5 hành vi nói trên để thể hiện sự nghiêm minh và nhất quán trong chính sách xử lý đối với hành vi tham nhũng.