Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ
Tòa án - Ngày đăng : 14:33, 21/08/2015
Thời gian tới, TANDTC sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ và vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức TAND.
Nhiều chuyển biến tích cực
Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Toà án là những khiếu nại, tố cáo diễn ra trong tất cả các lĩnh vực hoạt động tư pháp của Toà án, từ khi nhận đơn, thụ lý vụ việc cho đến khi kết thúc hoạt động xét xử (ra bản án hoặc quyết định), kể cả hoạt động thi hành án hình sự. Việc khiếu nại trong hoạt động tư pháp của các TAND chủ yếu là những việc đề nghị xem xét lại các quyết định, bản án của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; khiếu nại các hành vi, quyết định hành chính của Chánh án, Phó Chánh án, Thư ký Toà án hoặc tố cáo cán bộ, công chức của Toà án liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng, phẩm chất, đạo đức lối sống…
Trong những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các TAND diễn biến phức tạp. Số lượng đơn khiếu nại chủ yếu đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc khiếu nại đối với các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán. Đơn tố cáo đối với cán bộ, công chức Toà án tập trung vào hành vi vi phạm pháp luật, tư cách đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử của TAND. Nội dung đơn chủ yếu là tố cáo cán bộ, Thẩm phán có hành vi quan liêu, cố ý làm sai các quy định của pháp luật tố tụng; không kịp thời giải quyết các yêu cầu của đương sự... Riêng khiếu nại của cán bộ, công chức Toà án đối với quyết định hành chính của lãnh đạo TAND các cấp trong công tác quản lý, điều hành không nhiều, do các vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, công chức được quy định cụ thể, rõ ràng và các Toà án đều tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Thanh tra Chính phủ làm việc với lãnh đạo TANDTC
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Toà án là rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người khiếu nại, người tố cáo; ảnh hưởng tới cán bộ, công chức bị tố cáo và uy tín của các Toà án. Do đó khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo có nội dung cụ thể, rõ ràng thì lãnh đạo TAND các cấp đều chỉ đạo xem xét và đề nghị người bị tố cáo có báo cáo giải trình về các nội dung tố cáo. Chính vì vậy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức Toà án trong thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, không để tồn đọng, kéo dài, các trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm minh.
Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Để hạn chế các nguyên nhân làm phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo TANDTC yêu cầu TAND các cấp tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các Tòa án cần triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm; trong đó đặc biệt chú trọng làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại và tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp.
Lãnh đạo TANDTC đề nghị người đứng đầu cơ quan phải chú trọng tiếp công dân tại trụ sở Tòa án, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, thực sự “gần dân, hiểu dân” để kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Ngoài ra, các Tòa án phải kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND, tăng cường kỷ luật công vụ nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức TAND, nhất là đối với các cán bộ có chức danh tư pháp. Mỗi đơn vị cần xây dựng cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của Thẩm phán, cán bộ, công chức để nắm bắt mọi hoạt động trong quá trình thực thi công vụ, thông qua đó xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, TANDTC sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ và vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức TAND. Lãnh đạo TANDTC sẽ nghiên cứu nâng cao vai trò của Ban Thanh tra TANDTC theo hướng chú trọng công tác thanh tra công vụ, hành chính và xác định công tác này là hoạt động trọng tâm; tăng quyền độc lập, chủ động trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát theo các quy định, quy chế, nội quy quản lý công vụ, công chức. Cùng với đó, TANDTC thực hiện việc điều động, phân công những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp của Tòa án vào làm công tác thanh tra. Nếu cần thiết thì xây dựng Phòng Thanh tra thuộc các TAND cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của Tòa án trong tình hình mới.