Cần sửa đổi các Điều 64, 99 của Dự thảo BLTTDS
Tòa án - Ngày đăng : 11:16, 21/08/2015
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy có những quy định chưa được rõ, cần có sự sửa đổi, bổ sung thêm.
Đối với Điều 64 của Dự thảo BLTTDS quy định về “quyền, nghĩa vụ của đương sự”. Khoản 1 điều luật này quy định: “Các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng”.
Khoản 2 điều luật này quy định: “Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:…”, và trong quản 2 này đã quy định đương sự có 24 quyền và nghĩa vụ. Việc quy định theo hình thức kê khai danh mục nên người đọc không phân biệt được đương sự có bao nhiêu quyền và có bao nhiêu nghĩa vụ. Do đó cần sửa đổi điều luật này theo hướng sau:
Về cấu tạo điều luật: điều luật có 3 khoản bao gồm:
Khoản 1: giữ nguyên nội dung quy định như điều luật dự thảo.
Khoản 2: giữ nguyên nội dung từ điểm a đến điểm y như điều luật dự thảo nhưng phân định thành hai nhóm gồm: Nhóm 1 quy định về quyền của đương sự, Nhóm 2 quy định về nghĩa vụ của đương sự.
Khoản 3: Tách nội dung quy định tại điểm y trong khoản 2 Điều 64 của Dự thảo BLTTDS thành một khoản riêng. Cụ thể là: Nội dung quy định tại điểm y khoản 2 Điều 64 của Dự thảo BLTTDS như sau: “Có nghĩa vụ sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ giao nộp cho Tòa án gửi cho các đương sự khác, các quyền và nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định”.
Chia tách nội dung quy định tại điểm y như sau: Nội dung điểm y là: giữ nguyên nội dung đoạn đầu cho đến cụm từ “các đương sự khác”. Đoạn cuối còn lại là nội dung của khoản 3. Sau khi chia tách, nội dung điểm y khoản 2 đọc là: Có nghĩa vụ sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ giao nộp cho Tòa án gửi cho các đương sự khác.
Một phiên tòa dân sự tại TAND huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang (Ảnh minh họa)
Còn khoản 3 có nội dung là: Các quyền và nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định .
Đối với Điều 99 của Dự thảo BLTTDS quy định về Ủy thác thu thập chứng cứ.
Khoản 1 điều luật này quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này lấy lời khai của đương sự…”
Khoản 2 điều luật này quy định về nội dung của quyết định ủy thác.
Khoản 3 điều luật này quy định về trách nhiệm của Tòa án được ủy thác trong việc thực hiện công việc được ủy thác.
Khoản 4 điều luật này quy định việc Tòa án ủy thác cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện thu thập chứng cứ của vụ việc dân sự ở ngoài lãnh thổ Việt Nam mà nước đó và Việt Nam đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này.
Khoản 5 điều luật này quy định như sau: “Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này thì Tòa án giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ đã có trong hồ sơ việc dân sự”.
Về điều luật này chúng tôi cho rằng, khoản 1 của điều luật là một quy định tùy nghi, không bắt buộc, do cụm từ sau: Tòa án có thể ra quyết định ủy thác. Quy định này được hiểu là Tòa án có thể ủy thác cho Tòa án khác thu thập chứng cứ, nhưng cũng có thể không ủy thác cho Tòa án khác thu thập chứng cứ mà Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự tự mình thu thập chứng cứ.
Trong thực tế hoạt động tố tụng dân sự, khi thực hiện quy định tại Điều 93 BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011, nhiều Tòa án không ủy thác thu thập chứng cứ mà tự mình thu thập chứng cứ của vụ việc dân sự. Do đó chúng tôi đồng tình với việc Ban soạn thảo giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 93 BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 để quy định tại khoản 1 Điều 99 của Dự thảo BLTTDS. Về khoản 5 Điều 99 của Dự thảo BLTTDS mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên, chúng tôi thấy rằng quy định này được bổ sung vào quy định tại Điều 93 BLTTDS năm 2004 được sửa đổi bổ sung năm 2011. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 85 của Dự thảo BLTTDS (là điều luật quy định về nghĩa vụ chứng minh) có quy định như sau: “Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ, thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được”. Quy định này có nội dung trùng hợp với nội dung quy định tại khoản 5 Điều 99 của Dự thảo BLTTDS ở chỗ trường hợp đương sự không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ hoặc việc ủy thác thu thập chứng cứ không thực hiện được thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo các chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự. Do đó, chúng tôi đề nghị bãi bỏ quy định tại khoản 5 Điều 99 của Dự thảo BLTTDS.
Trong thực tế hoạt động tố tụng dân sự, có nhiều trường hợp bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã không hợp tác với Tòa án bằng cách cung cấp chứng cứ, tài liệu cho Tòa án không đầy đủ, mỗi lần cung cấp một hai chứng cứ. Cụ thể là: ở Tòa án cấp sơ thẩm cung cấp một hai chứng cứ, đến phiên tòa phúc thẩm cung cấp thêm một hai chứng cứ mới. Khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, đương sự lại đưa ra chứng cứ mới để yêu cầu kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật và xét xử lại vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm. Đây là một thực tế trong đời sống pháp luật, cơ quan tiến hành tốt tụng dân sự, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng biết mà không có cách giải quyết. Vì đó là quyền quyết định và tự định đoạn của đương sự.