Có nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm tham nhũng?

Tòa án - Ngày đăng : 08:01, 14/08/2015

Việc bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội thuộc nhóm tội chức vụ là tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ đang là vấn đề được tranh luận khi góp ý vào dự thảo BLHS (sửa đổi).

Trong BLHS năm 1999, hình phạt tử hình được quy định tại 29/263 tội danh. Sau lần sửa đổi, bổ sung năm 2009, BLHS hiện hành chỉ còn 22/272 tội danh thuộc 9 nhóm tội có quy định hình phạt tử hình. Trong đó, nhiều nhất là nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia (7 tội danh), tiếp đến là nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (3 tội danh). Ít nhất là nhóm tội xâm phạm sở hữu và nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (mỗi nhóm có 1 tội danh). Còn lại năm nhóm tội khác, mỗi nhóm có 2 tội danh.

Nhìn một cách tổng quát có thể thấy rằng, số tội danh có quy định hình phạt tử hình trong các lần sửa đổi, bổ sung BLHS có xu hướng giảm dần theo thời gian. Điều này không chỉ thể hiện ở việc giảm dần tỷ lệ các tội danh có quy định hình phạt tử hình mà còn thể hiện ở việc quy định điều kiện chặt chẽ khi áp dụng hình phạt này để giảm việc áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, với quan điểm nhân đạo trong chính sách xử lý người phạm tội của Nhà nước ta hiện nay cùng với xu hướng văn minh của thế giới thì việc nghiên cứu tiếp tục giảm quy định áp dụng hình phạt tử hình và hạn chế khả năng áp dụng hình phạt tử hình là cần thiết.

Có nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm tham nhũng?

Bị cáo Dương Chí Dũng (trái) bị tuyên án tử hình trong vụ án tham nhũng tại Vinashin

Nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới, tính đến ngày 30/6/2014 có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ bãi bỏ hình phạt tử hình trên luật hoặc trên thực tế, trong đó có 100 nước bãi bỏ hoàn toàn; 55 nước có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế; 7 nước bãi bỏ án tử hình đối với tội thông thường và duy trì án tử hình đối với tội ngoại lệ như một số tội theo luật quân sự trong những hoàn cảnh đặc biệt; 37 nước và lãnh thổ vẫn duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm thông thường. Trong 10 nước ASEAN có 2 nước bãi bỏ hoàn toàn; 3 nước còn duy trì hình phạt tử hình nhưng không áp dụng.

Về việc loại bỏ hình phạt tử hình tại Việt Nam, hiện có loại ý kiến thứ nhất nhất trí đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong luật hiện hành. Đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Loại ý kiến thứ hai thì ngoài 7 tội danh nêu trên, cần bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ.

  Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh đã quán triệt tư tưởng cải cách tư pháp, thể hiện sự thận trọng cần thiết trong việc lựa chọn bỏ hay giữ lại hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể trên tinh thần bảo đảm sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa yêu cầu bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền sống theo tinh thần Hiến pháp năm 2013

Việc đề xuất 10 tội danh nên loại bỏ hình phạt tử hình, trong đó bao gồm cả việc bỏ hình phạt đối với hai tội thuộc nhóm tội chức vụ là tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ là chưa hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng chống tệ nạn tham nhũng. Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Do vậy, BLHS cần góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh này. Trong bối cảnh đó, việc đặt vấn đề loại bỏ hình phạt tử hình đối với 2 tội đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là không phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với quan chức tham nhũng và không được nhân dân ủng hộ.

 Xem xét thực trạng áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế, nhận thấy số án tử hình hiện nay chủ yếu được áp dụng đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt ma túy (Điều 194 BLHS). Như vậy, với đề xuất của phương án này thì việc hạn chế án tử hình trong thực tiễn không đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, cần bổ sung thêm phương án điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp trong việc quy định hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Cụ thể, xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy hình phạt tử hình chủ yếu được áp dụng đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS).

Do vậy, Điều 194 BLHS sẽ được sửa về mặt kỹ thuật theo hướng tách riêng thành hai tội là tội mua bán trái phép chất ma túy với mức hình phạt cao nhất là tử hình và tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Bên cạnh đó, đối với mỗi tội danh còn duy trì hình phạt tử hình, nghiên cứu thiết kế khung hình phạt có quy định hình phạt tử hình theo hướng có tách riêng trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và tù chung thân thành một khung độc lập với điều kiện chặt chẽ để hạn chế các trường áp dụng hình phạt tử hình. Đề xuất này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đấu tranh tội phạm, do đó, sẽ góp phần hạn chế một cách tích cực việc áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế. 

Phương Nam