Truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân: Vấn đề mới tại Việt Nam, không mới với thế giới
Tòa án - Ngày đăng : 08:28, 29/07/2015
Theo đó, xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với các pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội; những loại tội phạm nào thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự; các chế tài áp dụng. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới ở Việt Nam nên còn nhiều quan điểm khác nhau.
Vấn đề thế giới đã tranh cãi
Pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về những tội phạm được thực hiện trong khuôn khổ các hoạt động của pháp nhân hoặc vì lợi ích của pháp nhân không? Nói cách khác, có cần thiết phải thiết lập chế định TNHS của pháp nhân trong luật hình sự (LHS) không? Đó là vấn đề mà từ thời La Mã cổ đại đến nay đã và đang gây ra nhiều tranh luận gay gắt trong giới khoa học LHS nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, việc thừa nhận TNHS của pháp nhân vẫn còn chưa có tiếng nói chung trong khoa học LHS và có thể trong một thời gian dài nữa vẫn tồn tại những quan điểm đối lập nhau về nó.
Những người có quan điểm chống đối TNHS của pháp nhân cho rằng:
Pháp nhân không thể là chủ thể của TNHS vì nó chỉ là một trừu tượng pháp lý không có trí tuệ, năng lực nhận thức, mong muốn cá nhân. Trí tuệ, năng lực nhận thức, ý chí chỉ có ở con người cụ thể bằng da, bằng thịt và đang sống. Do không phải là thực thể hữu hình, cho nên pháp nhân rõ ràng không thể tự mình trực tiếp thực hiện tội phạm cũng như biểu lộ sự cố ý hoặc vô ý phạm tội, nó không thể phạm lỗi nên không thể bị quy kết TNHS.
Do bản chất và chức năng của hình phạt hình sự nên nó không thể áp dụng được đối với pháp nhân, ví dụ như hình phạt tử hình và các hình phạt tước hoặc hạn chế quyền tự do chẳng hạn. Nếu chấp nhận TNHS của pháp nhân sẽ dẫn đến phủ nhận nguyên tắc cá thể hoá TNHS và hình phạt, có nghĩa sẽ dẫn tới việc trừng trị không có sự phân biệt tất cả các thành viên của pháp nhân, trong đó bao gồm cả những người không mong muốn, không tham gia và cũng không biết gì về tội phạm của pháp nhân.
Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống bể xử lý chất thải của Công ty Tung Kuang (Ảnh: Tiến Duẩn)
Trong khi đó những người ủng hộ nguyên tắc TNHS của pháp nhân lại có những lý lẽ biện minh cho nguyên tắc này như sau: Theo học thuyết đương đại, các pháp nhân không phải đơn thuần là những trừu tượng pháp lý mà nó là một thực tế pháp lý, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong tổ chức xã hội của loài người. Pháp nhân có ý chí tập thể riêng biệt với ý chí của các thành viên của pháp nhân và được thể hiện qua trung gian bởi các cơ quan hoặc người đại diện của nó. Thực tế cũng cho thấy lý thuyết về sự trừu tượng pháp lý của pháp nhân đã bị loại bỏ trong luật dân sự, kinh tế, hành chính, lao động và như thế không có lý do gì lại được duy trì trong LHS.
Nếu người ta không có thể áp dụng hình phạt tử hình hoặc các hình phạt tước quyền tự do đối với pháp nhân, thì có thể áp dụng các hình phạt khác như giải thể, đóng cửa các cơ sở của pháp nhân, cấm hoạt động trên một số lĩnh vực nhất định, phạt tiền, tịch thu tài sản.
Về quan điểm cho rằng trừng trị về hình sự đối với pháp nhân sẽ gây hại cho nguyên tắc cá thể hoá hình phạt. Những nhà khoa học pháp lý ủng hộ nguyên tắc TNHS của pháp nhân lưu ý rằng trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hành chính của pháp nhân, tổ chức đã được thừa nhận từ rất lâu. Và rằng có sự tồn tại của những cơ chế cho phép bảo vệ các thành viên có tâm tính tốt trong pháp nhân, ví dụ, người đó có thể sử dụng quyền khiếu nại chống lại các cơ quan của pháp nhân.
Sự phê phán của những người không ủng hộ TNHS của pháp nhân có sự nhầm lẫn vể nguyên tắc cá thể hoá hình phạt. Thực tế, tất cả các bản án của Toà án đều có thể gây ra những hậu quả cho người thứ ba vô can. Bắt giam một người hoặc phạt họ với một hình phạt tiền nghiêm khắc có thể lấy đi của gia đình họ những khoản thu nhập, nhưng nó lại không hề gây hại cho nguyên tắc cá thể hoá hình phạt, bởi vì bản án không trực tiếp chống lại các thành viên của gia đình người bị kết án. Bản án đối với một pháp nhân khác với bản án đối với các thành viên pháp nhân. Những cuộc tranh luận này có thể hình như về mặt lý thuyết và thực tiễn đã được vượt qua tại các nước theo truyền thống Common law như Anh, Mỹ, Canada, Australia, Nauy, khi Toà án các nước này đã chấp nhận nguyên tắc TNHS của pháp nhân rất sớm và hiện nay chế định TNHS của pháp nhân đã được thiết lập và trở thành một nguyên tắc cơ bản trong LHS ở mỗi nước. Tuy nhiên, các cơ sở lý thuyết và cách thức thừa nhận và thiết lập nguyên tắc này cũng có sự khác nhau ở mỗi quốc gia trong truyền thống pháp luật này.
Đòi hỏi từ những vụ án cụ thể
Năm 1880 trong phán quyết nổi tiếng của của mình đối với vụ án “The pharmaceutical Society...”, Ủy ban phúc thẩm của Viện nguyên lão Anh tuyên phạt một pháp nhân về tội phỉ báng và bôi nhọ. Trong đó, Lord Blacbum đã nhận định: “Trong một mức độ nhất định, tôi đồng ý là pháp nhân không thể phạm một trọng tội, không thể bị phạt tù, nếu phạt tù là loại hình phạt được luật quy định đối với trọng tội có liên quan. Một pháp nhân không thể bị treo cổ hoặc bị phạt tử hình nếu hình phạt như vậy là hình phạt cho trọng tội liên quan. Nhưng, phạt tiền có thể buộc một pháp nhân phải chịu và pháp nhân này có thể trả tiền bồi thường thiệt hại vật chất. Vì vậy, tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho rằng một thực thể pháp lý được thành lập với mục đích phát hành báo chí, không thể bị xét xử và tuyên phạt một hình phạt tiền hoặc với quan điểm là một pháp nhân gây hại cho cộng đồng nhưng lại không thừa nhận pháp nhân này phạm tội gây thiệt hại đó hoặc một tội tương tự".
Ở Canada, tiếp thu kinh nghiệm của các Tòa án Anh trong việc giải quyết vấn đề TNHS của pháp nhân, từ cuối thế kỷ XIX, thời điểm mà những tổ chức quan trọng, đặc biệt là các công ty đường sắt ngày càng giữ một vai trò quan trọng về phương diện kinh tế, các Toà án Canada tiến hành xử lý về hình sự đối với pháp nhân phạm tội. Thời kỳ đầu, các cơ quan xét xử chỉ trừng phạt pháp nhân phạm các tội xâm phạm tài sản, tiếp theo là các tội phạm gây hại cho cộng đồng như gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường sau đó tiến tới trừng phạt các pháp nhân thực hiện những tội phạm khác.
Các Toà án Canada, trên cơ sở các phán quyết đối với từng vụ án một dần dần xây dựng nên chế định TNHS của pháp nhân trong LHS của nước mình. Đáng chú ý nhất là phán quyết của Estey, Thẩm phán TATC trong vụ án “Canadian Dredge & Dock Co. c. La Reine” năm 1985. Nó được coi là phán quyết quan trọng nhất trên lĩnh vực TNHS của pháp nhân. Thẩm phán Estey, trong quyết định của mình đã nhấn mạnh sự cần thiết của học thuyết về đồng nhất hoá mà các Toà án Anh đang áp dụng.
Trong pháp luật thực định, lần đầu tiên TNHS của pháp nhân được ghi nhận trong BLHS của Canada. Điều 2 BLHS quy định các pháp nhân, các hội, các công ty, giáo sứ, hội đồng thị chính là chủ thể của TNHS.
Tuy vậy, vấn đề TNHS của pháp nhân chỉ được đặc biệt quan tâm sau khi xảy ra thảm họa ngày 9 tháng 5 năm 1992 trong hầm lò Westray thuộc hang Nouvelle-Écosse Canadian Dredge & Dock Co.c. La rcine làm chết 26 công nhân, ủy ban điều tra sự việc do Thẩm phán K. Peter Richard lãnh đạo đã trình bày báo cáo tháng 11 năm 1997 với tiêu đề: "Lịch sử của Westray: Một thảm họa dự báo trước”. Ủy ban này đã yêu cầu Chính phủ liên bang cần phải tiến hành một cuộc kiểm tra trách nhiệm của cán bộ và giám đốc nhà máy đối với những hành vi trái pháp luật của các cá nhân và pháp nhân và đồng thời trình lên Nghị viện những đề nghị sửa đổi cần thiết trong BLHS đến mức có thể buộc những người lãnh đạo pháp nhân và pháp nhân phải chịu TNHS về những vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn lao động xảy ra trong tổ chức mình.
Trước yêu cầu của Ủy ban điều tra nêu trên và sau đó là của Tổng trưởng Công tố viên bang Nouvelle-Écosse, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada đã chấp nhận nghiêng về vấn đề TNHS của pháp nhân. Khuyến nghị 73 đã cho phép trình bản kiến nghị và Dự án luật chứa đựng những quy định mới liên quan lới TNHS của pháp nhân. Sau một thời gian soạn thảo và chỉnh lý, ngày 13 tháng 6 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Martin Cauchon đã trình bày Dự án luật được biết đến dưới cái tên Dự án luật về Westray hay là Dự án luật C- 45, Luật sửa đổi BLHS. Dự luật này được thông qua ngày 7 tháng 11 năm 2003 và có hiệu lực ngày 31 tháng 3 năm 2004.
Australia là thuộc địa của Anh, nằm trong khối liên hiệp Anh, Australia đã tiếp nhận những kinh nghiệm xét xử cũng như lập pháp hình sự của Anh trong việc xử lý TNHS đối với pháp nhân. Năm 1995 Nghị viện Australia đã thông qua BLHS mới. Phần 12 dành riêng cho chế định TNHS của pháp nhân, đó là thành quả độc đáo, tương thích với những nguyên tắc cơ bản của TNHS của pháp nhân, đặc biệt là trong bối cảnh đặc biệt phức tạp của các pháp nhân.
Tại Hoa Kỳ, căn cứ vào Điều 207 BLHS mẫu năm 1962 thì không chỉ có các tập đoàn - các pháp nhân, mà cả các hiệp hội không có tính chất tập đoàn - các tổ chức được thành lập bởi Chính phủ hoặc được thành lập với tính chất là một cơ quan của Chính phủ để thực hiện chương trình của Chính phủ, đều có thể bị truy cứu TNHS.
Nghiên cứu cho thấy LHS Hoa Kỳ không chỉ truy cứu TNHS đối với pháp nhân công và pháp nhân tư mà còn truy cứu TNHS với cả các tổ chức. Tổ chức theo cách hiểu chung gồm tập hợp một nhóm người cùng nhau thực hiện một hoặc một số hành vi nhằm phục vụ một lợi ích nào đó. Tổ chức có thể là pháp nhân, nếu tổ chức đó có đầy đủ các dấu hiệu theo quy định hoặc cũng có thể không phải là pháp nhân, ví dụ như: Công ty tư nhân và Công ty hợp danh không được coi là pháp nhân. Khái niệm tổ chức được hiểu theo nghĩa rộng hơn về đối tượng so với khái niệm pháp nhân, bao gồm bất kỳ một thể nhân, một hội, một tập đoàn, một liên hiệp hay một pháp nhân khác, cũng như bất kỳ một hiệp hội hay một nhóm người nào thực tế có liên quan với nhau (mặc dù không tạo thành một pháp nhân).
Thực tiễn nóng tại Việt Nam
Các ý kiến chuyên gia còn khác nhau nhưng thực tiễn đang nói lên tiếng nói của nó. Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có những bước phát triển mạnh mẽ, song mặt trái của nền kinh tế thị trường kết hợp với tâm lý hưởng thụ, lối sống coi trọng chủ nghĩa thực dụng, cá nhân vị kỷ, tìm kiếm lợi nhuận là trên hết đã khiến cho một số chủ thể tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh bất chấp pháp luật, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, trong đó nhiều hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội do các pháp nhân thực hiện, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực môi trường, sản xuất kinh doanh và các hoạt động quản lý kinh tế, xã hội khác như lĩnh vực quản lý thuế, thị trường tài chính, chứng khoán, đầu tư, bảo hiểm, đấu thầu xây dựng...
Do đó, thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường trong thời gian gần đây đã đặt ra yêu cầu bức thiết đối với việc quy định TNHS đối với pháp nhân. Tình trạng nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng như Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan) tại Cẩm Giàng, Hải Dương; Nhà máy cồn rượu thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi... đang có xu hướng gia tăng. Mặt khác, tình trạng doanh nghiệp nhập phế liệu nhựa về nước ta dưới hình thức nhập nguyên liệu sản xuất hoặc tạm nhập, tái xuất vẫn tiếp tục xảy ra, phổ biến tại Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Nghiêm trọng hơn, một số doanh nghiệp đã có thủ đoạn gian dối trong khai báo hải quan, thậm chí móc nối với một số tổ chức kiểm định, giám định để có kết luận hàng hoá đạt tiêu chuẩn về môi trường, nhằm được thông quan, qua đó đưa phế liệu, rác thải vào nước ta, cũng đang gia tăng.
Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm các quy định về an toàn lao động đang diễn ra phức tạp. Năm 2014, số vụ TNLĐ chết người là 592 vụ; Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên 166 vụ; Số người chết là 630 người; Số người bị thương nặng 1.544 người; Nạn nhân là lao động nữ 2.136 người. So với 2013 thì số vụ tai nạn lao động tăng 14 vụ (tăng 0,2%), tổng số nạn nhân tăng 56 người (tăng 0,8%), số người chết tăng 3 người (tăng 0,47%), số vụ có người chết tăng 30 vụ (tăng 5,3%).
Nhưng các vụ việc nêu trên hầu như không bị xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự đối với một số cá nhân nhất định. Việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính hoặc dân sự đối với các vụ vi phạm này đã bộc lộ những bất cập trong chính sách hình sự đối với việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, từ đó dẫn đến những nghi ngờ các trường hợp phạm tội đã bị bỏ lọt làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực của công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng.
Mặt khác, trong số mười tội danh về tội phạm môi trường theo quy định của BLHS năm 1999 thì mới chỉ có hai tội danh bị khởi tố, điều tra và xét xử trên thực tế là Tội hủy hoại rừng và Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Những bất cập nêu trên có thể xuất phát từ nhiều lý do cơ bản, trong đó có nguyên nhân là chưa thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân, vì vậy mới chỉ dừng lại ở các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền hoặc đóng cửa, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, nhưng các biện pháp xử lý này không phải là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, nên các doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt tiền nhiều lần để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thêm vào đó, việc truy cứu TNHS đối với người đứng đầu đại diện pháp nhân cũng không thể thực hiện được vì cấu thành tội phạm về môi trường đòi hỏi phải thỏa mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng trên thực tế, việc xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với pháp nhân chứ không phải đối với người đại diện của pháp nhân có hành vi vi phạm.
Vì vậy, đã đến lúc Nhà nước ta phải quy định TNHS đối với pháp nhân. Việc quy định TNHS đối với pháp nhân ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay có thể dựa trên một số cơ sở khoa học sau:
Một là, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, các hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân là phổ biến và có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội - đây là những điều kiện cơ bản để xác định hành vi do chủ thể thực hiện có phải là tội phạm hay không. Cũng như đối với thể nhân, việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân và áp dụng hình phạt tương xứng đối với hành vi phạm tội của pháp nhân có ý nghĩa chống và vừa có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm”.
Hai là, trong mối tương quan giữa các trách nhiệm pháp lý thì TNHS thường được quan niệm là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Pháp nhân cũng như người đại diện pháp nhân không bao giờ mong muốn tham gia vào quy trình tố tụng hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nên quy định TNHS sẽ có tác dụng răn đe.
Ba là, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thì phải bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế và pháp luật các nước khác trên thế giới, nhất là việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước đối với việc thiết lập chế định TNHS của pháp nhân. Trong pháp luật hình sự của các nước theo truyền thống pháp luật Anh - Mỹ như Anh, Mỹ, Canađa, Ốtxtrâylia… hoặc các nước theo truyền thống pháp luật châu Âu lục địa như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sỹ… và cả Trung Quốc trước đây đều không thừa nhận TNHS của pháp nhân, tổ chức nhưng thời kỳ sau này đã thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân.
Trong các văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc phê chuẩn như Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng đều có quy định về việc khuyến nghị các quốc gia thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân. Để Việt Nam có thể thực hiện một cách hữu hiệu các quy định của công ước quốc tế cũng như nhận được sự đồng thuận của các quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, thì Việt Nam cần nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới và thực hiện từng bước chuyển hóa các quy phạm pháp luật quốc tế về vấn đề TNHS của pháp nhân vào trong pháp luật hình sự quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất và đồng bộ cho sự hợp tác về lĩnh vực này.