Bồi thường khi bản án bị hủy theo thủ tục tái thẩm
Tòa án - Ngày đăng : 08:47, 17/07/2015
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp quy định tại Điều 30, Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp quy định tại Điều 31, Tòa án có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp quy định tại Điều 32 Luật TNBTCNN.
Để thực hiện đúng theo quy định của Luật TNBTCNN mà chúng tôi trích dẫn ở trên, ngày 2/11/2012, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là TTLT số 05/2012/TTLT).
Tại Điều 4 của TTLT số 05/2012/TTLT hướng dẫn cụ thể trách nhiệm bồi thường của từng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Đối với cơ quan điều tra ngoài trách nhiệm phải bồi thường đối với hai trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật TNBTCNN, còn phải bồi thường thêm trường hợp thứ ba là: “Đã ra quyết định tạm giữ người, nhưng sau đó tự hủy bỏ quyết định tạm giữ đó, vì người bị tạm giữ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.
Đối với Viện kiểm sát, ngoài trách nhiệm phải bồi thường đối với sáu trường hợp quy định tại Điều 31 Luật TNBTCNN còn phải bồi thường thêm hai trường hợp khác là:
Trường hợp 1: “Trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố bị can, nhưng người đã bị khởi tố bị can không bị tạm giữ, tạm giam, sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội và họ thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật TNBTCNN thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố bị can”.
Viện kiểm sát tỉnh Sóc Trăng thực hiện trách nhiệm bồi thường với một trường hợp bị truy tố oan
Trường hợp 2: “Trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, nhưng người đã bị khởi tố bị can không bị tạm giữ, tạm giam ở giai đoạn điều tra, truy tố, sau khi chuyển hồ sơ cho Tòa án để xét xử thì Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam, sau đó Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên bị cáo không phạm tội hoặc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nhưng sau đó bị can được đình chỉ điều tra vì không thực hiện hành vi phạm tội và người đó thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật TNBTCNN thì Viện kiểm sát đã quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can có trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.
Còn đối với Tòa án có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp quy định tại Điều 32 Luật TNBTCNN, có thể tóm tắt thành hai trường hợp cơ bản là:
Trường hợp 1: Tòa án cấp dưới tuyên án bị cáo có tội, nhưng Tòa án cấp trên xét xử theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm, hủy bản án của Tòa án cấp dưới, tuyên án bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án, vì người đó không phạm tội.
Trường hợp 2: Tòa án cấp dưới tuyên án bị cáo có tội, nhưng Tòa án cấp trên xét xử theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm, hủy bản án của Tòa án cấp dưới để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, vì không thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với quy định tại Điều 32 Luật TNBTCNN, chúng tôi nhận thấy có hai vấn đề cần quan tâm là:
Vấn đề 1: Trường hợp bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, vì không thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp này Tòa án có trách nhiệm bồi thường là có căn cứ. Vì hồ sơ vụ án được giữ nguyên các tài liệu chứng cứ vụ án từ khi điều ra vụ án đến khi vụ án được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án, lỗi dẫn đến có vi phạm pháp luật nghiêm trọng là do HĐXX của Tòa án đã ra bản án trái pháp luật làm oan người vô tội.
Từ việc quy định trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại để người có thẩm quyền trong hoạt động xét xử đề cao trách nhiệm trong việc đưa ra phán quyết đúng pháp luật đối với bị cáo.
Vấn đề 2: Trường hợp bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị hủy theo thủ tục tái thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, vì không thực hiện hành vi phạm tội mà Tòa án có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là không có căn cứ. Vì thủ tục tái thẩm áp dụng đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Ví dụ vụ án giết người mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan trong thời gian xét xử vụ án. Tòa án không biết ông Chấn bị truy tố oan nên trong thời gian ông Chấn kêu oan, VKSNDTC, cơ quan giám sát việc xét xử và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ở TANDTC đều trả lời cho ông Chấn có nội dung là sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu chứng cứ của vụ án nhận thấy Tòa án cấp phúc thẩm kết tội ông là đúng người, đúng tội không oan. Chỉ 10 năm sau, kẻ giết người Lý Nguyên Chung đầu thú thì sự thật về vụ giết người mới sáng rõ, ông Chấn mới được minh oan. Như vậy, có một sự thật là người xét xử vụ án chỉ căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để đưa ra phán quyết mà hoàn toàn không biết tình tiết người gây ra vụ án giết người là Lý Nguyên Chung chứ không phải ông Chấn. Đã không biết mà gây ra oan sai phải bồi thường là không khách quan.