“Quyền im lặng" cân bằng với "Quyền kết tội"

Tòa án - Ngày đăng : 08:06, 03/07/2015

Hiện nay theo chủ trương sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự của Nhà nước ta, nhiều vấn đề đòi hỏi phải được sửa đổi cho phù hợp với quy ước của quốc tế. Trong đó gây nhiều tranh cãi nhất là "quyền im lặng"của nghi can.

Đứng về phía ngành công an, thì tỏ ý lo ngại về việc "quyền im lặng" của nghi can sẽ gây thách thức phá án khi mà nghi can là đầu mối quan trọng nhất của vụ án nhưng lại cứ "ngậm tăm" không chịu khai báo thực về hành vi của mình.

“Quyền im lặng

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Vũ Xuân Trường phát biểu ý kiến thảo luận về dự án BLTTHS (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Nhưng cũng phải ghi nhận rằng "quyền im lặng" xuất phát từ tình hình thực tiễn là đã có quá nhiều vụ bức cung dùng nhục hình đối với nghi can gây nên những án oan chấn động dư luận. Chính vì vậy "quyền im lặng" được đặt ra để làm bức tường ngăn cản việc bức cung dùng nhục hình.

Tuy nhiên, dù không có bằng chứng về việc bức cung dùng nhục hình đi chăng nữa thì cũng cần phải hiểu rằng bản chất của luật pháp là công bằng, có nghĩa là phải khiến mọi người "tâm phục khẩu phục" mà không thể chối cãi được, cho nên "quyền im lặng" đã được quốc tế hóa và là xu hướng tất yếu của xã hội loài người tiến bộ.

Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam ký kết gia nhập vào ngày 24/9/1982, trong bản Công ước đó quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 14 rằng: Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây: “Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội”. Điều này cũng chính là "quyền im lặng" của nghi can.

Cũng cần phải chú ý là Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam tại điểm c khoản 2 điều 48, 49 đã có quy định là người bị tạm giữ, bị can có "quyền trình bày lời khai", tức là việc trình bày lời khai hay không là tùy ý người bị tạm giữ, bị can, vì đó là "quyền" chứ không phải nghĩa vụ. Đây chính là "quyền im lặng" của nghi can đã được luật quy định. Tuy nhiên trên thực tế do trách nhiệm giải thích và còn do nhận thức của cả cán bộ điều tra và nghi can mà "quyền trình bày lời khai" của nghi can đã bị hiểu méo mó thành "trách nhiệm phải trình bày lời khai" của nghi can.

Và đáng chú ý nữa là tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành có quy định: "Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được dùng làm chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Không dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội". Điều này có nghĩa là luôn luôn phải có chứng cứ khác ngoài lời nhận tội của bị can, bị cáo thì mới kết tội được.  Tuy nhiên trên thực tế chính vì quy định như vậy mà cán bộ điều tra đã bức cung dùng nhục hình ép nghi can phải khai khớp với các chứng cứ khác để cán bộ điều tra "phá án" thành công.

Nghi can có "quyền im lặng" là một chuyện, thế nhưng bên cạnh đó cơ quan bảo vệ pháp luật lại có "quyền kết tội không phụ thuộc vào lời khai của nghi can" lại là một chuyện khác. Đây chính là sự cân bằng giữa quyền của nghi can và quyền của cơ quan bảo vệ pháp luật, để đảm bảo hai bên không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhau.

Xét về lý luận, thì cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có quyền kết tội dựa trên đầy đủ các chứng cứ chứng minh tội phạm mà không cần đến lời nhận tội của nghi can. Thế cho nên nghi can có "quyền im lặng" cũng không gây ảnh hưởng đến việc kết tội của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Dù vậy thì vẫn có quy định là nghi can có quyền khai báo tự thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật, nhằm khuyến khích nghi can thành khẩn khai báo giúp cho quá trình phá án được nhanh hơn.

Như vậy tới đây Bộ luật Tố tụng hình sự cần thể hiện rõ hơn như trên, để đảm bảo luật pháp được mọi người "tâm phục khẩu phục".

Phạm Mạnh Hà