TAND hai cấp tỉnh Nghệ An: Chất lượng xét xử án hành chính từng bước được nâng cao

Tòa án - Ngày đăng : 08:43, 05/06/2015

Do quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TANDTC, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các cấp, sự nỗ lực của cán bộ, Thẩm phán nên chất lượng xét xử các vụ án hành chính của TAND hai cấp tỉnh Nghệ An từng bước được nâng cao.

Do xác định được tính chất phức tạp của án hành chính, nên cán bộ, Thẩm phán Tòa án hai cấp tỉnh Nghệ An không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng; trao đổi để giải quyết vướng mắc trong giải quyết án hành chính. Bên cạnh đó, ngay từ khâu tiếp nhận đơn khởi kiện, lãnh đạo các đơn vị  đã phân công Thẩm phán nghiên cứu, xem xét kỹ các điều kiện khởi kiện và yêu cầu của người khởi kiện, kịp thời xử lý và hoàn trả các đơn khởi kiện không thuộc thẩm quyền; tiến hành thụ lý giải quyết số đơn khởi kiện hành chính thuộc thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục, nội dung do Luật TTHC quy định. Trong quá trình giải quyết, các Thẩm phán tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án; khuyến khích các bên đương sự trao đổi, trò chuyện nhằm tạo sự đồng thuận, hạn chế phạm vi tranh chấp. Thông qua đối thoại, nhiều đương sự trong vụ án tự nhận ra những thiếu sót của mình để tự điều chỉnh. Có vụ án, người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện; người bị kiện rút quyết định hành chính, nên vụ án được giải quyết nhanh chóng. Hàng năm, TAND tỉnh Nghệ An đều tổ chức rút kinh nghiệm công tác xét xử án hành chính; thường xuyên tập huấn chuyên môn để kịp thời giải quyết tháo gỡ những tồn tại vướng mắc trong quá trình áp dụng và thực hiện Luật TTHC.

TAND hai cấp tỉnh Nghệ An: Chất lượng xét xử án hành chính từng bước được nâng cao

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm việc với cán bộ, công chức TAND tỉnh Nghệ An

Ngoài ra, thông qua việc xét xử các vụ án và trả lời đơn khiếu kiện hành chính, các Thẩm phán đã làm tốt công tác hướng dẫn và tuyên truyền pháp luật. Hoạt động của Toà án trong công tác giải quyết án hành chính được dư luận đồng tình, có tác dụng tích cực đối với việc quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực. Qua hoạt động giải quyết các vụ án hành chính, do quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TANDTC cùng với sự phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các cấp, sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, Thẩm phán nên chất lượng xét xử các vụ án hành chính của TAND hai cấp tỉnh Nghệ An từng bước được nâng cao.

Về phía người bị kiện, đa số cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước chưa có thái độ tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia tố tụng với tư cách đương sự trong vụ án. Người bị kiện không cung cấp tài liệu chứng cứ hoặc cung cấp chậm hơn thời gian yêu cầu dẫn tới việc vụ án phải kéo dài, khó giải quyết; việc uỷ quyền cho người khác hoặc uỷ quyền không hợp lệ, không đến Toà án… diễn ra khá phổ biến. Người bị kiện cũng cũng chưa có sự phối hợp tốt với Tòa án khi giải quyết vụ việc; chưa cầu thị, chưa nhận thức đúng khi ban hành quyết định hành chính sai, chưa mạnh dạn và chủ động hủy bỏ quyết định hành chính khi người sau kế thừa quyền và nghĩa vụ của người trước. Cũng chính việc chế tài của pháp luật hành chính chưa nghiêm đối với nghĩa vụ của cơ quan hành chính Nhà nước khi họ bị khởi kiện, nên đây là khó khăn cho Toà hành chính khi thụ lý giải quyết vụ án.

Về phía công dân, do nhiều người không hiểu biết pháp luật, có thái độ thái quá trong việc lợi dụng quyền dân chủ công dân nên khiếu kiện tràn lan. Có người thì cho rằng các khiếu kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bằng vụ án hành chính nên việc khiếu kiện tập thể, cá nhân ngày càng nhiều. Do đó, hàng năm Toà Hành chính TAND tỉnh Nghệ An còn có nhiệm vụ nặng nề là thưòng xuyên nghiên cứu giải quyết số lượng đơn khiếu kiện hành chính mà phần lớn không thuộc thẩm quyền giải quyết.

Để hiệu quả giải quyết án hành chính tốt hơn, TAND tỉnh Nghệ An đề nghị cần có cơ chế bảo vệ Thẩm phán, vì phần lớn các Thẩm phán rất e ngại khi được phân công giải quyết án hành chính, nhất là khi quy trình bổ nhiệm, tái nhiệm còn phải qua nhiều khâu xem xét (trong đó có ý kiến của địa phương) làm ảnh hưởng đến tâm lý xét xử và độc lập khách quan thực sự trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm tốt công tác xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử. 

Trần Quang Huy