Một số giải pháp để thực hiện tốt nguyên tắc hiến định "tranh tụng trong xét xử được đảm bảo"
Tòa án - Ngày đăng : 08:17, 05/06/2015
Theo lãnh đạo Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng, để đạt được mục tiêu này, có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra và một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phải đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, coi hoạt động xét xử của Tòa án là hoạt động trọng tâm trong chiến lược cải cách tư pháp và tổ chức hệ thống Tòa án giữ vai trò trung tâm trong việc cải cách tổ chức của các cơ quan tư pháp. Đây được coi là khâu đột phá trong hoạt động tư pháp được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 103 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013.
Tranh tụng trong xét xử không chỉ có trong phần tranh luận khi xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, mà nó có từ khi bắt đầu phiên tòa cho đến giai đoạn xét hỏi và tranh luận. Kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào nghị án là kết thúc tranh tụng. Vì vậy, tranh tụng tại phiên tòa là thủ tục xuyên suốt và quan trọng nhất. Mỗi loại vụ án có hình thức, nội dung tranh tụng khác nhau song mục đích của tranh tụng là tìm ra sự thật khách quan của vụ án, từ đó việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định.
Nguyên tắc "tranh tụng trong xét xử được đảm bảo" là một yêu cầu bức thiết
Bên cạnh đó, Tòa án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện mô hình tố tụng thẩm vấn pha lẫn tranh tụng, việc tăng cường tranh tụng tại phiên tòa là một thực tiễn phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của nước ta. Việc tiếp thu các hạt nhân của tranh tụng là nhằm bổ sung cho sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo cho công cuộc cải cách tư pháp thắng lợi.
Đồng thời, mỗi Thẩm phán khi tiến hành xét xử một vụ án cụ thể luôn luôn ý thức rằng: Một người chỉ được coi là có tội khi người đó bị Tòa án tuyên bố phạm tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật; một người được coi là thắng kiện khi nào người đó được Tòa án tuyên bố thắng kiện bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thái độ của Hội đồng xét xử phải luôn khách quan, công bằng, tôn trọng những tình tiết, những lập luận do các bên đưa ra. Ngay cả khi kiểm sát viên không đáp lại những ý kiến, những lý lẽ do luật sư, bị cáo… đưa ra, Hội đồng xét xử đều yêu cầu kiểm sát viên phải tranh luận đáp lại những ý kiến đó, chấp nhận hay không chấp nhận.
Đặc biệt, trong những vụ án mà có bị cáo, nguyên đơn, bị đơn và những người tham gia tố tụng khác có trình độ văn hóa, học vấn thấp, ở vùng dân tộc thiểu số thì Hội đồng xét xử càng phải đặc biệt quan tâm để họ tiếp cận với nguyên tắc tranh tụng và thực tiện quyền tranh tụng của mình. Hội đồng xét xử luôn xác định phạm vi tranh tụng gồm những gì trong một vụ án cụ thể để điều khiển cho các bên thực hiện việc tranh tụng đúng mục đích.
Đổi mới tổ chức phiên tòa để thực hiện nguyên tắc "tranh tụng trong hoạt động xét xử được bảo đảm" là một yêu cầu bức thiết. Để làm được điều đó, trước hết cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủ tục tố tụng các loại án; quy định rõ, cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc tranh tụng; bổ sung thêm những quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tranh tụng mà pháp luật tố tụng hiện nay còn thiếu; nhất là đối với những người tham gia tố tụng thuộc vùng dân tộc thiểu số, cần có cơ chế để đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó.
Sớm đưa nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” vào pháp luật tố tụng các loại hiện hành để làm tư tưởng chỉ đạo, định hướng trong hoạt động xét xử. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến Tòa án cho phù hợp với vai trò của Tòa án trong phiên tòa theo hướng tranh tụng. Phải coi nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” là nội dung lớn và quan trọng trong phương hướng, chương trình công tác của hệ thống TAND.
Bên cạnh đó, các Thẩm phán phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức chính trị, nghiên cứu hồ sơ kỹ càng, nâng cao kỹ năng điều khiển phiên tòa, kỹ năng xét hỏi, đổi mới việc tổ chức phiên tòa theo hướng không phân biệt Thẩm phán nào hỏi chính hay hỏi phụ, ưu tiên cho tranh tụng; các Thẩm phán trong Hội đồng xét xử luôn là trọng tài trong quá trình tranh tụng. Đồng thời, mỗi Thẩm phán cũng cần phải được đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng điều hành phiên tòa theo hướng tranh tụng, tạo điều kiện cho các Thẩm phán tham gia các diễn đàn, hội thảo, trao đổi về nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, được tiếp cận với những phiên tòa mẫu về tranh tụng để rút kinh nghiệm; cần có sơ kết, tổng kết về chuyên đề này.
Một điều quan trọng nữa đó là vai trò của luật sư trong tranh tụng tại phiên tòa phải được tôn trọng và đề cao, phải có những quy định cụ thể hơn và có cơ chế bảo đảm cho luật sư thể hiện vai trò của mình. Có như vậy, chất lượng tranh tụng mới được nâng cao, mới có sự thay đổi về chất. Tạo cơ hội tốt nhất cho bị cáo, nguyên đơn, bị đơn và những người tham gia tố tụng khác tiếp cận công lý, hiểu và thực hiện đúng quyền tranh tụng.
Hội đồng xét xử cần hết sức tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các bên tranh tụng tại phiên tòa để điều tiết việc tranh tụng theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch và dân chủ, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước là vì công lý, vì quyền con người, phục vụ nhân dân.