Ủy quyền trong tố tụng hành chính gây không ít trở ngại cho cơ quan xét xử

Tòa án - Ngày đăng : 06:30, 12/05/2015

Thực tiễn thấy rằng, người được ủy quyền đại diện cho bên bị kiện thường bị động, lúng túng khi tham gia tố tụng do họ chưa nắm rõ vấn đề và không có nhiều thông tin, không đủ “quyền thực tế”.

Để đảm bảo công tác xét xử của Tòa án đối với án hành chính được kịp thời và hiệu quả, cần có quy định bắt buộc về việc bên bị kiện nếu ủy quyền thì phải cử người có đủ thẩm quyền, có trách nhiệm tham gia phiên tòa để tránh làm khó Tòa án khi xét xử những vụ án hành chính.

Đương sự trong vụ án hành chính

Một trong những đặc thù của vụ án hành chính chính đó là đương sự và phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm "quyết định hành chính", "hành vi hành chính" do người có thẩm quyền trong các cơ quan công quyền ban hành hoặc thực hiện. Trong tố tụng hành chính (TTHC) không có khái niệm "nguyên đơn", "bị đơn" (như tố tụng dân sự), mà là "người khởi kiện” và "người bị kiện”, mối quan hệ giữa hai loại chủ thể này không ngang bằng nhau, một bên chủ yếu là công dân, một bên là các cơ quan hành chính thực thi quyền lực công.

Ủy quyền trong tố tụng hành chính gây không ít trở ngại cho cơ quan xét xử

Người khởi kiện trong một vụ án hành chính (Ảnh minh họa)

Tại Điều 3 của Luật TTHC hiện hành giải thích: Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cũng tại Điều 3 này, người khởi kiện được quy định là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, việc lập danh sách cử tri. Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc canh tranh, việc lập danh sách cử tri. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ lên quan.

Trong vụ án hành chính, bên bị kiện thường là cơ quan, cá nhân có chức vụ, địa vị, có quyền hành trong tay và có khả năng chi phối nhất định. Với tư cách là chủ thể quản lý và điều hành xã hội, những cơ quan, cá nhân này có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước thực hiện các hoạt động của mình thông qua nhiều hình thức khác nhau trong đó chủ yếu là ban hành các quyết định hành chính và thực hiện hành vi để tác động đến các cá nhân, cơ quan, tổ chức xã hội. Và trên thực tế, không phải lúc nào người dân cũng đồng ý với sự tác động của chủ thể quản lý đó. Hơn nữa trong một số trường hợp vì lý do nào đó mà quyết định hành chính, hành vi hành chính được ban hành lại trái pháp luật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích cá nhân, cơ quan, tổ chức. Để bảo vệ quyền lợi của mình, các cá nhân, tổ chức thông qua khiếu nại hành chính và khởi kiện tại Tòa án khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước.

Trong hầu hết các vụ án hành chính, người khởi kiện là những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân hay tổ chức thực thi công việc của Nhà nước. Chính vì vậy, người khởi kiện có rất nhiều lo ngại và cân nhắc, suy tính khi quyết định khởi kiện. Mặc dù pháp luật quy định rõ ràng về thủ tục tố tụng, quyền của người khởi kiện và nghĩa vụ của người bị kiện nhưng rõ ràng người khởi kiện thường rơi vào vị thế yếu hơn về mọi mặt đối với người bị kiện.

Những bất cập khi người bị kiện ủy quyền cho người đại diện tham gia TTHC

Theo quy định của Luật TTHC, các đương sự tham gia TTHC có quyền ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng. Người đại diện theo ủy quyền trong TTHC phải đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản, trừ những trường hợp luật quy định không được làm người đại diện. Theo quy định tại khoản 8 Điều 49 và khoản 3, 5 Điều 54 Luật TTHC thì người được ủy quyền thực hiện toàn bộ các quyền, nghĩa vụ TTHC của người ủy quyền; đồng thời người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba. Thực tế cho thấy, những quy định ủy quyền nêu trên là rất cần thiết và phù hợp với người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân do bận công việc hoặc không nắm vững pháp luật hoặc vì một lý do nào đó nên phải ủy quyền cho người khác mà luật không cấm để thay mặt mình tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm. Còn việc người bị kiện là cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khởi kiện ủy quyền cho người khác đại diện theo pháp luật đã gây ra không ít trở ngại cho cơ quan xét xử.

Qua thực tiễn thấy rằng, người được ủy quyền đại diện cho bên bị kiện thường bị động, lúng túng khi tham gia tố tụng do họ chưa nắm rõ vấn đề và không có nhiều thông tin, không đủ “quyền thực tế”. Khi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền bị khởi kiện, nếu Tòa án triệu tập thì người bị kiện thường ủy quyền cho cấp dưới đại diện tham gia tố tụng. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền bị kiện đó không trực tiếp tham gia để xử lý hậu quả về quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện, nên không có thẩm quyền và không dám xử lý hậu quả về quyết định hành chính, hành vi hành chính trước đó, cho dù hành vi đó, quyết định đó rõ ràng trái pháp luật. Chính vì thế, những người được ủy quyền của bên bị kiện tham gia tố tụng, cho dù có biết rõ quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện là trái pháp luật, nhưng không có thẩm quyền hoặc không dám rút toàn bộ hay một phần quyết định hành chính đó, hoặc có biện pháp khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện. Trong nhiều trường hợp, người được ủy quyền của bên bị kiện tham gia tố tụng chỉ để bảo đảm đúng thủ tục tố tụng, và khi về thường báo cáo lãnh đạo theo chiều hướng khác, đảm bảo có lợi cho mình hoặc tránh bị khiển trách do lỗi chính người được ủy quyền đã tham mưu cho lãnh đạo.

Để đảm bảo công tác xét xử của Tòa án đối với án hành chính được kịp thời, công bằng, khả thi và hiệu quả, cần có quy định bắt buộc về việc bên bị kiện nếu ủy quyền thì phải cử người có đủ thẩm quyền, có trách nhiệm tham gia phiên tòa để tránh làm khó Tòa án khi xét xử những vụ án hành chính.

Trần Quang Huy