Giải quyết vụ kiện quyết định hành chính của UBND cấp huyện: Giao Tòa án cấp tỉnh giải quyết là cần thiết
Tòa án - Ngày đăng : 06:00, 19/04/2015
Theo Viện Khoa học xét xử TANDTC, tỉ lệ án hành chính sơ thẩm bị hủy án, sửa án là 4-5%/năm, cao gấp 4-5 lần so với các loại án khác. Đa số quyết định, hành vi bị khiếu kiện của UBND cấp huyện và chủ tịch UBND huyện thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, thường rất khó và phức tạp. Vì vậy, dự thảo giao những vụ việc thuộc loại này cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm.
Có ý kiến băn khoăn, nếu dồn lên cấp tỉnh thì sẽ gây quá tải và khó khăn cho người dân trong việc đi lại theo kiện. Một số ý kiến cho rằng nên giữ thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của TAND cấp huyện theo quy định hiện hành, tức được giải quyết sơ thẩm các vụ khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND cũng như chủ tịch UBND huyện. Các ý kiến này cho rằng tòa cấp huyện xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên không ngại xét xử UBND hoặc chủ tịch UBND huyện thua kiện. Việc án hành chính sơ thẩm bị hủy, sửa nhiều do thẩm phán ở cấp huyện chưa đủ năng lực chứ không phải do thẩm phán “sợ” UBND huyện hay huyện ủy.
Một phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nên giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện của cấp huyện. Thực tế, số lượng các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện không phải nhiều và không ngại quá tải đối với Tòa án cấp tỉnh.
Về cơ chế “ủy quyền”, nhất là đối với những vụ kiện mà chủ tịch UBND là người bị kiện, có ý kiến cho rằng, cơ chế ủy quyền không gây khó khăn gì cho công tác xét xử vì xét xử căn cứ vào luật nhưng gây khó khăn cho việc đối thoại trong việc giải quyết vụ án vì những người được ủy quyền đa phần là người không có quyền quyết định, kể cả khi họ biết quyết định đó là sai. Nếu là chính chủ tịch UBND khi đối thoại với dân thấy sai có thể quyết định là sửa hay hủy bỏ. Vì thế, nếu Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND bị kiện thì bắt buộc phải ra hầu tòa, không thể được ủy quyền.
Tuy nhiên, nếu qui định cứng không cho “ủy quyền” thì trong điều kiện hiện nay, Chủ tịch chỉ suốt ngày đi hầu tòa và cũng vi phạm Hiến pháp vì cơ chế ủy quyền là cơ chế đã được Hiến định. Hơn nữa, Chủ tịch UBND cấp huyện không phải chỉ giải quyết các loại kiện tố tụng. Theo quy định, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch UBND cấp huyện thì có rất nhiều việc chỉ đạo giải quyết phát triển kinh tế, ổn định an ninh của địa phương. Do vậy, dự thảo qui định việc ủy quyền trong TTHC phải do tòa án quyết định, và người được ủy quyền phải có toàn quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến vụ án, không thể ủy quyền cho một người đến tòa án chỉ để hoãn phiên tòa về xin ý kiến khiến vụ án kéo dài.
Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay luật không quy định cơ quan nào thi hành án hành chính. Một bản án hành chính có hiệu lực pháp luật, cơ quan hành chính “thua kiện” không chịu thi hành án thì không ai làm được gì. Vì vậy, đề nghị phải có quy định (có thể là pháp lệnh) về việc thi hành án hành chính như quy định về thi hành án dân sự hoặc hình sự hiện nay.