TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang: Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính
Tòa án - Ngày đăng : 06:00, 12/04/2015
Bắc Giang là tỉnh miền núi, địa bàn rộng. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển các mặt đời sống xã hội, cộng với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá cũng làm nảy sinh các tranh chấp liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy các loại vụ việc, đặc biệt là các vụ án hành chính mà Toà án hai cấp tỉnh Bắc Giang phải giải quyết hàng năm đều tăng. Các vụ án hành chính chủ yếu liên quan tới khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai (thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...). Bên cạnh đó, các khiếu kiện quyết định cưỡng chế thi hành và quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khiếu kiện về chế độ lao động thương binh xã hội, khiếu kiện về cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp và thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh cũng ngày càng nhiều.
Theo ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang: Số lượng án hành chính gia tăng do Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực đã mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án; nhận thức của người dân được nâng cao; việc giải quyết loại việc này không phải qua giai đoạn tiền tố tụng. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường của nhiều dự án thực hiện còn thiếu nhất quán, chưa công khai minh bạch, không đúng quy định của pháp luật cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ án hành chính liên quan tới các lĩnh vực này gia tăng trong thời gian qua.
Trước thực trạng trên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang đã đề ra nhiều biện pháp để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án hành chính như: Động viên, tạo điều kiện để Thẩm phán, Thư ký giải quyết án hành chính nghiên cứu, học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; chỉ đạo thực hiện tăng cường đối thoại để vụ án được giải quyết nhanh chóng, triệt để. Lãnh đạo TAND tỉnh cũng đổi mới công tác tổ chức tập huấn như: mời các giảng viên Trường cán bộ Toà án về truyền đạt kỹ năng khi giải quyết loại án này; phối hợp với Toà chuyên trách TANDTC để tháo gỡ, giải quyết những vụ án phức tạp. Bên cạnh đó, TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của TANDTC, của các cấp uỷ Đảng và HĐND địa phương; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để đảm bảo giải quyết kịp thời, chính xác các vụ án hành chính. Hiện nay, TAND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng “Quy chế phối hợp giữa UBND- TAND - VKSND tỉnh Bắc Giang trong giải quỵết án hành chính, dân sự, kinh tế, lao động”. Song song với công tác xét xử, TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang luôn tăng cường công tác giám đốc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm để rút kinh nghiệm và hướng dẫn kịp thời khi có vướng mắc trong giải quyết án hành chính, nhất là vướng mắc về áp dụng pháp luật nội dung, giúp cho việc giải quyết được thống nhất, đúng quy định của pháp luật.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho TAND TP Bắc Giang
Kết quả năm 2014, TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang đã giải quyết được 178/181 vụ án hành chính (đạt 98,3%). Các vụ án sau khi xét xử được dư luận đồng tình, góp phần ổn định chính trị tại địa phương. Các vụ án có kháng cáo hay khiếu nại đều được Tòa án cấp trên xử phúc thẩm y án sơ thẩm hoặc được trả lời khiếu nại là Tòa án đã xử đúng quy định. Từ đầu năm 2015 đến nay, các vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục gia tăng, nhưng đều được TAND hai cấp đưa ra xét xử đúng thời hiệu..
Để giải quyết có hiệu quả hơn nữa các vụ án hành chính, ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang cho biết: TANDTC nói riêng, các cơ quan có thẩm quyền nói chung cần tăng cường hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc giải quyết vụ án hành chính. Mặt khác, hiện nay chúng ta đang sửa đổi Luật tố tụng Hành chính nên cần bổ sung những quy định về căn cứ đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính để thống nhất trong việc đưa ra quyết định trong giải quyết vụ án hành chính. Bên cạnh đó, TANDTC cần tăng biên chế cho Tòa án các cấp để phân bổ đủ Thẩm phán cho Toà Hành chính cũng như các Toà chuyên trách khác, đảm bảo Hội đồng xét xử phúc thẩm có từ 3 Thẩm phán trở lên để có tính chuyên sâu cao. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét về cơ chế hoạt động của tổ chức Đảng trong hệ thống Toà án theo hướng hợp lý hơn để vừa đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, vừa đảm bảo tính độc lập trong xét xử các vụ án hành chính của Toà án. Một vấn đề cũng rất quan trọng, đó là cần tăng cường công tác tuyên truyền về chức năng quyền tư pháp của Toà án trong hệ thống bộ máy Nhà nước để các cơ quan, tổ chức nhận thức đầy đủ về vai trò của Toà án theo Hiến pháp năm 2013.