Chuyện về một nữ thư ký ở Tòa án huyện đảo Lý Sơn
Tòa án - Ngày đăng : 06:00, 05/02/2015
Câu chuyện về chị, về người phụ nữ đầu tiên xung phong ra công tác tại huyện đảo nổi tiếng cam khó và cô quạnh của tỉnh Quảng Ngãi này để giúp bà con thoát ra khỏi đói nghèo, hủ tục khiến người nghe không khỏi rưng rưng. Chị là Đinh Thị Thu Thanh (SN 1966), thư ký TAND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Chị Thanh kể, từ nhỏ, chị đã mơ ước lớn lên sẽ làm nghề giáo, hàng ngày đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho đám học trò. Ấy nhưng, chả biết duyên phận đưa đẩy thế nào chị lại chuyển sang công tác ở Phòng Tư pháp huyện Bình Sơn. Rồi đến khi TAND huyện Lý Sơn được thành lập, chị là người phụ nữ đầu tiên làm đơn xung phong ra công tác (1/3/1993). Mặc gia đình can ngăn, mặc mẹ già dăm bảy lần níu áo, chị vẫn quyết ôm hai đứa con thơ ngồi thuyền, tẽ nước ra đây. Lúc đó, chị cũng chỉ nghĩ mình ra công tác vài năm rồi về, nào ngờ cái doi đất nằm phập phồng trên sóng này níu chân chị từ bấy đến giờ.
Chị Đinh Thị Thu Thanh, thư ký TAND huyện Lý Sơn
Ngày đó, Tòa án huyện mới được thành lập nên cơ sở vật chất vẫn còn nghèo nàn, thiếu thốn. Trụ sở cơ quan lúc bấy giờ chỉ là căn phòng cấp 4 xập xệ mượn tạm của Hợp tác xã Lý Sơn. Chỉ với chừng bốn, năm chục mét vuông giữa thông thốc bốn bề là gió ấy, chị và hai đồng nghiệp khác phải thu xếp sao cho vừa có Hội trường xét xử, vừa có phòng làm việc và lưu trữ hồ sơ. Trụ sở làm việc đã vậy, còn chỗ ở thì tuyệt nhiên không có. Cả ba cán bộ Tòa án huyện lúc bấy giờ đều phải tá túc nhà dân.
Cũng may, một hộ gia đình tốt bụng trên đảo đã cho mấy mẹ con chị Thanh mượn tạm một căn nhà để lấy chỗ nương thân. Gọi là nhà cho oai, chứ thực ra chủ nhà cũng nghèo, họ chỉ cặm có vài cây gỗ xuống đất rồi quẳng ít gianh tre nứa lá lên trên làm nóc. Đận ấy, cứ hôm trước trời giông gió thì hôm sau chị Thanh lại úp cái nón lá lên đầu, liêu xiêu đi quanh xóm nhờ người về trèo lên lợp lại. Vài lần như thế rồi mẹ con chị cũng đi qua mùa mưa bão.
Gian khổ, khó khăn là thế, nhưng trong suốt ngần ấy năm, chị Thanh chưa bao giờ ân hận về cái quyết định xung phong ra đảo của mình. Chị bảo: "Người dân ở đây đã quá khổ rồi, từ đời cha đời ông họ đều bám biển mưu sinh, miếng cơm manh áo ghì sát đất nên cũng chả mấy khi người ta quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Cái chữ đã vậy, huống hồ là những kiến thức về pháp luật. Họ gần như mù tịt. Thế cho nên mới có chuyện nhiều ông chồng vợ con đề huề vẫn ngang nhiên đèo bòng vợ nọ con kia".
Chị Thanh bảo, cái khó của người cán bộ Tòa án ở đây là phải cố gắng để làm sao vừa giữ được sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, vừa giữ được sự tin yêu, nể phục của bà con. Muốn làm được như thế thì những người cán bộ như chị phải thường xuyên lăn lộn xuống địa bàn, tích cực tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho cộng đồng.
Chính vì trình độ nhận thức về pháp luật của người dân ở đây còn rất nhiều hạn chế, nhiều khi người ta vi phạm pháp luật mà không hề hay biết. Thế nên, mỗi khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, chị Thanh luôn chủ động đi sâu, đi sát xuống địa bàn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng liên quan tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời đưa ra hướng xử lý. Thân gái dặm trường, nhiều khi để gặp được đối tượng, chị Thanh đã phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt.
“Ở Lý Sơn, các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thường phức tạp, nó đòi hỏi không chỉ giải quyết công bằng hay thấu đáo mà phải hợp lý, hợp tình. Nhất là do ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã nên người ta rất xem trọng chữ Tình. Vậy nên, trong các vụ án này, nhiều khi cái “tình” cũng phải giải quyết cho ổn thỏa, nếu không những dư âm hay ảnh hưởng về sau này sẽ rất lớn. Đôi khi, tôi thấy mình giống như một hòa giải viên”, chị Thanh kể.
Cứ thế, năm này qua năm khác, thấm thoắt chị Thanh đã sinh sống và công tác ở hòn đảo này hơn hai thập kỷ. Trong ngần ấy năm, cũng không phải không có cơ hội cho chị quay lại đất liền. Nhưng cơ hội đến, rồi đi như gió thoảng, chị cũng không mấy bận lòng và nuối tiếc. Chị bảo, Lý Sơn là quê hương thứ hai của chị. Cả quãng đời sung sức nhất, chị đã dành để cống hiến cho mảnh đất này. Giờ đã ở phía bên kia sườn dốc của cuộc đời, chị cũng không có mong mỏi điều gì ngoài chuyện muốn có một "mảnh đất để cắm dùi". Mấy năm trước, chị cũng mua được gần trăm mét, nhưng sau đó phải bán đi lấy tiền thuốc thang, chữa trị bệnh tật cho con, giờ mấy mẹ con vẫn phải đi ở nhờ nhà người khác. Và xa hơn nữa, chị cũng mong sau này hai đứa con nối nghiệp của mình.