TAND huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh: Tỷ lệ hòa giải thành cao trong giải quyết các vụ án dân sự
Tòa án - Ngày đăng : 06:00, 28/01/2015
Bên cạnh dân tộc Kinh, đồng bào Khmer Nam Bộ tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh chiếm gần 31% dân số của huyện với khoảng 39.000 người, lao động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên tập trung sống ở khu vực nông thôn, chỉ có một bộ phận nhỏ sống ở thị trấn và chuyển từ nghề nông sang buôn bán.
Do có đặc điểm như trên, nên việc giao lưu văn hóa và các mối quan hệ xã hội khác giữa người dân với nhau có những nét chưa tương đồng. Đáng chú ý là trong các tranh chấp về dân sự, án có liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng khá lớn với 158 vụ. Vì thế, lãnh đạo TAND huyện Cầu Kè cho rằng, việc giải quyết đối với loại án này ngoài tuân thủ đúng pháp luật, có giải pháp hòa giải tốt, Thẩm phán còn phải kết hợp nhiều mặt thì mới có khả năng kết thúc sớm vụ án. Bởi vì người Khmer phần lớn sử dụng tiếng Việt không rành, nên việc phân tích, giải thích pháp luật của Tòa án rất khó khăn, nếu Thẩm phán không có kinh nghiệm tốt thì khó tạo được sức thuyết phục cao.
Vì vậy, để giải quyết tốt các vụ án dân sự có liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer nhiệm vụ giải pháp duy nhất được đơn vị xác định là phải tập trung làm tốt công tác hòa giải, vì chỉ có hòa giải thành ở mức cao thì mới có thể giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, theo lãnh đạo TAND huyện Cầu Kè, kiên trì hòa giải là một phương châm, một biện pháp quan trọng được đặt lên hàng đầu. Từ đó, đơn vị này đã thực hiện đồng bộ ba giải pháp cơ bản sau đây để xử lý các vụ án liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer.
Chánh án TAND huyện Cầu Kè Nguyễn Văn Ngừng
Đầu tiên, đơn vị phân công một Thư ký chuyên giúp cho một Thẩm phán để có điều kiện thường xuyên trao đổi về diễn biến vụ án và chuyên môn nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng của Thư ký. Từ đó, quá trình giải quyết từng vụ án cụ thể được Thẩm phán, Thư ký nắm vững, các công đoạn tố tụng được tiến hành nhanh chóng, đảm bảo đầy đủ thủ tục. Tiếp đó, việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án như thế phải xem xét đến sở trường và năng lực công tác của cán bộ.
Để nâng cao chất lượng hòa giải các vụ án dân sự đối với đồng bào dân tộc Khmer thì người Thẩm phán phải có trình độ kỹ năng và phương pháp hòa giải. Trước khi tiến hành hòa giải phải tìm rõ vấn đề mấu chốt của sự việc, nắm vững kiến thức pháp luật và các phong tục tập quán có liên quan đến vấn đề tranh chấp của các bên đương sự. Trong quá trình hòa giải luôn tôn trọng ý kiến của các bên, để thời gian cho các bên nói rõ quan điểm của mình và xem điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào; lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của các bên, đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc để tìm ra ý kiến trung hòa nhất, sau đó hỏi từng bên xem họ sẽ tự nguyện làm những gì để giải quyết mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, Thẩm phán tổng hợp, phân tích, giải thích có lý, có tình để cho các bên thấy được lợi ích của việc họ hòa giải được với nhau.
Cuối cùng, những vụ án có nhiều vướng mắc được đưa ra tập thể Thẩm phán trao đổi để có đường lối xử lý kịp thời. Đối với vụ án có tính chất phức tạp, đã qua hòa giải nhưng không thành thì Thẩm phán cần dành thời gian thích hợp cho các bên tự suy nghĩ, đồng thời chủ động báo cáo lãnh đạo để có biện pháp phối hợp với các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Ban quản trị chùa Khmer, người có uy tín trong đồng bào dân tộc nơi đương sự cư trú để động viên phân tích. Hoặc phối hợp với chính quyền địa phương nơi đương sự cư trú để hòa giải, giải pháp này cũng có tác động rất tích cực đến công tác hòa giải thành trong đồng bào dân tộc.
Với các giải pháp nêu trên, trong năm qua, các vụ án dân sự có đương sự là người dân tộc Khmer được TAND huyện Cầu Kè hòa giải thành 127/158 vụ, đạt tỷ lệ 80,3% đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2014.