Còn nhiều vướng mắc khi xét xử án lao động

Tòa án - Ngày đăng : 06:00, 17/01/2015

Khi có tranh chấp xảy ra, thiệt hại luôn thuộc về phía người lao động, họ có thể bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, bị trừ lương, bị xử lý kỷ luật… trái quy định pháp luật lao động.

Thông qua việc giải quyết của Tòa án đối với các tranh chấp lao động, người sử dụng lao động buộc phải tuân thủ các bản án, quyết định của Tòa án.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Căn cứ số liệu của Tòa Lao động TANDTC, kết quả xét xử các vụ án lao động, các vụ án hôn nhân và gia đình năm 2014 của Tòa án các địa phương có nhiều cố gắng, cả trong tổ chức công tác xét xử và bảo đảm chất lượng giải quyết các vụ án cụ thể. Từ cuối năm 2013 và trong năm 2014, một số địa phương đã thụ lý và phải giải quyết một khối lượng tương đối lớn án lao động. Lãnh đạo các Tòa án địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức tốt công tác xét xử, bảo đảm giải quyết nhanh, không để quá thời hạn, như TAND tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Một số Tòa án địa phương tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết án lao động, nhưng trong năm 2014, khi án lao động tăng, lãnh đạo đơn vị đã kịp thời chỉ đạo, phân công, tổ chức công tác xét xử các vụ án bảo đảm đúng pháp luật, như Bình Thuận, Tây Ninh, Đà Nẵng v.v...

Còn nhiều vướng mắc khi xét xử án lao động

Tranh chấp lao động thường xảy ra ở các địa phương có kinh tế công nghiệp, dịch vụ phát triển

Có thể thấy, đại đa số các vụ án hôn nhân và gia đình có đơn đề nghị giám đốc thẩm là thuộc trường hợp đề nghị xem xét lại vấn đề tài sản là nhà, đất, công nợ, tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Giải quyết các vụ án này là rất phức tạp cả về xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật. Mặc dù vậy, chất lượng xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình của Tòa án địa phương trong năm qua nhìn chung là có nhiều chuyển biến tích cực. Tuyệt đại đa số các vụ án được giải quyết trong thời hạn quy định, chất lượng không ngừng được nâng lên. Đặc biệt là số lượng các vụ án hôn nhân và gia đình bị Tòa cấp giám đốc thẩm xử hủy vì lý do xác minh, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ có chiều hướng giảm rõ rệt (năm 2013, trong số 41 vụ án hôn nhân - gia đình bị cấp giám đốc thẩm xử hủy thì có 34 vụ do có sai sót về xác minh thu thập chứng cứ; năm 2014, trong số 43 vụ bị Tòa cấp giảm đốc thẩm xử hủy, chỉ có 25 vụ sai sót về xác minh, thu thập chứng cứ).

Vẫn còn hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, việc thụ lý giải quyết các vụ án lao động của các Tòa án địa phương còn tồn tại như, có trường hợp Tòa án xác định sai quan hệ tranh chấp, nên xác định điều kiện thụ lý vụ án không đúng. Kết quả nghiên cứu hồ sơ các vụ án mà Tòa Lao động TANDTC đã tiến hành giám đốc thẩm trong năm 2014 cho thấy: Sai sót của các Thẩm phán trong việc xác minh, thu thập và đánh giá chứng cứ thể hiện ở việc xác định không đúng nội dung trọng tâm, hay vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án; chưa chú trọng đến hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ và việc đánh giá chứng cứ không đầy đủ, dẫn đến hậu quả là quyết định về vụ án thiếu căn cứ. Bên cạnh đó, sai sót phổ biến về tố tụng của các Tòa án địa phương trong giải quyết các vụ án hôn nhân - gia đình là việc không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Về nguyên tắc, Tòa án phải xác định được những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quan hệ tài sản và đưa họ vào tham gia tố tụng. Trong thực tế, có trường hợp khi ly hôn, các bên chưa yêu cầu chia tài sản chung và tài sản đó đang do một bên quản lý, sử dụng. Sau khi ly hôn, bên được giao quản lý, sử dụng tài sản chung kết hôn với người khác và người này có đóng góp công sức vào việc quản lý, tôn tạo phần tài sản chung chưa chia. Khi một bên có yêu cầu chia tài sản chung, Tòa án không đưa người vợ, hoặc người chồng mới, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng là không đúng.

Đó còn là sai sót về giải quyết hậu quả của giao dịch về tài sản vô hiệu trong quá trình chia tài sản chung. Khi chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ án ly hôn, nếu có đủ căn cứ xác định tài sản chung đã bị một bên vợ hoặc chồng đem bán khi chưa có sự chấp thuận của bên kia thì Tòa án tuyên bố giao dịch bán tài sản là vô hiệu đồng thời phải giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu. Có như vậy mới xác định được giá trị tài sản chung là bao nhiêu, để chia cho các bên theo quy định. Trong thực tế, có nơi Tòa án xác định việc chuyển nhượng đất là vô hiệu, nhưng lại tách việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu để giải quyết bằng vụ án dân sự khác. Như vậy là không giải quyết được yêu cầu chia tài sản của các bên khi ly hôn. Ngoài ra, còn sai sót về chia tài sản chung bằng hiện vật nhưng chưa xem xét nhu cầu về chỗ ở của các bên và không phù hợp với hiện trạng tài sản.

Đâu là nguyên nhân?

Trao đổi với PV, ông Ngô Tiến Hùng, Chánh tòa Tòa Lao động TANDTC cho rằng, án lao động tuy không quá nhiều nhưng là loại án phức tạp vì hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện. Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, nhưng đến nay, còn nhiều nội dung chưa được hướng dẫn thi hành. Tranh chấp lao động thường xảy ra nhiều ở các địa phương có kinh tế công nghiệp, dịch vụ phát triển, do đó, số lượng án lao động không đồng đều ở các địa phương. Nơi có nhiều án, thì Thẩm phán bị áp lực do khối lượng án phải giải quyết lớn, còn nơi ít có án lao động thì vì các Thẩm phán chưa có kinh nghiệm giải quyết án lao động, nên khi thụ lý giải quyết thì khá lúng túng và để xảy ra sai sót.

Đặc biệt, trong các vụ án hôn nhân - gia đình, nội dung tranh chấp về tài sản là rất đa dạng. Các tranh chấp về đất đai mà hầu hết là thuộc trường hợp đất có nguồn gốc của bố mẹ, đã tặng cho một bên vợ, bên chồng; hoặc cả hai đều không có giấy tờ mà chỉ thể hiện bằng các hành vi như: Giao cho các con quản lý, sử dụng, xây nhà, xây khuôn viên riêng, v.v... nên dẫn đến có sự khác nhau trong đánh giá chứng cứ, khác nhau khi đánh giá nhà đất đã cho hay chưa cho, ông Hùng nhấn mạnh.

Tống Toàn