Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và thực tiễn xét xử (kỳ 3)

Tòa án - Ngày đăng : 05:00, 10/12/2014

Kỳ trước chúng tôi đã đề cập vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện thông qua một vụ án cụ thể. Trong kỳ này, chúng tôi nêu các nhận xét của tác giả về việc giải quyết vụ án này.

Đến tháng 9/2011 bà Làn làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện SH và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh QN yêu câu khởi tố vụ án hình sự đối với ông Quan, bà Lò và anh Bích. Ngày 27/9/2011 bà Làn nhận được công văn của cơ quan cảnh sát điều tra trả lời: “Vụ án xảy ra đã lâu, cơ quan cảnh sát điều tra không có hồ sơ ban đầu, không thể dựng lại hiện trường vụ án để khởi tố hình sự”. Cơ quan Cảnh sát điều tra hướng dẫn bà Làn khởi kiện tại TAND huyện SH để giải quyết phần dân sự.

Theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 159 BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung năm 2011 thì thời hiệu khởi kiện vụ án của bà Làn bắt đầu từ ngày bà nhận được văn bản trả lời của cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện SH là ngày 27/9/2011.

HĐXX đã áp dụng các Điều 604, Điều 606, Điều 610; Điều 612 và Điều 616 BLDS năm 2005; điều 131; điểm b khoản 3 điều 159, điều 243 và điều 245 BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung năm 2011; khoản 6 Điều 11, khoản 4 điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009, tuyên xử: Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Thị Làn: Buộc ông Nguyễn Quan, bà Đào Thị Lò và anh Nguyễn Bích có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho bà Nguyễn Thị Làn tổng số tiền 251.475.000 đồng. Cụ thể: Ông Nguyễn Quan phải chịu 83.825.000 đồng; bà Đào Thị Lò phải chịu 83.825.000 đồng; anh Nguyễn Bích phải chịu 83.825.000 đồng.

Ngày 05/10/2012, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Làn kháng cáo với nội dung: yêu cầu ông Nguyễn Quan, bà Đào Thị Lò và anh Nguyễn Bích có nghĩa vụ bồi thường cho bà và ba đứa con các khoản: tiền tổn thất tinh thần 252.000.000 đồng; tiền cấp dưỡng nuôi cháu Đào Như Ý 128.100.000 đồng; tiền cấp dưỡng nuôi cháu Đào Thị Mỹ Trinh 60.375.000 đồng.

Ngày 05/10/2012, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Bích kháng cáo với nội dung: yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và thực tiễn xét xử (kỳ 3)

Một phiên tòa dân sự

Ngày 12/10/2012, bị đơn ông Nguyễn Quan, bà Đào Thị Lò (Đào Thị Kim) kháng cáo với nội dung: yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vu án.

Tại bản án phúc thẩm số 14/2013/DS-PT ngày 1/4/2013 của TAND tỉnh QNg đã tuyên huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 03/2012/DSST ngày 24/9/2012 của TAND huyện SH và đình chỉ giải quyết vụ án.

Về án phí: Hoàn trả cho ông Nguyễn Quan 200.000 đồng do ông đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số AA/2010/04505 ngày 12/10/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện SH. Hoàn trả cho bà Đào Thị Lò (Đào Thị Kim) 200.000 đồng do bà đã nộp tạm ứng án phi phúc thẩm theo biên lai số AA/2010/04507 ngày 12/10/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện SH.

Hoàn trả cho anh Nguyễn Bích 200.000 đồng do ông đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số AA/2010/04506 ngày 12/10/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện SH.

Nhận xét: Ông Quan, bà Lò là chủ sở hữu xe ô tô loại REO 7, có biển kiểm soát số BKS 76-1567. Ngày 9/9/2003 anh Nguyễn Bích là con ông Quan, bà Lò điều khiển xe ôtô gây tai nạn (lật xe) làm ông Đường chết ngay tại chỗ, anh Bích bị gãy tay và ông Đơ bị thương nhẹ. Do quan hệ giữa ông Quan, bà Lò với ông Đường là người thân thích nên bà Làn (vợ ông Đường) không báo công an. Theo bà Làn khai hai bên thỏa thuận gia đình ông Quan sẽ cùng bà Làn nuôi ba cháu là con của ông Đường, bà Làn ăn học; hỗ trợ vốn cho bà Làn làm ăn nuôi con, và chăm sóc 12ha keo hai gia đình trồng chung, đồng thời làm cho cháu Như Ý (con bà Làn) một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Quan khai có hỗ trợ nhiều cho bà Làn và các cháu nhưng không làm giấy tờ. Ông thừa nhận ông có hứa, cháu ông thì ông sẽ nuôi. Các nhân chứng cũng khai gia đình ông Quan có thỏa thuận hỗ trợ cho gia đình bà Làn. Như vậy, việc thỏa thuận với nội dung nêu trên là có thật, thỏa thuận đó không trái pháp luật. Nhưng theo bà Làn do gia đình ông Quan chỉ thực hiện được một số việc, vài năm thì ngừng dẫn đến tranh chấp. Ngày 16/1/2012 bà Làn mới khởi kiện. Hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng thời hiệu điều tra vụ án hình sự là mười năm, và tháng 9/2011 bà Làn mới yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, ngày 27/9/2011 bà Làn nhận được trả lời của cơ quan điều tra và được hướng dẫn khởi kiện vụ án dân sự, từ đó cho rằng thời hiệu khởi kiện tính từ ngày 27/9/2011 là không đúng. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã có nhận thức sai lầm về thời hiệu, thời hạn trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự với thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Mặt khác, BLHS không có điều nào quy định “thời hiệu điều tra là mười năm”. Trong BLRRHS năm 2003, tại Điều 119 có quy định về thời hạn điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, cộng tất cả các thời gian điều tra và gia hạn điều tra thì thời hạn điều tra cũng chưa tới hai năm. Đối với vụ án này, về mặt hình sự thì không thuộc trường hợp “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, do đó thời hạn điều tra còn ngắn hơn.

Trong BLHS năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009, tại Điều 23 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm nghiêm trọng thì có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là mười năm. Như vậy, trong phần nhận định của bản án sơ thẩm có đoạn: “căn cứ khoản 1 Điều 202 của BLHS nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì thời hiệu điều tra là mười năm” là đã có sai sót về cả viện dẫn điều luật, luật áp dụng và thuật ngữ pháp lý sử dụng trong bản án.

Việc Tòa án cấp phúc thẩm viện dẫn mục 6 phần I Nghị quyết số 03/2006/HĐTP ngày 8/6/2006: “đối với trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 1/1/2005, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày 1/1/2005” từ đó cho rằng bà Làn chỉ có quyền khởi kiện đến năm 2007, mà không tính đến thỏa thuận giữa hai bên sau ngày xảy ra tai nạn và việc thực hiện thỏa thuận đó như thế nào là không đúng. Trong trường hợp này thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự phải được tính từ ngày gia đình ông Quan chấm dứt việc thực hiện lời hứa mà hai bên đã thỏa thuận. Nếu gia đình ông Quan chấm dứt thực hiện thỏa thuận trước ngày 1/1/2005 thì quan điểm của Tòa phúc thẩm về thời điểm tính thời hiệu khởi kiện mới có thể có căn cứ. Cả Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không coi thời điểm chấm dứt thực hiện thỏa thuận là một cơ sở quan trọng trong việc xem xét về thời hiệu nên chưa chú ý thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ và đánh giá về nội dung thỏa thuận, việc  thực hiện thỏa thuận và dẫn đến thu thập chưa đầy đủ tài liệu, chứng cứ làm rõ các vấn đề nêu trên.

Tuy nhiên, về thời hiệu khởi kiện đối với vụ án cụ thể này thì dù sau khi thu thập thêm tài liệu, chứng cứ không có cơ sở kết luận là còn thời hiệu khởi kiện, cũng không thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án; bởi các cơ sở sau: tại biên bản giải quyết tranh chấp cây keo của Ủy ban nhân dân xã ngày 4/5/2012 dù phía ông Quan không thừa nhận việc ông Đường trồng keo chung với gia đình ông, nhưng ông đồng ý hỗ trợ cho bà Làn 18.000.000 đồng và bà Làn phải viết giấy không liên quan tới đất đai và số keo đó nữa.

Tại biên bản đối chất ngày 17/8/2012 dù vợ chồng ông Quan, bà Lò không thừa nhận có hứa hẹn nuôi các cháu, con của ông Đường, bà Làn, nhưng lại thừa nhận: “có nghĩa vụ chăm sóc các cháu” và ở cuối biên bản ông Quan khai có lo cho cháu Dung học hai lớp, còn cháu Ý học từ lớp một đến lớp bảy, chi phí ăn học đều do gia đình ông lo.

Tại phiên tòa sơ thẩm khi được hỏi ông có hỗ trợ gì cho mẹ con bà Làn, ông Quan đã khai rõ: “hỗ trợ nhiều nhưng không giấy tờ, tôi có hứa làm cho cháu Ý một giấy sổ đỏ nhưng chưa làm”, hoặc “về sổ đỏ, nếu không có phiên tòa hôm nay thì tôi sẽ làm, nhưng sự việc hôm nay như thế này thì tôi sẽ không làm”.

Với các lời thừa nhận nói trên của ông Quan trước và tại phiên tòa sơ thẩm, thì dù Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện cũng phải căn cứ vào lời thừa nhận một phần nghĩa vụ của ông Quan và áp dụng Điều 162 BLDS về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện để xem xét yêu cầu khởi kiện của bà Làn mới đúng.

Ngoài việc có sai sót về áp dụng pháp luật khi xác định thời hiệu khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm còn có các sai sót khác cũng rất nghiêm trọng, đó là khi thấy các bên có lời khai khác nhau về các khoản mà nguyên đơn yêu cầu, Tòa án cấp sơ thẩm đã không đi sâu yêu cầu mỗi bên lý giải rõ; không yêu cầu mỗi bên chứng minh về khả năng kinh tế, chưa làm rõ thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường, nguồn tiền mà mỗi bên khai đã chi; chưa làm rõ phía gia đình ông Quan đã hỗ trợ những gì? Giá trị bao nhiêu; chưa đối chất kỹ các nhân chứng với đương sự là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Việc Tòa án cấp sơ thẩm mới chỉ căn cứ vào việc mỗi bên không đưa ra được văn bản, tài liệu chứng minh cho lời khai, lời yêu cầu của mình từ đó cho rằng các đương sự không chứng minh được để quyết định dựa trên lời khai của một bên đương sự là chưa thể hiện vai trò của Tòa án trong việc hỗ trợ, kiểm tra, chủ động sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ theo Bộ luật tố tụng dân sự quy định hoặc chưa giải thích cho đương sự về pháp luật để họ yêu cầu Tòa án thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ (đối với các biện pháp thu thập chứng cứ phải có yêu cầu của đương sự, và trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì Tòa án mới thu thập) mà luật tố tụng quy định phải có yêu cầu của đương sự, hoặc áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, dẫn đến quyết định của bản án chưa có cơ sở vững chắc.

(còn nữa)

Duy Kiên