Quy định về giám định hàm lượng chất ma túy: Đảm bảo công bằng và quyền con người
Tòa án - Ngày đăng : 05:00, 22/11/2014
Quy định tiến bộ
Ngày 17/9/2014, TANDTC đã ban hành Công văn số 234 quy định trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Kể từ đó, tòa án các địa phương đã đồng loạt trả hồ sơ các vụ án ma túy chưa giám định hàm lượng để yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục.
Trong một số hội nghị chuyên đề về án ma túy, đại diện công an, VKS các địa phương đã có ý kiến nêu khó khăn là cả nước hiện chỉ có Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) có mẫu chuẩn để thực hiện việc giám định hàm lượng. Bây giờ án ma túy của cả nước đổ dồn về đó sẽ dẫn đến tình trạng xếp hàng chờ giám định, gây ách tắc, tồn đọng, chưa kể cán bộ các nơi còn phải tốn kém chi phí, thời gian mang tang vật ra Hà Nội giám định…
TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) ủng hộ quy định mới của TANDTC. Về mặt lý luận, người phạm tội chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà pháp luật đã cấm. Theo nghĩa đó nếu người phạm tội mua bán ma túy thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với số lượng ma túy họ đã mua bán, tàng trữ… Các chất khác không phải là ma túy lẫn trong trọng lượng ma túy đã được mua bán, tàng trữ… cần phải được bóc tách ra và người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các chất không phải là ma túy này.
Phiên tòa xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy
Theo TS Hưng, có thể trước đây do điều kiện khó khăn mà chúng ta chấp nhận việc xử lý tội phạm ma túy theo kiểu “cân bao nhiêu xử bấy nhiêu”. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã, đang và sẽ tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền của bị can, bị cáo. Do vậy việc xử lý tội phạm ngày càng đòi hỏi phải chính xác và công bằng. Ông Hưng cho rằng quy định trong Công văn 234 là tiến bộ trong tố tụng hình sự. Mặc dù trước mắt hoạt động điều tra, truy tố của cơ quan điều tra, VKS sẽ gặp khó khăn nhưng các khó khăn này chủ yếu là do thiếu trang bị khoa học kỹ thuật, hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách đầu tư máy móc, mẫu chuẩn.
Một số luật gia cho rằng, quyền được xét xử đúng người, đúng tội là quyền tối thượng của bị can, bị cáo và được pháp luật bảo vệ. Vi phạm của bị can, bị cáo tới đâu thì xử lý đến đó, không thể vi phạm một mà chúng ta bắt họ phải chịu sự trừng phạt mười. Đúng ra chúng ta phải làm việc này từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ mới thực hiện. Chưa có máy, chưa có mẫu chuẩn thì phải đầu tư mua sắm, không thể chỉ vì vậy mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đi ngược lại xu hướng tiến bộ.
Khắc phục từng bước
Ách tắc án ma túy là có thực, tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không giám định hàm lượng mà cứ xử theo trọng lượng tang vật thì có thể dẫn đến làm oan. Dù có khó khăn trước mắt thì tinh thần chung là phải khắc phục từng bước, cùng với sự phối hợp đồng bộ giải quyết của các ngành liên quan thì vấn đề dần dần sẽ được tháo gỡ.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý với Công an TP là làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an đề nghị cho phép TP Đà Nẵng mua máy và mẫu chuẩn để giám định hàm lượng ma túy. “Dù bỏ ra mấy tỉ đồng TP Đà Nẵng cũng sẽ sẵn sàng mua một cái máy như vậy để phục vụ công tác giám định chất ma túy cho TP và có thể cả khu vực miền Trung. Nếu Công an TP Đà Nẵng không thể mua được mẫu chuẩn của Liên Hiệp Quốc thì TP sẵn sàng hỗ trợ thêm tiền để nhờ các đơn vị có thẩm quyền đi mua giùm” - ông Thơ khẳng định.
Theo ông Thơ, nếu cứ để một mình Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thực hiện việc giám định hàm lượng ma túy thì các địa phương sẽ phải chạy ra chạy vào rất tốn kém, làm thời gian giải quyết án bị kéo dài. Ở TP Đà Nẵng cần phải có máy, mẫu chuẩn để khi bắt được đối tượng buôn bán ma túy thì cơ quan chức năng giám định và xử lý ngay cho kịp thời. Khi có máy, có mẫu chuẩn thì cứ thực hiện theo Công văn 234 để xử lý hình sự cho chính xác.