Nỗ lực khắc phục án quá hạn tại Tòa án các cấp (kỳ 1)

Tòa án - Ngày đăng : 05:00, 09/11/2014

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo TANDTC và sự cố gắng nỗ lực của cán bộ công chức TAND các cấp nên công tác xét xử giải quyết các loại án đã có hiệu quả, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên số lượng án các loại liên tục gia tăng đều hàng năm nhưng lực lượng cán bộ hạn hẹp, cùng với nhiều nguyên nhân khách quan đã dẫn đến tình trạng án quá hạn luật định vẫn còn. 

Dưới đây, chúng tôi xin nêu ra những nguyên nhân cơ bản và những biện pháp khắc phục tình trạng án quá hạn.

Bài 1: Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng án quá hạn.

Lượng án liên tục tăng đều đặn, năm sau nhiều hơn năm trước; số lượng cán bộ có hạn, cá biệt còn có tình trạng cán bộ chưa nỗ lực giải quyết triệt để; đương sự bất hợp tác, không thực hiện nghĩa vụ; thiếu sự phối hợp của cơ quan hữu quan… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng án quá hạn ở các cấp Tòa án.

Nỗ lực khắc phục án quá hạn tại Tòa án các cấp (kỳ 1)

Một phiên tòa hình sự ở TAND Tp. Đà Nẵng

Nhiều nguyên nhân khách quan

Thực tế giải quyết của hệ thống Tòa án những năm qua cho thấy số lượng án các loại phải giải quyết hàng năm cao. Chẳng hạn, theo Báo cáo của TANDTC, riêng năm 2012 (số liệu tính từ 1/10/2011 đến 30/9/2012), tổng số các loại vụ án mà Tòa án các cấp thụ lý, xét xử là 332.868 vụ (tăng 33.559 vụ so với năm 2011). Tính chất các vụ án ngày càng phức tạp trong khi biên chế Thẩm phán ở các Tòa án còn thiếu, số lượng các vụ án phải giải quyết trung bình hàng năm ngày càng nhiều, dẫn đến tiến độ giải quyết các vụ án còn chậm. Phần lớn các vụ án quá hạn theo quy định của pháp luật là thuộc lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh tế. Trung bình mỗi năm, TANDTC đã giải quyết khoảng 4.500 đơn (vụ)/10.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

 Các đương sự (chủ yếu là bị đơn) không hợp tác, không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, không chấp hành giấy triệu tập, không nhận các văn bản tố tụng của Tòa án; không cung cấp họ tên, địa chỉ của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không có mặt khi đo đạc, định giá, có nhiều trường hợp cản trở khi Tòa án đến định giá…

 Nhiều vụ án dân sự bị hủy, khi thụ lý lại để giải quyết thì bản án trước đã thi hành xong, hoặc có trường hợp người tham gia tố tụng đã chết; những vụ án có nhiều người tham gia tố tụng lại ở nhiều địa phương khác nhau nên việc triệu tập đương sự, việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Có những vụ án trong quá trình Tòa án giải quyết thì nguyên đơn đề nghị thay đổi, bổ sung nội dung đơn khởi kiện nên phải thụ lý lại đối với các yêu cầu bổ sung của họ; nhiều trường hợp về yêu cầu bổ sung nội dung đơn khởi kiện; bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu phản tố nhưng họ không chịu nộp dự phí án phí. Nhiều trường hợp các đương sự cố tình gửi đơn khiếu nại nhiều nơi nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

 Việc thu thập chứng cứ ở các địa phương khác nhau và thu thập chứng cứ tại các cơ quan chức năng còn khó khăn, chưa có sự phối hợp đồng bộ. Đặc biệt các vụ án dân sự do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết phần lớn việc tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ đối với đương sự ở nước ngoài đều cần thực hiện ủy thác tư pháp nhưng việc thực hiện ủy thác gặp rất nhiều khó khăn.

Tòa án phải chờ trả lời của các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trong đó chờ trả lời của Ủy ban nhân dân các cấp liên quan đến vụ án tranh chấp đất đai (nhiều Ủy ban nhân dân huyện từ chối trả lời yêu cầu của Tòa án…), chờ hòa giải ở phường, xã…, chờ trả lời của cơ quan  chuyên môn như tài nguyên môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất…, hoặc chờ kết quả giám định…Đồng thời việc xác minh tài liệu chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn do công tác quản lý đất đai trước đây còn nhiều thiếu sót.

Phần nhiều các vụ án quá hạn phải chờ kết quả đo đạc, định giá; các cơ quan liên quan như Tài chính, Tài nguyên môi trường biên chế ít, công việc nhiều nên thời gian thực hiện kéo dài gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Văn bản áp dụng cần để giải quyết rất nhiều lại thường xuyên thay đổi, bổ sung nhất là các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật; nhiều luật ban hành từ nhiều năm nhưng không được hướng dẫn, cụ thể hóa; nhiều khó khăn, vướng mắc trong áp dụng luật nhưng chậm được các ngành chức năng giải đáp… dẫn đến việc áp dụng pháp luật ở một số nơi, một số trường hợp chưa thống nhất.

Trong lĩnh vực giải quyết án hành chính đã tồn tại quá nhiều khó khăn mà Tòa án các cấp phải đối mặt. Thực tế, UBND các cấp còn chậm trong việc hợp tác giải quyết vụ án. Khi Tòa án có thông báo thụ lý vụ án, yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng phía UBND thường chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ. Nhiều trường hợp Chủ tịch UBND khi tham gia tố tụng ủy quyền cho cán bộ tham gia tố tụng, nhưng họ có đơn xin xử vắng mặt nên gây khó khăn cho việc tranh tụng, đánh gia chứng cứ, tổ chức đối thoại, dẫn đến quá trình giải quyết vụ án của Tòa án bị kéo dài.

Việc thu thập chứng cứ giải quyết vụ án nhiều trường hợp phần lớn phụ thuộc vào việc hợp tác của các cơ quan liên quan.

Do người khởi kiện cùng một lúc khởi kiện nhiều quyết định hành chính nên gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ, có trường hợp người bị kiện liên tục sửa đổi lại các quyết định hành chính, người khởi kiện tiếp tục khởi kiện bổ sung nên vụ việc kéo dài, phức tạp.

Còn những bất cập chủ quan

Do số lượng án giải quyết nhiều, Thẩm phán được phân công giải quyết chọn lựa những vụ đơn giản giải quyết trước, chạy theo chỉ tiêu mà không tập trung giải quyết các vụ án phức tạp ngay từ đầu. Những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc thu thập chứng cứ khó khăn nên tâm lý Thẩm phán giải quyết còn e ngại vì nếu đưa ra xét xử có khả năng bị Tòa án cấp trên hủy, sửa án ảnh hưởng đến thi đua, tái bổ nhiệm Thẩm phán. Và, còn tư tưởng ngại xét xử những vụ án khó, phức tạp đặc biệt là án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán và Thư ký chưa xây dựng được một kế hoạch làm việc chủ động, hợp lý, khoa học, còn bị phụ thuộc một số tình huống khách quan xuất phát từ phía các đương sự, các cơ quan tham gia tố tụng khác. Có trường hợp Thẩm phán chưa thực hiện nghiêm Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc chưa tích cực tìm các giải pháp để giải quyết án còn tồn đọng, cũng không chủ động báo cáo Thủ trưởng đơn vị để xem xét chỉ đạo tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 Vai trò quản lý điều hành của người đứng đầu đơn vị chưa thật tốt, nhất là ở Tòa án cấp quận, huyện có án tồn đọng nhiều. Họ chưa tìm ra kế hoạch, biện pháp cụ thể để giải quyết án tồn đọng đôi khi còn thiếu đôn đốc, kiểm tra, chưa chỉ đạo quyết liệt để khắc phục triệt để án quá hạn. Những vụ án có tính chất phức tạp, việc trả lời các vướng mắc nghiệp vụ của Tòa án cấp trên còn chậm, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số Thẩm phán còn hạn chế nên mất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu dẫn đến án quá hạn. Mặt khác, tinh thần trách nhiệm của một số Thẩm phán, Thư ký được giao giải quyết các vụ, việc chưa cao, ỷ lại chờ lãnh đạo cho ý kiến.

Đối với những vụ án hành chính: Kinh nghiệm giải quyết án hành chính của Thẩm phán chưa nhiều, một số Thẩm phán mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm giải quyết nên còn chần chừ, kéo dài; Một số vụ án tương đối nhạy cảm, đặc biệt là những vụ án có liên quan đến UBND các cấp, các cơ quan ban ngành… Các Thẩm phán ngại va chạm nên chậm trễ trong việc đưa vụ án ra xét xử. 

Kỳ sau: Các giải pháp khắc phục tình trạng án qúa hạn và những kiến nghị

 

Lê Hoài Nam