Một số điều cần biết về án lệ
Tòa án - Ngày đăng : 08:19, 16/10/2014
Do đó, có thể nói, phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay, dù là thuộc hệ thống luật thông pháp hay hệ thống luật dân sự đều sử dụng án lệ.
Án lệ trong hệ thống luật thông pháp
Luật thông pháp (Common Law) là một thuật ngữ được dùng để chỉ hệ thống pháp luật bắt nguồn từ nước Anh. Thời điểm bắt đầu hình thành hệ thống luật thông pháp được xác định là năm 1066. Lúc đầu, luật thông pháp được dùng để chỉ luật được áp dụng trong cả nước, phân biệt với luật địa phương chỉ được áp dụng trong một vùng. Về sau, thuật ngữ luật thông pháp được hiểu là để chỉ loại luật do Tòa án “làm ra”. Sở dĩ trong hệ thống luật thông pháp, vai trò làm luật của Thẩm phán được thừa nhận là bởi những nguyên nhân về lịch sử và yêu cầu thực tiễn.
Yếu tố lịch sử thể hiện, ngay từ ban đầu, các Thẩm phán Tòa án Nhà Vua ở Anh đã phải tập hợp các luật tục để áp dụng chung trong cả nước (xây dựng và phát triển luật thông pháp). Trong khi đó, Nghị viện mới bắt đầu hình thành từ thế kỷ XIII và chỉ sau cuộc cách mạng tư sản năm 1688, Nghị viện ở Anh mới chính thức có chức năng lập pháp. Như vậy, vai trò làm luật của Thẩm phán đã có từ trước khi Nghị viện hình thành và có chức năng lập pháp. Nhưng điều quan trọng là các Thẩm phán ở Anh được coi là lực lượng tiến bộ, luôn bảo vệ lợi ích của cá nhân công dân, chống lại sự lạm quyền của lãnh đạo chính quyền, chống lại sự phân quyền cát cứ phong kiến, ủng hộ sự tập trung quyền lực của Chính phủ. Do đó, họ không phải là đối tượng của cách mạng tư sản, không bị tước bỏ vai trò xây dựng và phát triển thông luật. Đồng thời, nó cũng xuất phát từ thực tiễn, xã hội luôn phát triển với những mối quan hệ ngày càng đa dạng và phức tạp nên các văn bản luật dù được soạn thảo công phu đến đâu cũng không bao hàm hết, cũng như không phải đều được hiểu một cách thống nhất.
Một buổi hội thảo về án lệ
Tuy nhiên, không phải tất cả các Tòa án đều có vai trò làm luật, chỉ có Tòa án cấp cao nhất mới có vai trò này. Tòa án làm luật thông qua các án lệ của mình. Án lệ được coi là nguồn của luật. Cũng cần nói rằng, đôi khi đã có sự ngộ nhận khi nói rằng hệ thống luật thông pháp là hệ thống luật không thành văn theo nghĩa là không có các bộ luật mà chỉ chủ yếu dựa trên án lệ; còn hệ thống luật dân sự là hệ thống luật thành văn theo nghĩa là chỉ gồm các đạo luật mà không dựa vào án lệ. Án lệ có giá trị pháp lý thấp hơn luật và khi mâu thuẫn với luật thì phải chấp hành luật chứ không phải là án lệ. Những nước theo hệ thống luật thông pháp hiện nay ngoài Anh có thể kể đến Mỹ, Úc, Ca-na-đa, Niu Di-lân… thì phạm vi làm luật của Tòa án được giới hạn như sau: Tòa án chỉ được đưa ra những quy định mới, những nguyên tắc pháp luật thông qua vụ án cụ thể do Tòa án xét xử và chỉ được áp dụng đối với những vụ án tương tự xảy ra trong tương lai. Còn luật do Quốc hội ban hành thì có phạm vi rộng khắp được áp dụng đối với tất cả mọi người kể từ khi luật có hiệu lực.
Như vậy, phạm vi làm luật của Tòa án như nêu trên, thực chất chỉ là sự giải thích pháp luật. Một nguyên tắc được thừa nhận trong hệ thống luật thông pháp là: “Chức năng của cơ quan lập pháp là xây dựng pháp luật, chức năng của cơ quan hành pháp là thực thi luật pháp và chức năng của cơ quan tư pháp là giải thích và bảo đảm tuân thủ luật pháp”.
Án lệ trong hệ thống luật dân sự
Luật dân sự (Civil Law) là một thuật ngữ để chỉ hệ thống pháp luật bắt nguồn từ La Mã. Thời điểm phát sinh hệ thống pháp luật này là khoảng năm 450 trước công nguyên. Trước đó, vào thế kỷ VI trước công nguyên, luật La Mã đã được tập hợp và pháp điển hóa, trong đó bộ phận quan trọng nhất là “Luật dân sự La Mã” bao gồm các quy định về con người, về tài sản, về nghĩa vụ và hợp đồng. Luật dân sự được coi là nội dung cơ bản của hệ thống pháp luật, do đó, “Luật dân sự” được sử dụng để nói đến hệ thống pháp luật tổng thể bắt nguồn từ châu Âu lục địa.
Trong hệ thống luật dân sự, quyền hạn của Thẩm phán rất hạn chế. Thời kỳ đầu, Thẩm phán La Mã chỉ là người chủ tọa việc giải quyết tranh chấp theo công thức do người khác cung cấp cho. Đến thời Hoàng đế La Mã, với việc luật pháp đã được pháp điển hóa dưới sự chủ trì trực tiếp của Hoàng đế, Thẩm phán chỉ đơn thuần là “áp dụng ý chí” của Hoàng đế. Trong thời phong kiến, quyền hạn của Thẩm phán được “nới lỏng” hơn, họ cũng giải thích pháp luật, “sáng tạo ra pháp luật” như Thẩm phán trong hệ thống luật thông pháp. Tuy nhiên, các Thẩm phán lại là những quý tộc nên họ ủng hộ chế độ phong kiến, những luật pháp do họ “làm ra” đi ngược lại lợi ích của nông dân, giai cấp vô sản và giai cấp trung lưu. Do đó, trong tác phẩm Tinh thần pháp luật của Montesquieu xuất bản năm 1748 và tác phẩm Khế ước xã hội của Rousseau xuất bản năm 1762, các tác giả đã đưa ra tư tưởng tam quyền phân lập, trong đó quyền lực nhà nước cần phải được phân chia rõ ràng, quyền lực tư pháp không được áp đặt lên quyền lập pháp và quyền hành pháp. Sau cách mạng tư sản Pháp (1789-1794), cùng với việc nhấn mạnh tư tưởng tam quyền phân lập, quyền hạn của Tòa án đã bị hạn chế một cách nặng nề. Khi xét xử, Thẩm phán chỉ có thể tìm những điều luật thích hợp áp dụng cho vụ án.
Sau đó, để ngăn chặn Thẩm phán làm luật, lần lượt các quốc gia Pháp, Đức.v.v… đã ban hành những Bộ luật Dân sự đồ sộ gồm trên vài ngàn điều luật, với mục tiêu bao hàm mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội và để bất cứ một người bình thường nào khi đọc đều có thể hiểu được. Thẩm phán chỉ là một bộ luật biết nói, bản án không phải là nguồn luật. Trong hệ thống luật dân sự, nguồn của luật bao gồm: Luật do Quốc hội ban hành, các văn bản dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành, những tập quán được Nhà nước thừa nhận. Cơ quan lập pháp đảm nhận chức năng giải thích pháp luật. Hiện nay, thì Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga... là những nước áp dụng hệ thống Civil Law.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, dù nỗ lực soạn thảo luật một cách chi tiết thì luật cũng không thể dự kiến hết các sự việc pháp sinh trong đời sống xã hội ngày càng trở nên phức tạp và cũng không tránh khỏi những cách hiểu khác nhau về các điều luật. Trong khi đó Tòa án không có quyền giải thích luật, vì như vậy được cho là đã tham gia vào quá trình làm luật. Toàn bộ những vấn đề chưa rõ ý nghĩa của điều luật đều được gửi đến cơ quan lập pháp yêu cầu giải thích. Những yêu cầu giải thích luật từ Tòa án ngày càng tăng lên, cơ quan lập pháp đã phải lập ra một “Cơ quan phá án” (không phải là Tòa án) để giải thích luật và hủy bỏ những bản án áp dụng luật sai.
Về sau, cơ quan này trở thành một bộ phận trong hệ thống Tòa án, được gọi là Tòa phá án (Tòa phá án tối cao, có lúc chúng ta còn gọi là Tòa án tối cao). Tòa phá án giải thích pháp luật và hủy những bản án áp dụng sai pháp luật để Tòa án cấp dưới xét xử lại vụ án. Việc Tòa phá án không giải quyết ngay vụ án mà chuyển cho Tòa án cấp dưới xét xử lại, theo quan điểm của các luật gia trong hệ thống luật thông pháp là một việc lãng phí nguồn lực và làm kéo dài thời gian tố tụng. Quyết định của Tòa phá án được coi là án lệ, nhưng Tòa án cấp dưới không bắt buộc phải tuân theo. Tuy nhiên, trên thực tế các Tòa án cấp dưới đều tuân theo phán quyết của Tòa phá án để tránh “nguy cơ” tiếp tục bị hủy án. Thực trạng này có thể coi án lệ là một “nguồn luật thực tế”.
Án lệ đã từng được sử dụng tại Việt Nam
Ngày 30/6/1955, tại Thông tư số 19-VHH của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật lệ có quy định: “Nếu chỉ có luật hình cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét cần trừng phạt thì cũng không viện dẫn luật hình cũ, Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng sự việc, vào án lệ”.
Cũng tại Thông tư số 92-TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp - TANDTC giải thích và quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của các TAND phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh đã chỉ rõ: “TAND phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các TAND cấp dưới thông qua án lệ của mình”. Tiếp đó, cuốn Tập san Tư pháp (nay là Tạp chí TAND) số 3 năm 1964, trong mục “Thuật ngữ luật học” có giải thích: “Án lệ là một danh từ cũ đã được dùng từ thời Pháp thuộc. Án lệ là những quy tắc do các Tòa án trong khi vận dụng pháp luật để xét xử các vụ án cụ thể đã hình thành dần dần bằng cách hiểu và có thái độ giải quyết giống nhau một số điểm pháp lý, áp dụng luật một cách giống nhau trong nhiều vụ án”...
Như vậy, sau Cách mạng tháng 8/1945, Tòa án của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do ảnh hưởng truyền thống pháp luật của Pháp, vẫn sử dụng án lệ nhưng sau đó (không rõ chính xác thời điểm và lý do) đã không sử dụng án lệ nữa.