Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ cuối)
Tòa án - Ngày đăng : 06:45, 13/10/2014
Bài viết này đưa ra những phân tích và kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam.
II. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ
1. QUY CHẾ BỔ NHIỆM THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO HIỆN HÀNH TẠI VIỆT NAM
Ứng cử viên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tuyển chọn thông qua Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TANDTC (Điều 24 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân). Hội đồng này bao gồm Chủ tịch là Chánh án TANDTC, các thành viên là đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam (khoản 1 Điều 26 PLTPVHTTAND). Danh sách thành viên Hội đồng do Chánh án TANDTC đề xuât và phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Hội đồng có chức năng tuyển chọn và đề xuất người có đủ điều kiện làm Thẩm phán TANDTC và Tòa án quân sự Trung ương theo đề nghị của Chánh án TANDTC để trình Chủ tịch nước bổ nhiệm. Cơ quan giúp việc cho Hội đồng là Vụ Tổ chức-Cán bộ TANDTC (Điều 3, Quyết định số 16/2003/TCCB ngày 17-02-2003 của Chánh án TANDTC).
Tiêu chuẩn chung để được bổ nhiệm làm Thẩm phán được cụ thể hóa tại khoản 1, Điều 5 PLTPVHTTAND và Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-TANDTC-BQP-BNV ngày 20-10-2011. Có thể phân chia thành nhóm tiêu chí về phẩm chất, bao gồm: (i) trình độ chuyên môn: tốt nghiệp đại học luật và được đào tạo nghiệp vụ xét xử, kinh nghiệm công tác thực tiễn, năng lực xét xử; và nhóm tiêu chí về nhân thân: công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm chính và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, đủ sức khỏe.
Quy trình tuyển chọn gồm các bước chuẩn bị nhân sự, đánh giá qua phiên họp Hội đồng tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm (TTLT 01).
2. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ
a. Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng
Có thể thấy tất cả các thiết chế đều đánh giá rất cao vị trí và vai trò của Thẩm phán trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là Thẩm phán Tòa án tối cao. Mặc dù không công khai thừa nhận, nhưng thực tế việc bổ nhiệm Thẩm phán đều có tiêu chuẩn chính trị và theo xu hướng của Đảng cầm quyền. Như vậy, có thể khẳng định rằng không có việc phi chính trị hóa các Tòa án trên thế giới.
TANDTC xét xử phúc thẩm vụ án mua bán 32.000 bánh heroin tại Quảng Ninh (Ảnh minh họa)
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhấn mạnh trong Điều 4, Hiến pháp 2013. Theo định hướng hiện tại của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Thẩm phán TANDTC đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc gia, trong xây dựng và bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người. Họ phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có thái độ kiên quyết đấu tranh với những người, những hành vi gây phương hại đến Đảng, đến Tổ quốc và nhân dân, bảo vệ công lý. Do vậy, việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong qui trình tuyển chọn, bổ nhiệm, đánh giá Thẩm phán TANDTC là hết sức cần thiết.
b. Số lượng Thẩm phán Tòa án tối cao
Hiện tại, TANDTC được biên chế 120 Thẩm phán. Với những dự kiến thay đổi cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân theo tinh thần Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), theo đó TANDTC tập trung vào nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, phán triển án lệ…; thành lập các Tòa án cấp cao khu vực, kết hợp với định hướng sửa đổi các bộ luật tố tụng hiện hành, có thể thấy số lượng Thẩm phán TANDTC là từ 13-17 người là phù hợp.
c. Về tiêu chuẩn Thẩm phán TANDTC
Mặc dù có những khác biệt nhất định về tiêu chuẩn nhân thân và tiêu chuẩn phẩm chất, có thể thấy khuynh hướng chung trên toàn thế giới là bổ nhiệm dựa trên năng lực. Việt Nam giống mô hình của các nước theo truyền thống dân luật ở chỗ ứng cử viên Thẩm phán phải đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo nghiệp vụ xét xử. Các Thẩm phán Việt Nam đa số đều đã tốt nghiệp đại học luật. Đây là yếu tố tiền đề bảo đảm chất lượng của Thẩm phán khi được bổ nhiệm lần đầu.
Đối với ứng cử viên Thẩm phán TANDTC, việc đánh giá thường xuyên kết quả hoạt động của họ một cách rõ ràng, hợp lý cần phải được tiến hành một cách cẩn trọng nhằm bảo đảm chất lượng khâu tuyển chọn.
d. Đề xuất ứng cử viên Thẩm phán Tòa án tối cao
- Ở nhiều nước, quyền đề xuất ứng cử viên Thẩm phán Tòa án tối cao được trao cho Chánh án Tòa án tối cao (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Hungary) hoặc Tòa án tối cao (Nhật Bản);
- Ở những nước mà Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán được quyền đề xuất, vai trò của Tòa án trong Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán rất lớn. Điều này được thể hiện ở chỗ thành viên đại diện cho Tòa án chiếm tỷ lệ đáng kể trong thành viên Hội đồng (Pháp: 5/12, Hàn Quốc: 3/6 hoặc 5/8, Úc: 3/4)*. Cấu trúc này dựa trên cơ sở là chính các Thẩm phán là người đánh giá năng lực của ứng cử viên Thẩm phán tốt nhất, chính xác nhất. Tỷ lệ đại diện Tòa án cao giúp tránh được tình trạng bỏ sót những ứng cử viên đáng giá do không đánh giá đầy đủ, chính xác năng lực của họ. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này từ quốc tế.
- Quy trình bổ nhiệm Thẩm phán ở các nước có những điểm khác biệt như đã phân tích. Tuy nhiên, các thể chế đều đánh giá vị trí của Thẩm phán rất cao, nhất là vị trí đặc biệt của Thẩm phán Tòa án tối cao, dù công khai hay không công khai thừa nhận nhưng thực tế việc bổ nhiệm Thẩm phán đều có tiêu chuẩn chính trị và theo xu hướng Đảng cầm quyền hoặc người đứng đầu quốc gia. Đối với Thẩm phán Tòa án tối cao, các nước đều có quy trình bổ nhiệm rất chặt chẽ, do Quốc hội phê chuẩn, được nguyên thủ quốc gia hay nhà vua bổ nhiệm. Ở một số nước, có quy trình thông qua Thượng nghị viện, ứng cử viên Thẩm phán tối cao phải điều trần (từng ứng cử viên Thẩm phán Tòa án tối cao phải điều trần). Điểm này là chế định khác biệt với thể chế chính trị nước ta, do Hiến pháp năm 2013 sửa đổi đã quy định rằng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giới thiệu, Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Vì vậy, quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thể tiến hành theo các bước sau: Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch, có nhiệm vụ tuyển chọn, đề xuất các ứng cử viên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; danh sách các nhân sự đề xuất được Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia thông qua cơ quan có thẩm quyền quản lý nhân sự của Đảng, sau đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn; căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm.
e. Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án tối cao
Phần lớn các quốc gia, kể cả Trung Quốc, Thẩm phán Tòa án tối cao được bổ nhiệm một lần đến tuổi nghỉ hưu. Những Thẩm phán đã nghỉ hưu vẫn có thể được mời tham gia xét xử (như ở Liên bang Nga) hoặc làm Thẩm phán bán thời gian như ở Úc, Canada, Pháp... Những ứng cử viên Thẩm phán Tòa án tối cao phải là những người có năng lực tốt, có uy tín cao trong xã hội, có nhiều kinh nghiệm công tác và được các thế lực cầm quyền ủng hộ. Thông thường, họ được bổ nhiệm vào chức vụ này ở độ tuổi 50. Với cơ chế đánh giá và giám sát hoạt động của họ rất chặt chẽ, vì vậy việc tái bổ nhiệm sau mỗi nhiệm kỳ ngắn là không cần thiết và có thể gây ra những tác động bất lợi ảnh hưởng đến sự độc lập xét xử của họ.
Thêm vào đó, Thẩm phán là nghề đặc thù, yêu cầu phải được đào tạo bài bản, công phu, phải liên tục tích lũy những kiến thức và kỹ năng thực tiễn chuyên môn sâu qua quá trình công tác trước khi được xem xét bổ nhiệm. Các Thẩm phán Tòa án tối cao thường được bổ nhiệm vào chức danh này ở độ tuổi tương đối cao. Vì vậy, không nên áp dụng tuổi hưu như công chức hành chính cho các Thẩm phán Tòa án tối cao, bởi vì nếu làm như vậy, thời gian cống hiến của họ không được nhiều. Trong khi sức khỏe thể lực và trí lực của họ còn bảo đảm, việc để họ nghỉ hưu sớm có thể gây lãng phí nguồn lực trí tuệ quý mà bản thân họ và cả hệ thống Tòa án dầy công tích lũy. Vì vậy ở nước ta cũng nên áp dụng chế định bổ nhiệm suốt đời và quy định độ tuổi nghỉ hưu là từ 65 đến 70 đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là phù hợp.
f. Chức danh thủ trưởng Cơ quan quản lý Tòa án
Tham khảo mô hình tổ chức của nhiều hệ thống Tòa án trên thế giới, có thể thấy một điểm khác biệt quan trọng là khác với các mô hình trước đây theo đó hệ thống Tòa án cấp dưới thuộc thẩm quyền quản lý hành chính của Bộ Tư pháp, ngày nay, mô hình quản lý hành chính Tòa án thường theo hai phương án: (i) do Tòa án tối cao quản lý toàn bộ; hoặc (ii) việc quản lý hành chính Tòa án được giao cho một cơ quan độc lập tương đối trực thuộc hoặc bên cạnh Tòa án. Mô hình này nhằm mục tiêu tập trung công tác quản lý hành chính trong tổ chức và hoạt động của Tòa án vào một cơ quan tương đối độc lập với Chính phủ và cơ quan lập pháp. Làm như vậy có thể bảo đảm được sự độc lập tương đối của Tòa án, cũng như tiết kiệm nguồn lực tư pháp để sử dụng vào những công tác chuyên môn quan trọng hơn, đồng thời tăng cường chất lượng quản lý hành chính các Tòa án.
Theo mô hình này, công tác quản lý hành chính Tòa án thường được giao cho một cơ quan chuyên biệt (Bộ quản lý hành chính Tòa án Hàn Quốc) thuộc Tòa án tối cao, hoặc cho một cơ quan tương đối độc lập (Tổng cục quản lý hành chính Tòa án Nga do một Tổng cục trưởng đứng đầu và chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án tối cao). Nhiệm vụ chính của cơ quan này là chịu trách nhiệm quản lý các công tác hành chính (phi tố tụng như nhân sự về công chức hành chính, kinh phí, cơ sở vật chất…) một cách chuyên môn, nhằm phục vụ hiệu quả công tác xét xử của Tòa án và các Thẩm phán chuyên nghiệp. Như vậy, người lãnh đạo cơ quan này (Bộ trưởng Bộ quản lý Tòa án Hàn Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý Tòa án Nga, hay Chủ tịch Văn phòng Tòa án tối cao) có địa vị rất quan trọng, được pháp luật quy định tương đương với Bộ trưởng, bởi lẽ người giữ chức vụ này chịu trách nhiệm lớn là bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách, điều kiện làm việc, môi trường hoạt động cho toàn bộ hệ thống Tòa án trên toàn quốc, đặc biệt là phục vụ và hỗ trợ trực tiếp cho công tác xét xử, bảo đảm rằng công việc xét xử tại Tòa án tất cả các cấp diễn ra suôn sẻ, thông suốt.
Phương hướng sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân của chúng ta cũng theo hướng này. Dựa trên bản chất nhiệm vụ công việc, các Tòa án các cấp sẽ tập trung vào công tác xét xử, còn nhiệm vụ chăm lo công tác hành chính, cơ sở vật chất, nhân sự, đào tạo… được giao chuyên biệt cho một hệ thống cơ quan chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Với việc chuyên môn hóa này, các Thẩm phán và cán bộ Tòa án có chuyên môn luật có điều kiện tập trung toàn tâm, toàn lực vào công tác xét xử nhằm bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, đem công lý đến cho người dân, bởi vì họ không còn phải đầu tư quá nhiều thời gian và công sức vào công việc hành chính đơn thuần. Thêm vào đó, việc chuyên môn hóa này cũng nâng cao chất lượng quản lý hành chính Tòa án vì khi đó, công tác hành chính do những cán bộ được đào tạo chuyên môn tương ứng phụ trách; họ có kiến thức và trình độ chuyên môn phù hợp trong quản lý hành chính. Với chức năng, nhiệm vụ và trọng trách như vậy, người đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan quản lý hành chính Tòa án là rất quan trọng và cần xác định ngang hàng cấp Bộ trưởng, như trong quy định pháp luật của các nước (có thể phân công một Phó Chánh án không tham gia vào các Hội đồng xét xử giám đốc thẩm mà chỉ tham gia phiên họp toàn thể của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Điều 102, Hiến pháp 2013 đã khẳng định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện “quyền tư pháp”, với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để thực hiện những nhiệm vụ cao cả này, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cũng cần có những thay đổi cần thiết tương ứng. Qua nghiên cứu quy chế bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao tại một số nước lựa chọn theo các hệ thống pháp luật khác nhau, bài viết này đưa ra những phân tích và kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam theo hướng bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tinh gọn, hoàn thiện cơ chế đề xuất ứng cử viên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hỗ trợ công tác cải cách hành chính tư pháp trong hệ thống Tòa án thông qua việc bảo đảm vị trí, chức năng và vai trò của người đứng đầu, chịu trách nhiệm về quản lý hành chính tư pháp trong hệ thống Tòa án… phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra.
__________
* Ngoài ra, có thể tham khảo thêm: Ý: 21/33, Tây Ba Nha: 13/21, Bồ Đào Nha: 9/17. Bộ Tư pháp New Zealand, Bổ nhiệm Thẩm phán: Hội đồng bổ nhiệm tư pháp của New Zeland, tháng 4/2004.