Sự cần thiết phải xây dựng, áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử

Tòa án - Ngày đăng : 09:29, 12/09/2014

Có thể nói, phần lớn các quốc gia trên thế giới dù thuộc hệ thống luật thông pháp hay hệ thống luật dân sự đều sử dụng án lệ, tuy nhiên, hiệu lực của án lệ thuộc hai hệ thống này là khác nhau...

Ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC đã đưa ra một số quan điểm về vấn đề này. 

Án lệ và những điều đặt ra

Theo ông Ngô Cường, đối với những nước trong hệ thống luật thông pháp thì án lệ là nguồn luật, các Tòa án có nghĩa vụ phải tuân theo án lệ, án lệ được trích dẫn trong các bản án, được dùng làm căn cứ để kháng cáo bản án. Còn trong hệ thống luật dân sự thì án lệ không phải là nguồn luật, các Tòa án không có nghĩa vụ phải tuân theo án lệ, không được phép trích dẫn án lệ khi giải quyết vụ án, không được phép căn cứ vào án lệ để kháng cáo bản án. Tuy nhiên, các Tòa án thường vận dụng án lệ khi giải quyết những vụ án tương tự, do đó, đương nhiên án lệ trở thành nguồn luật thực tế.

Tại Việt Nam, việc sử dụng án lệ không phải là vấn đề mới, ngay từ năm 1955, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 19-VHH về việc áp dụng luật lệ, có nêu: “Nếu chỉ có luật hình cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét cần trừng phạt thì cũng không viện dẫn luật hình cũ, Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng sự việc, vào án lệ”. Tiếp đó, tại Chỉ thị số 772-TATC ngày 10/7/1959 của TANDTC về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc và phong kiến, cũng nêu: “Để xét xử các vụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành từ trước đến giờ (luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư…) đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, án lệ của các Tòa án, của Tòa án tối cao”...

Gần đây, các văn bản cao nhất của Đảng đã nhấn mạnh vấn đề này. Cụ thể,  tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã nêu: “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”. Tiếp đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tiếp tục cho rằng: “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ…”.

Sự cần thiết phải xây dựng, áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử

 Một buổi hội thảo về án lệ của TANDTC

Thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 đã ban hành Kế hoạch số 900/UBTVUQH11 ngày 21/3/2007, trong đó đặt ra nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng các tập án lệ”, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến năm 2012. Như vậy, vấn đề đặt ra là án lệ là gì? Vì sao chúng ta phải sử dụng án lệ và làm thế nào để xây dựng được các tập án lệ?

Thực tế còn tồn tại bất cập

Ông Ngô Cường cho rằng, việc áp dụng pháp luật thống nhất là một yêu cầu quan trọng đối với hoạt động xét xử của Tòa án, theo đó, đường lối xét xử phải là nhất quán, các vụ án giống nhau cần phải được giải quyết giống nhau. Hơn nữa, qua đó còn bảo đảm thực hiện nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”; không thể có trường hợp với cùng những tình tiết như nhau, mà trong vụ án này, bị cáo bị phạt tù (giam) còn ở vụ án khác bị cáo lại phạt tù (nhưng cho hưởng án treo)… Ở một mức độ nào đó, việc áp dụng pháp luật thống nhất còn giúp cho mọi người có thể dự đoán trước kết quả giải quyết vụ án, do đó, góp phần hạn chế kiện tụng, hạn chế khiếu nại giám đốc thẩm.

Theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức TAND thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật”. Việc hướng dẫn này thường được thực hiện bằng cách ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quy trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thường mất nhiều thời gian, hơn nữa, Nghị quyết cũng là một dạng văn bản QPPL nên khó có thể quy định chi tiết cho từng trường hợp cụ thể, cũng như bao quát hết các trường hợp chưa rõ ràng của pháp luật.

Ông Ngô Cường phân tích, chúng ta có thể thấy rất nhiều quy định của các bộ luật chưa được hiểu một cách thống nhất, một vài ví dụ dưới đây điển hình cho nhận định trên:

Thứ nhất, việc phân biệt tội “Giết người” (Điều 93 BLHS) với tội “Cố ý gây thương tích…” trong trường hợp “dẫn đến chết người” (khoản 3, Điều 104 BLHS), mặc dù đã có hướng dẫn của TANDTC nhưng việc phân biệt giữa hai tội này vẫn đang còn nhiều khó khăn. Và, ngay cả trong tội “Giết người”, việc xác định tình tiết “có tính chất côn đồ”, “vì động cơ đê hèn” (các điểm n, q, khoản 1, Điều 93 BLHS) cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Thứ hai, Điều 249 BLDS quy định“Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ…”. Vậy, như thế nào là tuyên bố công khai (trước bao nhiêu người hay đăng tin trên mấy số báo?…); và thực hiện hành vi chứng tỏ cụ thể là như thế nào?

Thứ ba, tại Điều 277 và Điều 299 BLTTDS quy định, một trong những lý do để hủy bản án là “việc chứng minh và thu thập chứng cứ chưa thực hiện đầy đủ”, vậy thế nào là chưa thực hiện đầy đủ (?), quy định này có mối quan hệ như thế nào với quy định tại khoản 1 Điều 5: “Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, yêu cầu của đương sự” và quy định tại khoản 1 Điều 79: “Đương sự phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình”.

Qua vài ví dụ nêu trên, có thể thấy, quan điểm cho rằng, ở Việt Nam việc sử dụng án lệ là không phù hợp vì pháp luật luôn được xây dựng, bổ sung kịp thời là một quan điểm không xác đáng. Rõ ràng là quy định tại các điều luật của các bộ luật luôn tạo ra những cách hiểu khác nhau, Hội đồng Thẩm phán TANDTC không thể ban hành đủ các Nghị quyết để lấp kín các khoảng trống đó, ông Ngô Cường khẳng định.

Về cách thức xây dựng án lệ

Theo quy định tại Điều 134 Hiến pháp thì “TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức TAND thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ, quyền hạn “hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật”. Theo đó, chỉ có Hội đồng Thẩm phán TANDTC mới có thẩm quyền xây dựng và ban hành án lệ.

Ông Ngô Cường lý giải, thông thường, ở các nước có sử dụng án lệ, khi xét xử, Tòa án cấp cao nhất có hai nhiệm vụ: Hủy các bản án có sai lầm và xây dựng án lệ. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ khăng khít với nhau, Tòa án cấp cao nhất không chỉ hủy bản án có sai lầm mà còn chỉ rõ quan điểm pháp lý, cách thức áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án. Do đó, nếu chỉ chú ý đến nhiệm vụ thứ nhất - hủy các bản án có sai lầm thì chỉ giải quyết được vụ án cụ thể mà không giúp cho Thẩm phán và mọi người nói chung hiểu được cách thức áp dụng đúng pháp luật, rất nhiều khả năng, sau đó Thẩm phán sẽ lặp lại sai lầm trong những vụ án tương tự.

Thực tế cho thấy, qua các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, dường như việc xét xử mới chỉ tập trung vào nhiệm vụ hủy các bản án có sai lầm (nói rộng hơn là chỉ chú ý vào việc giải quyết yêu cầu của kháng nghị). Vì vậy, để xây dựng án lệ thì việc xét xử nên chú trọng hơn vào nhiệm vụ thứ hai - xây dựng án lệ, ông Ngô Cường cho biết.

Cần chú trọng thể hiện quan điểm pháp lý

Theo ông Ngô Cường, để Quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ thì khi xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần chú trọng đến việc xây dựng án lệ chứ không chỉ đơn thuần hủy các bản án có sai lầm. Do đó, trong các Quyết định này phải chỉ ra được những quan điểm pháp lý chung để giải quyết vụ án và sẽ được áp dụng cho việc giải quyết những vụ án tương tự. Chỉ có như vậy, Quyết định giám đốc thẩm mới trở thành án lệ. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác là Quyết định giám đốc thẩm được coi là án lệ cần được công bố ngay và phổ biến một cách rộng rãi để mọi người biết.

Việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị để sử dụng án lệ ở nước ta là một yêu cầu nghiêm túc. Hơn nữa, việc sử dụng án lệ là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, bởi  theo quy định thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật có thể thực hiện thông qua việc ban hành Nghị quyết và cũng có thể thông qua án lệ của mình. “Căn cứ tình hình thực tế của đất nước,  theo tôi nên chọn mô hình án lệ thuộc hệ thống luật dân sự. Đồng thời, quan điểm pháp lý chung của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần phải viết một cách rõ ràng để mọi người có thể nhận biết được”, ông Ngô Cường nhấn mạnh.

Tống Toàn