TANDTC góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng pháp luật

Tòa án - Ngày đăng : 23:01, 01/09/2014

Nhiều năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, TANDTC đã góp phần không nhỏ vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh và hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác...

Nhiều thành tích đáng ghi nhận

Theo quy định tại Điều 19 của Luật Tổ chức TAND 2002 thì TANDTC có nhiệm vụ: Trình Quốc hội các dự án luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án pháp lệnh theo quy định của pháp luật, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật. Ngoài ra, việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử theo quy định hiện hành được thực hiện bằng hình thức ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hướng dẫn áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Chánh án TANDTC ban hành các văn bản chỉ đạo Tòa án các cấp về việc triển khai thi hành các quy định của luật, pháp lệnh cũng như các văn bản QPPL khác, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể thuộc thẩm quyền của Tòa án.

TANDTC góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng pháp luật

Xét xử nghiêm minh mọi loại tội phạm là nhiệm vụ của hệ thống Tòa án

Đồng thời, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, TANDTC còn có nhiệm vụ tham gia ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Tòa án; cho ý kiến đối với các văn bản QPPL khác (như các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư liên tịch do cơ quan khác chủ trì soạn thảo…). Trong quá trình thực thi các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; TANDTC cũng tiến hành rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật, các quy định, hướng dẫn bất cập, không còn phù hợp để chủ động xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, đề xuất liên ngành ban hành văn bản hướng dẫn hoặc kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh.

Từ năm 2002 đến tháng 6/2013, TANDTC đã chủ trì soạn thảo và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4 dự án luật, 9 dự án pháp lệnh. Các dự án luật, pháp lệnh do TANDTC trình đều bảo đảm tiến độ và chất lượng, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, góp phần quan trọng vào công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Tòa án nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Về công tác soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, từ năm 2002 đến tháng 6/2013, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 31 Nghị quyết. TANDTC cũng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và ban hành 13 thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính… Phối hợp với liên ngành tư pháp Trung ương xây dựng và ban hành 37 thông tư liên tịch; thực hiện 453 lượt công văn góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản QPPL; thường xuyên trao đổi về công tác áp dụng pháp luật với các Tòa án địa phương. Nhìn chung, các văn bản QPPL do TANDTC ban hành hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành đều bảo đảm chất lượng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo điều kiện cho Tòa án các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Với xu hướng các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án ngày càng mở rộng về loại vụ việc và tăng lên về số lượng, cùng với tình hình xây dựng và ban hành luật, pháp lệnh hiện nay thì yêu cầu đối với công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC trong công tác xét xử sẽ ngày càng nặng nề và cấp thiết hơn. 

TANDTC trong sứ mệnh mới

Cải cách tư pháp là một nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề cập một cách toàn diện đến những vấn đề cải cách liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nghị quyết này cũng đã xác định Tòa án giữ vai trò trung tâm của hệ thống tư pháp và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp.

 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) đã nâng nhiệm vụ cải cách tư pháp lên một bước cao hơn. Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp. Đổi mới hệ thống tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, mở rộng thẩm quyền xét xử đối với các khiếu kiện hành chính...”.

Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, đến nay, TANDTC đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng một số đề án quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống. Cùng với bản Hiến pháp mới, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện việc cải cách và nâng cao vị trí của hệ thống Tòa án trong bộ máy các cơ quan nhà nước.

Hiến pháp 2013 với nhiều quy định mới về vị trí, vai trò; về các nguyên tắc hoạt động của TAND… đã nâng cao và khẳng định tầm quan trọng của TAND, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Bằng việc quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1, Điều 102), Hiến pháp xác định cụ thể, rõ ràng vị trí, vai trò của TAND trong bộ máy cơ quan Nhà nước. TAND là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử; là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp theo quy định của pháp luật và về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3, Điều 104 Hiến pháp 2013 thì “TANDTC thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ tiếp tục được giao nhiệm vụ xây dựng và ban hành các Nghị quyết để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Bên cạnh đó, sắp tới, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua, trong đó quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm có tính chuẩn mực của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng thống nhất trong xét xử”. Đây là điểm mới quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.

Có thể nói rằng, Hiến pháp mới đã tạo ra vị thế mới, điều kiện mới bảo đảm cho tổ chức, hoạt động của TAND trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và thực hiện cải cách tư pháp trong giai đoạn phát triển mới ở Việt Nam. 

Tống Toàn