Dự án xây dựng BLTTDS: Sửa đổi toàn diện để phù hợp hơn với thực tiễn

Tòa án - Ngày đăng : 11:15, 13/08/2014

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, UBTVQH giao TANDTC là cơ quan chủ trì xây dựng BLTTDS (sửa đổi) và đã ban hành NQ 696/NQ-UBTVQH13 ngày 2/12/2013 về việc thành lập Ban soạn thảo BLTTDS (sửa đổi).

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình là Trưởng ban Ban soạn thảo; Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào là Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn là Ủy viên Ban soạn thảo. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo và Tổ biên tập còn có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC; Bộ Tài chính…

Để triển khai xây dựng BLTTDS (sửa đổi), TANDTC đã thành lập Tổ biên tập và chỉ đạo Viện Khoa học xét xử tổ chức thực hiện tổng kết việc thi hành BLTTDS; xây dựng Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập; nghiên cứu các Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc cải cách tư pháp. Đồng thời, TANDTC cũng rà soát các quy định của văn bản luật trong nước có liên quan; nghiên cứu pháp luật quốc tế, các Điều ước quốc tế về những nội dung có liên quan đến pháp luật TTDS. Hiện tại, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã xây dựng Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi), trong đó, nội dung đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.

Dự án xây dựng BLTTDS: Sửa đổi toàn diện để  phù hợp hơn với thực tiễn

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nêu những vấn đề cơ bản liên quan đến Dự án xây dựng BLTTDS (sửa đổi)

Phát biểu tại buổi họp Ban soạn thảo, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Hiện tại, TANDTC được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Tố tụng lao động, Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS và Dự án BLTTDS (sửa đổi). TANDTC nhận thấy, trong điều kiện sửa đổi toàn diện BLTTDS thì nên thu hút việc xây dựng Dự án Bộ luật Tố tụng lao động và Pháp lệnh thủ tục rút gọn trong TTDS vào Dự án BLTTDS (sửa đổi). Theo đó, cần xây dựng thủ tục rút gọn trong TTDS thành một phần riêng của BLTTDS, đồng thời, quy định cụ thể hơn những đặc thù của thủ tục tố tụng đối với những vụ việc lao động.

Về những vấn đề cơ bản liên quan đến Dự án xây dựng BLTTDS (sửa đổi), Chánh án Trương Hòa Bình yêu cầu Ban soạn thảo và Tổ Biên tập cần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó xây dựng BLTTDS (sửa đổi) phải cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng trong xét xử như quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham gia TTDS, trách nhiệm cung cấp chứng cứ, quyền, nghĩa vụ của đương sự, thủ tục tại phiên tòa. Ngoài ra, BLTTDS (sửa đổi) cần hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục giải quyết việc dân sự; sửa đổi, bổ sung một số chế định cụ thể như: cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; án phí, lệ phí và chi phí tố tụng, sự tham gia của Viện kiểm sát... Đặc biệt, việc xây dựng BLTTDS (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ thay thế BLTTDS hiện hành nên cần mở rộng thẩm quyền của Tòa án đối với việc giải quyết các vụ việc dân sự. Do đó, việc sửa đổi toàn diện BLTTDS trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết để phù hợp hơn với thực tiễn cũng như đáp ứng được đòi hỏi của quá trình cải cách tư pháp.

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án xây dựng BLTTDS (sửa đổi) thì từ nay đến tháng 8/2015, BLTTDS (sửa đổi) phải hoàn thiện. Vì vậy, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc thì mới kịp thời gian như kế hoạch đã đề ra.

Trần Quang Huy