Điểm sáng nơi cực Tây của Tổ quốc
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 09:33, 26/09/2019
Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với Thẩm phán Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên, xung quanh hoạt động của các đơn vị trong Tòa án hai cấp của tỉnh.
PV: Xin ông cho biết một cách khái quát nhất về các mặt công tác của TAND hai cấp tỉnh Điện Biên trong thời gian vừa qua?
Chánh án Phạm Văn Nam: Điện Biên cũng là tỉnh có đường biên giới dài, lên tới hơn 455km. Trong đó, đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712 km; với Trung Quốc là 40,86 km; có nhiều cửa khẩu, đường tắt, lối mở. Đây là điều kiện và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Mianma.
Bên cạnh những lợi thế đó, Điện Biên cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng như quốc phòng an ninh.
Đóng chân trên địa bàn như thế nên ngay từ đầu mỗi năm công tác, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh luôn quán triệt đến toàn thể công chức, người lao động trong Tòa án hai cấp nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là nhóm 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử; từng bước nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, trong đó chú trọng là việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác giải quyết, xét xử các loại án. Qua đó góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự của địa phương, tạo đà cho kinh tế, xã hội phát triển.
Bên cạnh công tác giải quyết, xét xử các loại án, TAND hai cấp tỉnh cũng cố gắng thực hiện tốt các mặt công tác khác, như: Công tác giám đốc kiểm tra; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác thi hành án hình sự; xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác tổ chức cán bộ; công tác xây dựng Đảng và các tổ chức, đoàn thể; công tác văn phòng; quản lý kinh phí, cơ sở vật chất; công tác thống kê - tổng hợp và ứng dụng công nghệ thông tin; công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...
Hội đàm giữa TAND tỉnh Điện Biên và TAND tỉnh Luông Pha Bang (Lào) trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm
PV: Ông có thể nói rõ hơn những giải pháp mà TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện để tạo đột phá, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử?
Chánh án Phạm Văn Nam: Nhằm thực hiện có hiệu quả 14 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án, chúng tôi đã lựa chọn và đưa ra 3 giải pháp. Đó là, tăng cường giám sát công tác xét xử thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm; Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra toàn diện các đơn vị; Tăng cường công tác biệt phái, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức.
Nhờ triển khai thực hiện quyết liệt và triệt để 3 giải pháp đó nên kết quả công tác của TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc giải quyết, xét xử các loại án. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trong Tòa án hai cấp tỉnh thụ lý 1.260 vụ, việc các loại (so với cùng kỳ năm 2018 giảm 155 vụ, việc); đã giải quyết 933/1.260 vụ, việc; đạt tỷ lệ 74%. 327 vụ, việc còn lại đều trong thời hạn luật định; không có vụ, việc nào tồn đọng kéo dài quá thời hạn quy định của pháp luật.
Nhìn chung, chất lượng xét xử của các đơn vị trong Tòa án hai cấp của tỉnh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ giải quyết các loại án đều đạt và vượt chỉ tiêu; không kết án oan hoặc bỏ lọt tội phạm; tỷ lệ án hủy, sửa lỗi chủ quan là 0,75%, thấp hơn so với quy định.
Bên cạnh 3 giải pháp nói trên, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án theo quy định của pháp luật, trọng tâm là việc thực hiện tốt các phần mềm quản lý, thống kê, công khai bản án theo quy định của TANDTC, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tư pháp, công khai các hoạt động của công chức Tòa án tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận với hoạt động của Tòa án.
PV: Điện Biên luôn là một “điểm nóng” về tội phạm ma túy. Ông có thể cho biết TAND hai cấp của tỉnh đã có những biện pháp gì nhằm đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này?
Chánh án Phạm Văn Nam: Trên thực tế thì trong mấy năm gần đây, tình hình tội phạm ở Điện Biên có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các tội phạm về ma túy với quy mô lớn. Nhằm góp phần đấu tranh, ngăn ngừa và đẩy lùi các loại tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng, chúng tôi đã quán triệt đến các đơn vị trong Tòa án hai cấp cần thụ lý và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là các vụ án điểm được dư luận quan tâm; thường xuyên phối hợp với các cơ quan tố tụng liên quan tổ chức phiên tòa lưu động nhằm tuyên truyền pháp luật.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trong Tòa án hai cấp thụ lý 451 vụ án hình sự sơ thẩm với 557 bị cáo, trong đó, án ma túy 334 vụ với 401 bị cáo (tăng 14 vụ, tăng 20 bị cáo so với cùng kỳ năm 2018); đã giải quyết, xét xử 276 vụ với 334 bị cáo; đạt tỷ lệ 82,6%; còn lại 58 vụ với 67 bị cáo. Hình phạt được áp dụng cho các tội phạm ma túy rất nghiêm khắc, cụ thể: Tử hình: 9 bị cáo; Tù chung thân:15 bị cáo; Từ 15 đến 20 năm tù: 32 bị cáo; Từ 7 đến 15 năm tù:58 bị cáo; Từ 3 đến 7 năm tù: 51 bị cáo; dưới 3 năm tù:169 bị cáo.
Các đơn vị trong Tòa án hai cấp đã chủ động phối kết hợp với các cơ quan hữu quan đưa 31 vụ án hình sự đến địa phương nơi xảy ra tội phạm để xét xử lưu động, trong đó có 24 vụ án về ma túy. Qua công tác xét xử lưu động tại địa phương đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng cho khoảng 1.200 lượt người, đồng thời giúp cho nhân dân có điều kiện hiểu biết pháp luật; nhận thức rõ sự nguy hại của các loại tội phạm nhất là tội phạm về ma túy.
PV: Với một tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, khi giải quyết các vụ án dân sự, hành chính... các đơn vị trong TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã thực hiện được công tác hòa giải, đối thoại như thế nào, thưa ông?
Chánh án Phạm Văn Nam: Trong số gần 60 vạn người sinh sống ở Điện Biên thì có đến 19 dân tộc. Trong đó có nhiều dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa không đồng đều, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Thế nên trong quá trình giải quyết các vụ việc về dân sự, hành chính... các đơn vị trong TAND hai cấp tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì thế, trong vài năm trở lại đây, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã quan tâm, chú trọng đến công tác hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các cán bộ Tòa án luôn thể hiện là những người trung lập, khách quan, tận tình hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Đối với tranh chấp dân sự, có những vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất kéo dài nhiều năm, chính quyền địa phương không giải quyết được, nội bộ gia đình mâu thuẫn, mất đoàn kết, có trường hợp căng thẳng dẫn đến xô sát với nhau nhưng sau khi được cán bộ phân tích, hòa giải các thành viên trong gia đình, các đương sự không còn căng thẳng, chủ động thỏa thuận phân chia đất có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Chánh án Phạm Văn Nam tặng quà cho học sinh người dân tộc thiểu số
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trong Tòa án hai cấp của tỉnh đã hòa giải thành 448/538 vụ, việc; đạt tỷ lệ 83,3%. Kết quả trên cho thấy, việc tăng cường hòa giải, đối thoại là hướng đi đúng, là bước chuyển mình rất lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án; góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, Nhà nước, và toàn xã hội, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án.
PV: Ông có thể cho biết một số khó khăn, vướng mắc mà TAND hai cấp tỉnh Điện Biên thường gặp phải trong thời gian vừa qua và những kiến nghị đối với Tòa án cấp trên?
Chánh án Phạm Văn Nam: Hiện nay, cái khó khăn lớn nhất mà các đơn vị trong Tòa án hai cấp tỉnh Điện Biên gặp phải là thiếu trang thiết bị cũng như trụ sở làm việc. Mặc dù đã được trang cấp tương đối đầy đủ, nhưng ở một số đơn vị vẫn còn tình trạng phải sử dụng các trang thiết bị quá cũ (máy vi tính, máy phô tô...), thường xuyên hỏng hóc, phải sửa chữa. Như thế vừa mất thời gian, kinh phí, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, trụ sở làm việc của TAND tỉnh và một số Tòa án cấp huyện được xây dựng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước nên nhiều công trình bị xuống cấp trầm trọng, cần tu sửa hoặc xây mới. Đó là chưa kể đến việc các trụ sở thường được xây dựng theo mô hình cũ, trên diện tích đất từ 850m2 đến 1.500m2, rất khó để đáp ứng được hoạt động xét xử trong tình hình hiện nay.
Do vậy, đề nghị TANDTC tiếp tục quan tâm, cấp kinh phí để xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp một số trụ sở cũng như hội trường xét xử. Đầu tư mua sắm trang cấp trang thiết bị làm việc như máy vi tính, máy phô tô... để thay thế cho các thiết bị đã cũ hỏng.
Bên cạnh đó, cũng mong TANDTC có hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm về việc tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện qua mạng Internet, để Tòa án các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả đáp ứng theo yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới và quy định của pháp luật.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!