Phút trải lòng của nữ Thẩm phán trên phố núi

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 12:35, 16/09/2019

Hơn 20 năm công hiến trong ngành Tòa án và tròn 20 năm làm công tác xét xử các loại án tại TAND tỉnh Gia Lai, nữ Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Hương-Chánh Tòa Hành chính (TAND tỉnh Gia Lai) đã có những phút giây trải lòng về quãng thời gian công tác của mình.

Buồn vui chuyện nghề...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy bom đạn trong thời chiến ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi đã rèn luyện cho chị một ý chí nghị lực đầy bản lĩnh, sau khi học xong, chị đã lên Gia Lai lập nghiệp và công tác trong ngành Tòa án.

Gia Lai mang đậm bản sắc của nhiều dân tộc quy tụ về, từ Ba Na, Jrai, Tày, Nùng, Kinh… bởi vậy, nơi đây hằng năm cũng xảy ra hàng nghìn vụ án lớn nhỏ. Với trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn nên các loại án cứ năm sau cao hơn năm trước. Cho đến năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 7 nghìn vụ án được Tòa án các cấp giải quyết, xét xử. Áp lực công việc ngày càng nhiều đòi hỏi ở mỗi cán bộ Tòa án, nhất là đội ngũ các Thẩm phán phải thật sự bản lĩnh, chịu khó, nghiêm minh, công tâm nhưng không thiếu cái tình trong mỗi bản án do mình tuyên ra.

Chốn pháp đình được người đời cho rằng là nơi khô khan, xét xử theo luật định, là nơi trái tim của mỗi Thẩm phán trở nên sắt đá, cứng cỏi và lạnh lùng... nhưng nếu ai đã từng có thời gian theo dõi các phiên tòa do Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Hương xử, hẳn sẽ có một cái nhìn khác.

Là người đã từng tham dự hàng nghìn  phiên xét xử trải dài trên tất cả mảnh đất Tây Nguyên, Thẩm phán Hương tâm sự: Với mỗi bản án được tuyên, ngoài nội dung được làm rõ trong quá trình xét xử thì trước đó, chị đã phải dày công nghiên cứu hồ sơ. Sự trăn trở khi đứng trước một quyết định vận mệnh cũng như tương lai của một con người lớn hơn bao giờ hết. Đó là, làm sao vực dậy được tinh thần, đánh thức lương tri của các bị cáo ngay tại phiên tòa nhằm giúp họ hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống, giá trị của hành động để sau khi chấp hành án xong, trở về hòa nhập với cộng đồng một cách thiết thực nhất.

Từ khi được bổ nhiệm Thẩm phán cho đến nay, tất cả các loại án từ hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và hành chính đều đã được chị tham gia xét xử và hiện nay, chủ yếu chị giải quyết các vụ án hành chính. Tại Gia Lai, án hành chính được xác định là loại án rất phức tạp. Đối tượng khởi kiện chủ yếu là các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, lĩnh vực quản lý thuế, lâm nghiệp, xây dựng xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực.

Phút trải lòng của nữ Thẩm phán trên phố núi

Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Hương

Án hành chính thường liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước; liên quan các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các quy định pháp luật về đất đai qua các thời kỳ và có nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung dẫn đến khó khăn trong áp dụng, giải quyết. Chính vì điều đó, để giải quyết loại án này đòi hỏi Thẩm phán phải thực sự bản lĩnh, phân định đúng sai rõ ràng, từ đó giúp cho việc thi hành án sau này được dễ dàng hơn.

Mới đây nhất, chị tham gia với tư cách là Thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm vụ người dân khởi kiện UBND Tp.Pleiku (Gia Lai). Khi bản án phúc thẩm tuyên xong đã mang đến cho người dân niềm vui mừng hạnh phúc đến tột độ. Lẽ thường, người ta thường ví von, dân kiện cơ quan nhà nước như “con kiến kiện con voi”. Vậy nhưng, với sự công tâm và nghiêm túc trong quá trình giải quyết, việc nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng cũng như áp dụng các luật định của pháp luật một cách “sắc sảo”, chị đã khiến hàng chục con người tham dự phiên tòa vỡ òa hạnh phúc trong quá trình đi tìm công lý, đi tìm lẽ phải. Từ đây, niềm tin vào công lý, vào pháp luật ngày càng được củng cố và nâng lên một tầm cao mới.

Bà Vũ Thị Hòa (một người dân ở Pleiku thắng kiện một cơ quan nhà nước), chia sẻ: “Sau bao năm đi tìm công lý và lẽ phải, cuối cùng sự việc của tôi đã được TAND tỉnh Gia Lai tuyên tôi thắng kiện UBND TP.Pleiku. Sau khi có bản án của Tòa án, tôi tiếp tục khởi kiện để yêu cầu bồi thường theo đúng quy định pháp luật”.

“Nói thế không có nghĩa là tất cả đều diễn ra tốt đẹp”, Thẩm phán Hương nói. Chị kể, mới đây nhất chị đang thụ lý một vụ án hành chính, quá trình nghiên cứu hồ sơ đang diễn ra nhưng một số người vì quyền lợi của mình đã liên tục nhắn tin, đe dọa chị. “Tôi đang nghiên cứu hồ sơ một vụ án liên quan đến đấu thầu giữa một công ty và một cơ quan. Dù vụ án chưa được đưa ra xét xử nhưng tôi liên tục nhận được những tin nhắn “khủng bố” và đe dọa từ phía công ty. Là một Thẩm phán, hạnh phúc nhất là khi hòa giải thành để hai bên có được tiếng nói chung. Từ đó, mọi quan điểm trái chiều nhau sẽ được gỡ bỏ, các bên, bắt tay làm hòa”, Thẩm phán Hương tâm sự.

Còn đó những trăn trở

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Bên cạnh đó Luật thay đổi về thẩm quyền nên số lượng án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh Gia Lai tăng nhiều so với Luật TTHC 2010.

Trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án, khi phát hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành những quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính chưa đúng, vi phạm quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, Thẩm phán Hương đã tiến hành đối thoại, giải thích quy định pháp luật cho người khởi kiện và người bị kiện để họ có thể đối thoại được với nhau. Từ đó, phía người bị kiện có thể thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính trái pháp luật, người khởi kiện có rút đơn khởi kiện khi nội dung khởi kiện không đúng, đẩy nhanh việc giải quyết vụ án hành chính.

Vậy nhưng, không phải bất cứ vụ án nào cũng có thể giải quyết theo hướng đối thoại, hòa giải. Bởi quá trình giải quyết gặp rất nhiều vướng mắc như: Án hành chính thường liên quan đến người có thẩm quyền, cơ quan hành chính có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan nên cần phải chờ kết quả trả lời, cung cấp tài liệu, chứng cứ; một số trường hợp sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan có liên quan với Tòa án còn chậm nên làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.

Ngoài ra, án hành chính ở địa phương này chủ yếu là khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, lâm nghiệp, thị trường… liên quan đến nhiều văn bản, lại thường xuyên sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung và một số văn bản pháp luật còn có mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong áp dụng, giải quyết. Là Thẩm phán, chị chẳng mong gì hơn ngoài việc có được những “cẩm nang” vững chắc để phán quyết của mình “thấu tình, đạt lý”. 

Trần Sỹ