TAND tỉnh Gia Lai: Nhiều nỗ lực thực hiện cải cách tư pháp
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 08:24, 16/09/2018
Theo đó, đơn vị đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến đội ngũ cán bộ, công chức tòa hai cấp.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CCTP, TAND hai cấp trong tỉnh đã xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh, đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý. Hàng năm, TAND hai cấp luôn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức xã hội cho Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, Hội thẩm… cùng với nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức của người làm công tác trong TAND.
Đến nay toàn tỉnh có 87 Thẩm phán; tại các TAND cấp huyện có đầy đủ Chánh án, Phó Chánh án và có 10 TAND cấp huyện có Thẩm phán kiêm chức vụ Chánh Văn phòng. Mặt khác, hội trường xét xử về cơ bản đã được nâng cao, cải tạo, lắp đặt các hệ thống cũng như phương tiện, kỹ thuật nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác xét xử, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các hoạt động xét xử.
Điểm đáng quan tâm, cũng như được các cán bộ, viên chức tập trung cao độ là việc nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, trong đó đề cao việc tranh tụng tại phiên tòa, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Song song với công tác xét xử, mỗi cán bộ đều chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết án dân sự, đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Xác định rõ trách nhiệm và tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành với các cơ quan tư pháp. Xây dựng cơ chế và thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại tố cáo về tư pháp. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh.
Thẩm phán Nguyễn Thanh Hảo -Phó Chánh án phụ trách TAND tỉnh
Từ đầu năm đến nay, công tác xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan sai người vô tội. Các vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng, phương thức thủ đoạn tinh vi đều được đưa ra xét xử với những hình phạt nghiêm minh. Việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, hạn chế đến mức thấp nhất các khiếu nại, tố cáo của đương sự.
Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong quá trình tố tụng tạo điều kiện cho luật sư, bị cáo, đương sự thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Các phán quyết của Tòa án chủ yếu dựa trên kết quả xem xét, thẩm tra các tài liệu, chứng cứ và tranh tụng công khai tại phiên tòa, đảm bảo tính khách quan, công bằng, dân chủ.
Trụ sở TAND tỉnh Gia Lai
Mặt khác, trong thực tế còn nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, để đảm bảo đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp theo quy định nâng cao chất lượng công tác xét xử, thực hiện lộ trình CCTP theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, lãnh đạo TAND tỉnh đã kịp thời động viên cán bộ nỗ lực vượt khó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, TAND hai cấp của tỉnh đã thụ lý 3.944 vụ án các loại, đã giải quyết 2.354 vụ. Trong đó, án hình sự là 589 vụ với 1091 bị cáo, giải quyết 399 vụ đạt 67,7%; án dân sự là 1112 vụ (tăng 107 vụ so với cùng kỳ năm trước). Án hôn nhân và gia đình lên đến 2010 vụ, tăng 189 vụ so với cùng kỳ, còn lại là các loại án khác.
Phó Chánh án phụ trách TAND tỉnh Gia Lai, Thẩm phán Nguyễn Thanh Hảo cho biết, tuy số lượng các vụ án năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm 2017 với tính chất của các vụ án đa dạng, rất phức tạp hơn nhiều nhưng do quán triệt tốt phương châm nâng cao chất lượng, nên các cán bộ, công, viên chức đã phấn đầu hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, đã góp phần đề cao tính giáo dục, phòng ngừa chung cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần đấu tranh, phòng - chống tội phạm trong nhân dân, an ninh chính trị trên địa bàn được được giữ ổn và ổn định.