Người thầy nặng lòng với “nghề” Hội thẩm
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 14:54, 12/09/2018
Đó là thầy giáo Đoàn Công Đường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Sào Nam, Duy Xuyên, Quảng Nam. Sinh năm 1968 tại miền quê nghèo có truyền thống hiếu học Duy Xuyên, năm 1994, chàng trai 26 tuổi Đoàn Công Đường nhận công tác tại ngành giáo dục - Trường THPT Sào Nam. Đây là khoảng thời gian khó khăn của ngành giáo dục. Đời sống kinh tế của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên ngoài việc chuyên tâm giảng dạy, thầy giáo Đinh Công Đường còn phải vận động học trò đến lớp cũng như tăng gia sản xuất, để tự trang trải cuộc sống cho bản thân mình.
Giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân, thầy giáo Đoàn Công Đường luôn luôn chú trọng đến nhân phẩm và đạo đức của con người. Thầy chia sẻ: Việc dạy người cũng quan trọng như dạy chữ. Ngành giáo dục phải đào tạo được lớp người vừa có tài, vừa có đức, làm sao cho lớp trẻ luôn ý thức được trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước.
Không phải là dân chuyên về pháp luật, những ngày mới vào “nghề” HTND, thầy Đường cũng không khỏi bỡ ngỡ và có phần lo lắng. Tuy nhiên sau khi tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác do ngành Tòa án tổ chức, ông dần làm quen và tiếp cận công việc ngày một bài bản, khoa học hơn.
Đối với thầy giáo Đoàn Công Đường, mối “lương duyên” đưa ông đến với công tác HTND khá tình cờ. Năm 2011, TAND huyện Duy Xuyên tìm người để làm công tác HTND và ông được mọi người tín nhiệm. Từ đó đến nay, ông tiếp tục được bầu vào đoàn HTND TAND huyện Duy Xuyên.
Thầy giáo - Hội thẩm nhân dân Đoàn Công Đường
Thầy Đoàn Công Đường chia sẻ: Toà án là cơ quan “cầm cân nảy mực”, mỗi phán quyết của Tòa sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thậm chí là tính mạng, tương lai của mỗi cá nhân. Người HTND cũng như thẩm phán được luật pháp trao thẩm quyền quyết định sinh mạng chính trị, hạnh phúc con người nên trách nhiệm rất nặng nề. Vì vậy, để làm tốt công tác xét xử, điều quan trọng nhất là người HTND phải đọc kỹ hồ sơ vụ án, bên cạnh đó là sự từng trải, am hiểu nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cũng cần tích luỹ cho mình vốn kiến thức pháp lý nhất định để cùng với thành viên HĐXX đưa ra những phán quyết công minh, chính xác, đúng người đúng tội, không làm oan người vô tội cũng như không để lọt tội phạm. HĐXX nào chẳng muốn bản án của mình được dư luận xã hội đồng tình nhưng không vì thế mà bị dư luận xã hội chi phối, tác động. HTND cũng như Thẩm phán phải có sự khách quan, lòng bao dung với bị cáo, để có bước đánh giá đương sự cũng như nội dung vụ việc một cách chính xác và công tâm, có như thế bản án mới đảm bảo công bằng, khách quan, vừa có lý vừa có tình.
Dù đã nhiều năm tham gia xử án, nhưng đối với ông, không vụ án nào giống vụ án nào; vụ trước là bài học kinh nghiệm cho vụ sau. Chính vì vậy, ông luôn tỉ mỉ ghi chép lại các vụ án. Đây cũng chính là giáo án sinh động để ông giáo dục học sinh của mình. Bởi qua các vụ án, những vi phạm về đạo đức, chuẩn mực xã hội và quy định pháp luật được biểu hiện rất sinh động và cụ thể.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Đường cho biết: Mỗi lần ngồi ghế hội thẩm để tham gia xét xử, bằng cái tâm của mình, thầy luôn mong muốn người lạc đường nhanh chóng quay đầu làm người lương thiện. “Một khi người ta phạm tội, là người HTND, tôi chỉ mong không bao giờ gặp lại họ tại Tòa một lần nữa. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng phân tích cho họ hiểu giá trị của tự do, của nhân cách con người, hướng họ đến cái thiện để cải tạo cho tốt, sau này ra tù có cái tâm mà làm lại từ đầu”.
Ông Đường cho biết, dù đã tham gia xét xử nhiều vụ án hình sự, nhưng điều khiến ông đau lòng nhất khi nhận những vụ án mà gia đình bị cáo cũng là gia đình người bị hại, bị cáo là vị thành niên và học sinh, sinh viên. Quyết định tới sự tự do của một con người trong án hình sự, tới hạnh phúc hôn nhân gia đình trong án ly hôn nên vai trò của những người HTND như thầy Đường rất lớn. Họ luôn luôn phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng sự việc để đưa ra những phán quyết thỏa đáng, hợp tình hợp lý. Làm HTND phải có cái đầu tỉnh táo với những chi tiết vụ án, nhưng quan trọng hơn là phải có trái tim nhạy cảm trước số phận của mỗi con người. Ý nghĩa thật sự của bản án là ở việc cải tạo, giáo dục người lầm lỗi để giúp họ hướng thiện, làm lại cuộc đời.
Mặc dù, bận rộn với công tác giảng dạy ở trường và đôi lúc vẫn có những áp lực tâm lý nhất định, song điều thầy Đường tâm đắc nhất là khi được cộng tác với TAND và được làm việc với những người công minh chính trực, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không để bị tác động chi phối từ bên ngoài. Sau gần hai nhiệm kỳ công tác, nhờ những cố gắng nỗ lực của mình, thầy Đoàn Công Đường vinh dự nhận được hai bằng khen của TANDTC và TAND tỉnh Quảng Nam.
Thầy Đường cho biết, nếu được tín nhiệm ông sẵn sàng tiếp tục tham gia công tác HTND, góp phần cùng cơ quan tư pháp địa phương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.