TAND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang: Cán bộ Tòa án luôn gần gũi, hòa đồng, đặt mình vào vị trí của dân
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 09:14, 03/08/2016
Khi tiếp xúc với dân, cán bộ Tòa án luôn tạo sự gần gũi, hòa đồng, đặt mình vào vị trí của dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó giúp dân và học ở dân những kinh nghiệm nhằm giúp cho công việc được tốt hơn.
Ngay từ đầu năm công tác 2016, TAND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tới từng cá nhân, tập thể. Lãnh đạo đơn vị đã phát động các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức cơ quan gắn với các đợt sinh hoạt chính trị trong năm, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, toàn đơn vị đề cao tính dân chủ; những công việc trọng tâm, những chủ trương lớn của cơ quan đều được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến tập thể, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm hiệp lực cùng nhau thực hiện. Để quản lý mọi mặt hoạt động một cách thống nhất, lãnh đạo đơn vị từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy chế nhằm đưa các hoạt động ngày càng đi vào nề nếp. Đơn vị thực hiện nghiêm túc các buổi họp giao ban đầu tuần, cuối tuần và tháng, qua đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh ngay những thiếu sót, đồng thời đề ra các nội dung công tác trọng tâm cho tuần hoặc tháng kế tiếp.
Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai, Chánh án TAND huyện Sơn Dương
Để nắm bắt được tiến độ công việc của từng người, lãnh đạo TAND huyện Sơn Dương phân công nhiệm vụ cho cán bộ hợp lý, khoa học phù hợp với trình độ, năng lực sở trường của từng người giúp họ phát huy năng hết khả năng. Trong công tác xét xử, lãnh đạo đơn vị theo dõi số lượng giải quyết án mỗi tháng của các Thẩm phán; những người đảm bảo đúng tiến độ đều được tuyên dương, đồng thời nhắc nhở những Thẩm phán chưa đảm bảo chỉ tiêu giải quyết án của tháng; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các Thẩm phán xét xử có án hủy, sửa. Chính vì vậy, các Thẩm phán rất quan tâm, trú trọng đến chất lượng giải quyết các loại án nhằm đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hàng tháng lãnh đạo đơn vị thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các bộ phận chuyên môn, kịp thời phát hiện những sai sót để uốn nắn. Tất cả các khâu trong công tác nghiệp vụ, ngay khi tiếp nhận hồ sơ ban đầu, các Thẩm phán, Thư ký phải nghiên cứu kỹ các tài liệu để xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp, thẩm quyền giải quyết, thời hiệu khởi kiện và tư cách những người tham gia tố tụng để xây dựng kế hoạch giải quyết từng vụ án, thực hiện đúng tiến độ đề ra. Tất cả các vụ án trước khi đưa ra xét xử, Thẩm phán đều phải xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp ban đầu, các quan hệ pháp luật tranh chấp mới phát sinh (nếu có), xem xét toàn diện yêu cầu của các bên, làm rõ các mâu thuẫn trong quan hệ tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng của các đương sự... để xây dựng kế hoạch xét hỏi trước khi tiến hành phiên tòa.
Những vụ án có vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết, Thẩm phán chủ động báo cáo lãnh đạo để đưa ra họp bàn hướng điều tra, xác minh giải quyết. Những vụ án hòa giải nếu đương sự chưa thống nhất được quan điểm hay còn do dự chưa tin tưởng vào việc hòa giải của Thẩm phán thì tranh thủ ý kiến lãnh đạo hoặc cử một Thẩm phán khác đến hòa giải cùng để tạo niềm tin cho đương sự. Trong công việc, người cán bộ Tòa án luôn thể hiện tốt tinh thần thái độ "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân". Khi tiếp xúc với dân, các Thẩm phán, Thư ký tạo sự gần gũi, hòa đồng, đặt mình vào vị trí của dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó giúp dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn. Do đó, các vụ án hòa giải thành của TAND huyện Sơn Dương luôn đạt tỷ lệ cao.
Từ đầu năm công tác 2016 đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song lãnh đạo, cán bộ công chức TAND huyện Sơn Dương luôn thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án. Cán bộ, công chức của đơn vị đơn vị đều có trình độ chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức tốt; nội bộ cơ quan đoàn kết, thống nhất. Mọi mặt công tác trong đơn vị đều đảm bảo tính minh bạch, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, điều đó không chỉ là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý mà còn là động lực để thúc đẩy cán bộ, công chức hoàn thành các chỉ tiêu công tác đã đề ra.