TAND TP.HCM: Đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 08:09, 27/04/2016
Nâng cao hiệu quả hoạt động của TAND hai cấp là một yêu cầu cấp bách, đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong những năm qua, TAND TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý các hoạt động của đơn vị và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Việc ứng dụng quy trình của mô hình “Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” tại TAND thành phố đã phát huy tính hiệu quả, đáp ứng cao yêu cầu cải cách hành chính tư pháp tại đơn vị. Với việc vận hành mô hình này, tất cả các công việc của đơn vị sẽ được tập trung tại một đầu vào tại văn phòng để thực hiện việc quản lý bằng mã vạch, số hóa văn bản… sau đó chuyển đến các bộ phận chuyên môn giải quyết. Kết quả giải quyết công việc cũng được tập trung tại một đầu ra tại văn phòng để trả kết quả giải quyết dựa trên việc quản lý đầu vào. Mô hình này quản lý và kiểm soát tất cả các giai đoạn giải quyết công việc từ đầu vào đến kết quả giải quyết đầu ra. Do đó, phần mềm sẽ phát hiện những sai sót như quá hạn giải quyết công việc, sai thẩm quyền, lỗi vi phạm… để lãnh đạo có thể nhắc nhở, đôn đốc giải quyết.
Qua quá trình áp dụng, mô hình “Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” TAND thành phố đã đạt được một số kết quả như: Toàn bộ hồ sơ thụ lý, các văn bản tố tụng, bản án khi phát hành đều được áp mã vạch từ ngày 1/10/2014; khắc phục việc chậm chuyển hồ sơ, bản án, quyết định, thông báo thụ lý, lệnh tạm giam; công tác tiếp nhận và xử lý các đơn, thư kháng cáo, kháng nghị, đơn thư khiếu nại được giải quyết nhanh chóng, kịp thời; việc cấp sao, lục bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện đúng quy định; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc đối với Thẩm phán, Thư ký và cán bộ, công chức khác… Hiện nay, việc áp dụng mã vạch hồ sơ, văn bản đã được TAND thành phố triển khai áp dụng thí điểm tại 3 đơn vị TAND quận, huyện.
Người dân tra cứu thông tin ở các ki ốt
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cá nhân, tổ chức nắm bắt được các thông tin liên quan đến hoạt động của TAND nói chung cũng như kết quả giải quyết các công việc tại Tòa án, TAND TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lắp đặt các Kios thông tin tại TAND hai cấp thành phố. Theo đó, mỗi đơn vị TAND quận, huyện đều được lắp đặt một máy Kios thông tin, TAND thành phố lắp đặt 3 máy Kios thông tin. Việc sử dụng các Kios này đã giúp cho người dân tiếp cận các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế thời gian tiếp xúc với cán bộ, công chức, tăng cường tính công khai, minh bạch các hoạt động của TAND 2 cấp TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, TAND thành phố đã hoàn thành việc kết nối mạng nội bộ với 24 TAND quận, huyện, do đó tất cả các hoạt động của TAND hai cấp sẽ được TAND thành phố quản lý và kiểm soát một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TAND thành phố.
Bên cạnh việc công khai, minh bạch hóa các hoạt động của Tòa án, công tác phân công thụ lý hồ sơ giải quyết các vụ việc tại TAND thành phố đang ngày càng được hoàn thiện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm cao nhất sự vô tư, khách quan và minh bạch trong công tác này. Theo đó, dựa vào các tiêu chí như: tổng số án tồn chưa giải quyết, tổng số án tạm đình chỉ tại thời điểm thực hiện phân công; tổng số án thụ lý trong một năm, tổng số án giải quyết, tổng số án hủy, sửa trong một năm kể từ ngày thực hiện phân công, chương trình sẽ ưu tiên thứ tự án tồn phân công như sau: Phân công nhiều án đối với Thẩm phán có án tồn ít nhất và giải quyết nhiều nhưng có ít án tạm đình chỉ và án hủy theo thứ tự tổng số án tồn nhiều ít khác nhau; phân công ít án đối với Thẩm phán có án tồn ít nhưng giải quyết tạm đình chỉ nhiều và án hủy nhiều; phân công đối với Thẩm phán có án tồn nhiều và án tạm đình chỉ nhiều.
Đối với các vụ án đặc biệt chỉ định phân công thì không nằm trong dữ liệu phân công, những vụ án này bao gồm các trường hợp như: các vụ án đặc biệt cần phân công cụ thể Thẩm phán chuyên trách, các Thẩm phán mới bổ nhiệm; đối với các vụ án hình sự sơ thẩm trả VKS điều tra bổ sung, các án phúc thẩm y án tạm đình chỉ của sơ thẩm thì phân công lại Thẩm phán cũ. Dữ liệu phân công sẽ được lưu trữ theo từng lần thực hiện chương trình để phục vụ kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết, đặc biệt đối với các án chỉ định không đưa vào chương trình phân công ngẫu nhiên.
Bên cạnh đó, để có kênh trao đổi thông tin hữu ích giữa người dân với TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 7/3/2016, TAND TP. Hồ Chí Minh mở đường dây nóng trực tiếp ghi nhận thông tin, phản ánh từ các tổ chức, công dân qua số điện thoại (08) 3521 8315 và cử cán bộ trực đường dây nóng trong giờ hành chính, từ thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần.