TAND huyện Bảo Thắng thực hiện có hiệu quả việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 09:16, 24/02/2016

Năm 2015, số lượng các việc xử lý hành chính do TAND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai phải giải quyết rất nhiều, trong khi đó đơn vị chưa được kiện toàn về cơ cấu tổ chức theo Luật Tổ chức TAND năm 2104.

Hiện tại, cán bộ làm công tác chuyên môn chỉ có 5 Thẩm phán và 5 Thư ký, nhưng do có giải pháp kịp thời, khoa học nên việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND luôn chặt chẽ về trình tự thủ tục, đảm bảo dân chủ, khách quan, chính xác; góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013; riêng những quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09 ngày 20/1/2014 quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Theo đó TAND có thẩm quyền xử lý hành chính gồm: đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường mà vẫn nghiện, hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường nhưng không có nơi cư trú ổn định. Cơ quan lập hồ sơ phải xác minh với chính quyền nơi người nghiện đăng ký thường trú để xác định người đó có thường xuyên sinh sống ở địa phương không, hay là đối tượng lang thang không rõ đi đâu làm gì.

TAND huyện Bảo Thắng thực hiện có hiệu quả việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND

Dạy nghề may cho những người cai nghiện ma túy

Là cơ quan xét xử, TAND huyện Bảo Thắng xác định đây là nhiệm vụ mới rất quan trọng vì người bị xử lý hành chính chỉ vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm. Trước yêu cầu đặt ra là phải giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các hồ sơ xử lý hành chính, đơn vị đã phân công cho một cán bộ phụ trách tiếp nhận thụ lý hồ sơ và nắm bắt thông tin số lượng các hồ sơ để thụ lý kịp thời. Người được giao giải quyết loại việc này được lãnh đạo đơn vị trang bị đầy đủ các văn bản pháp luật về xử lý hành chính để nắm chắc trình tự giải quyết, thời hạn giải quyết để từ đó đánh giá hồ sơ, yêu cầu cần bổ sung thêm những tài liệu còn thiếu, đây là bước rất quan trọng có ý nghĩa quyết định trong định hướng giải quyết hồ sơ nhanh chóng.

Mặc dù chưa được kiện toàn về cơ cấu tổ chức, cũng không có Thẩm phán chuyên trách đảm nhiệm việc này, nên để hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo đơn vị đã chủ động phân công đều số lượng hồ sơ xử lý hành chính cho các Thẩm phán. Do chưa được tập huấn nghiệp vụ giải quyết hồ sơ xử lý hành chính, nên các Thẩm phán và Thư ký trong đơn vị đều tự giác chủ động trong nghiên cứu tìm hiểu, chủ động trao đổi nghiệp vụ và tham khảo kinh nghiệm của các đơn vị khác. Để khắc phục khó khăn về giao thông đi lại, giữa các Thẩm phán, Thư ký đã có sự phối hợp công tác chặt chẽ, thể hiện ở việc tống đạt các thông báo thụ lý, quyết định mở phiên họp được thực hiện trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính, không phải đi lại nhiều nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người bị đề nghị. Trong quá trình xem xét hồ sơ và mở phiên họp, TAND huyện Bảo Thắng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan, đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị, cơ quan có thẩm quyền đề nghị và cơ quan có trách nhiệm thi hành các biện pháp xử lý hành chính.

Năm 2015, TAND huyện Bảo Thắng là đơn vị giải quyết được nhiều hồ sơ xử lý hành chính nhất và đây là mặt mạnh vượt trội hơn hẳn so với các đơn vị khác thuộc TAND hai cấp tỉnh Lào Cai. Đơn vị đã thụ lý 176 hồ sơ (chiếm hơn 20% tổng số vụ việc phải giải quyết), trong đó có 174 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, 2 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng. Kết quả đã mở phiên họp giải quyết 176/176 hồ sơ, đạt 100%; các hồ sơ thụ lý giải quyết đều đảm bảo đúng trình tự, thời gian luật định, không có hồ sơ nào bị Tòa án cấp trên sửa, hủy. Những người nghiện đã được kịp thời đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, số lượng các đối tượng lang thang gây mất trật tự tại huyện Bảo Thắng đã giảm nhiều.

Theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì trong cơ cấu tổ chức của TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể có Tòa xử lý hành chính. Việc tổ chức Tòa chuyên trách này ở mỗi Tòa án cụ thể nào sẽ căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và số lượng các trường hợp mà Tòa án dự kiến phải giải quyết nhằm nâng cao chất lượng của việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính hợp lý, tinh gọn, tiết kiệm. Tuy nhiên, để công tác này thật sự có hiệu quả hơn nữa, theo Thẩm phán Phùng Chí Thiện, Chánh án TAND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai thì TANDTC cần có văn bản hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, đồng thời tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho Thẩm phán, Thư ký về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ở nhiều đơn vị Tòa án,  khi xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc những người nghiện được giao cho cơ sở xã hội quản lý lại cách xa trụ sở Tòa án, giao thông đi lại khó khăn mà chưa có kinh phí hỗ trợ cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho các Tòa án. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét hỗ trợ kinh phí để Tòa án tiếp tục phát huy tính chủ động, giải quyết nhanh chóng dứt điểm các trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đáp ứng được yêu cầu của địa phương và đảm bảo ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội.

Trần Quang Huy