Khúc hát tự hào người Thẩm phán TAND
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 09:22, 31/12/2015
TAND đã đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, góp phần vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tôi thực sự cảm nhận được điều đó qua các lần được tham gia là thành viên Ban Giám khảo Hội diễn Văn nghệ TAND, đặc biệt được là “khán giả khách mời” trong Đêm công diễn các tác phẩm Âm nhạc và văn học sáng tác về TAND (tối 8/9/2015) tại Hội trường Công an TP. Hà Nội.
Trước hết nói về các lần Hội diễn Văn nghệ TAND, với tư cách là thành viên Ban Giám khảo, tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt, thông qua Hội diễn, nhiều “giọng ca vàng”, nhiều tiểu phẩm, nhiều điệu múa truyền cảm đã được thể hiện cho thấy hệ thống Tòa án quả thực lắm giọng ca đã gần như chuyên nghiệp. Nhưng, đa số là các giọng ca thể hiện các ca khúc nổi tiếng đã được nhiều người biết đến. Đặc biệt ở các Hội diễn cũng có những bài ca về TAND nhưng nói thật là quá ít, chưa nói lên được sự phong phú nhiều tâm tư, góc khuất của người Thẩm phán mà đáng ra phải được vang lên trên sân khấu. Vì là quá ít, nên tôi thấy quý, rất quý!
Bởi vậy, tại Hội diễn năm 2005, tôi ấn tượng Hợp xướng mở màn Hội diễn với bài “Tự hào Tòa án Việt Nam” do Tòa án TP. Hải Phòng trình bày. Riêng hợp xướng có trên 70 người và tốp múa nam, nữ nâng trên tay những đóa hoa tươi rực rỡ như vườn hoa lung linh sắc màu, thể hiện sự trong sáng tuyệt đẹp của hệ thống TAND trên chặng đường đi lên trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Ở hội diễn lần thứ hai 2010, lại có màn hát múa do Đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND Nghệ An Phạm Văn Hà (nay là Chánh án Tòa án cấp cao tại Hà Nội) sáng tác, tác phẩm “Mùa thu pháp quyền rạng danh công lý” ca ngợi hoạt động của Tòa án, thể hiện tâm tư, tình cảm và sự gắn bó của cán bộ đối với hệ thống Tòa án theo lời dạy của Bác Hồ “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.
Hợp ca nam nữ và Vũ đoàn Biển Xanh biểu diễn bài hát “Tự hào người Thẩm phán TAND”
Năm 2015, Hội diễn văn nghệ Tòa án toàn quốc lần thứ III nhân Kỷ niệm 70 năm thành lập TAND đã diễn ra trong không khí cả nước tưng bừng sôi nổi tổ chức Đại hội Đảng các cấp để hướng tới Đại hội lần thứ XII vào đầu năm 2016. Hơn 1.500 cán bộ, Thẩm phán của cả nước về Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) đua tài, khoe sắc cũng để lại những dấu ấn về TAND qua tác phẩm “Sáng mãi niềm tin ngành Tòa án” do đoàn TAND TP. Hà Nội thể hiện. Với sự đầu tư công phu, rèn luyện từ lời ca đến tốp múa đã làm nổi lên hình tượng người Thẩm phán với giai điệu hào sảng, trang phục rực rỡ mà hài hòa lại được tốp múa tạo nên những hình tượng sống động, khỏe khoắn đã tôn lên vị trí cao đẹp của Tòa án Việt Nam.
Tuy nhiên, như trên tôi đã mạnh dạn nói, những tác phẩm viết và vang lên sân khấu ca ngợi về TAND qua các lần Hội diễn này là rất ít, quá ít. Mỗi mùa hội diễn xong tôi lại thấy tiếc, và mong sao có được nhiều tác phẩm viết về TAND.
Tôi là người ngoài hệ thống Tòa án mà mong như thế thì có lẽ các đồng chí lãnh đạo TAND còn “khắc khoải” chừng nào. Và, điều tôi nghĩ đã đúng khi biết rằng, để thiết thực chào mừng 70 năm ngày truyền thống TAND, xứng đáng với những tấm Huân chương cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng, một Cuộc Vận động sáng tác Văn học nghệ thuật và các ca khúc về Tòa án đã được lãnh đạo Tòa án chỉ đạo và cho tổ chức từ tháng 5/2015 để có các tác phẩm chào mừng 70 năm truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2015). Đọc báo, nghe đài, tôi rất mừng và càng hy vọng sẽ cùng các đồng chí trong hệ thống TAND được đón nhận những tác phẩm viết về Tòa án nhằm nâng cao tâm hồn, góp phần thực hiện lý tưởng của người Thẩm phán vì sứ mệnh cao cả mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.
Tốp ca nam - nữ trình bày bài hát "Khúc hát tự hào TAND Việt Nam"
Tối 8/9/2015, dự đêm Công diễn các tác phẩm đoạt giải sáng tác về TAND mà lãnh đạo TANDTC mời tôi với tư cách là khán giả thay vì thành viên Ban Giám khảo như các lần Hội diễn, tôi cảm nhận được cảm xúc của Phó Chánh án Thường trực Bùi Ngọc Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc Vận động khi công bố trước toàn thể người tham dự. Đồng chí Phó Chánh án không giấu được vui mừng, bởi rằng chỉ sau một thời gian gần hai tháng, Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác đã nhận được 72 tác phẩm âm nhạc, 241 tác phẩm văn học (trong đó có 77 tác phẩm văn xuôi; 164 tác phẩm thơ ca). “Đây là những con số vượt ra ngoài sức tưởng tượng của Ban Tổ chức, bởi thời gian tổ chức rất ngắn, đề tài về TAND lại rất mới mẻ…”, đồng chí Bùi Ngọc Hòa xúc động thông báo.
Bài mở đầu Đêm công diễn, được trình bày rất hoành tráng, nghiêm trang với ca từ mang ý nghĩa “thông điệp” mà lần đầu tiên được vang lên trên sân khấu, đó là tốp ca nam nữ biểu diễn ca khúc “Tự hào người Thẩm phán TAND”: “TAND, vì nền tư pháp quên thân; vì một lẽ nhân sinh, suốt đời phấn đấu vì dân. Được Đảng, Bác trao Công lý là gươm thiêng, giữ gìn như ngọc sáng mãi ngàn năm…/Lời của Bác mãi khắc ghi, thực hành quyền tư pháp công bằng, mãi giữ gìn gương sáng trong tim…”. Dàn nhạc như thôi thúc thổi hồn, tiếp sức cho dàn đồng ca tự hào vang lên khúc hát từ trái tim mình, với nhóm múa minh họa cho ca khúc để người nghe cảm nhận được sứ mệnh của Tòa án, nét đẹp của lớp lớp Thẩm phán 70 năm qua đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng nước nhà.
Cũng vang lên ở Đêm công diễn, bài “Người Thẩm phán nhân dân” lại ngợi ca trân trọng đến thành kính những người Thẩm phán nhân dân luôn soi tỏ nỗi niềm, luôn tìm ra tội lỗi của kẻ gian và phấn đấu không để nỗi oan sai của người dân vô tội: “Tôi nhìn lên án đường gặp anh vầng trán ưu tư/ Trên anh, Quốc huy rực sáng, và tim anh Công lý vững một niềm tin… Cho dù ngay trong nẻo đường kháng chiến, diệt ác trừ gian, mở phiên tòa giữa vùng giáp ranh hay trong bom rơi, đạn nổ/ Anh vẫn sáng ngời một niềm tin Công lý. Anh - Người Thẩm phán nhân dân/ Ươm mầm non, gieo hạt cho cây đời mãi xanh tươi…”. Ca khúc không đồ sộ, ồn ào mà sâu lắng, tha thiết yêu thương, dồn nén bởi sự kính trọng hình tượng người Thẩm phấn suốt đời phấn đấu cống hiến vì nước, vì dân.
Trong bài “TAND làm theo lời Bác” lại tạo được dáng vóc của những Thẩm phán ngày hôm nay, họ tự hào được noi gương sáng của Bác để Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư, với tiết tấu trầm hùng theo nhịp hành khúc để thể hiện đội ngũ Thẩm phán hôm nay đang bước tiếp những chặng đường mà Đảng, Bác đã chỉ ra, cùng đoàn kết một lòng bảo vệ công lý “Lời Bác trong tim nguyện xây nước non nhà/ Ấm tình yêu thương - Tổ quốc mãi ngàn xuân…”.
Ca sĩ Duy Đức trình bày bài hát "Người Thẩm phán tôi yêu"
Cùng mạch cảm xúc và ý tứ đó “Khúc hát tự hào TAND Việt Nam” lại một lần nữa với tiết tấu rộn ràng, thôi thúc, thể hiện tâm tư của người Thẩm phán làm sao mang lại quyền lợi chính đáng cho người dân mà suốt 70 năm, “Chặng đường vinh quang chúng ta vượt qua / bao ngày đêm hy sinh thầm lặng” để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
Tôi cũng rất xúc cảm khi được nghe các ca từ “Trước công đường em là người lý trí/ Giữ gìn cho công lý vững niềm tin/ Nguyện chí công vô tư, nguyện phụng công thủ pháp/ Tâm sáng trong như ngọc - Em người Thẩm phán nhân dân…”. Đó là khúc hát trữ tình da diết yêu thương, cởi mở tấm lòng cho đời và đó chính là sự tôn vinh và tâm sự của mọi người muốn chia sẻ và dành những lời ngợi ca người Thẩm phán qua bài “Người Thẩm phán tôi yêu”.
Cảm nhận vị trí, vai trò TAND nói chung, Thẩm phán Tòa án nói riêng trong cuộc sống, chắc chắn nhiều người nghe rất đồng cảm với tác giả bài “Đời còn có anh” khi tốp ca nam nữ say sưa biểu diễn và từng lời, từng nhịp thấm đẫm tình người: “Đời còn có anh cho cuộc sống đẹp tươi/ Cho mỗi cuộc đời đơm hoa kết trái/Anh luôn khắc ghi ngàn lời Bác dạy/ Chân lý sáng ngời ngành Tòa án nhân dân…”. Đặc biệt tác giả bài hát này đã nâng tầm vị thế của Tòa án một cách rất hình tượng mà thuyết phục: “Đất nước rạng ngời nòi giống Rồng Tiên/ Niềm tin trong anh, gương Bác Hồ chói lọi/ Tình lý phân minh soi sáng muôn đời/ Tổ quốc vươn cao, tỏa sáng muôn đời…”.
Trong bài “Ước mơ người Thẩm phán nhân dân” lại đã thể hiện được tâm trạng của người Thẩm phán trải lòng mình với nhân dân như những lời tự sự tâm tình về công việc và trách nhiệm được Tổ quốc giao cho: “Thẩm phán vâng theo lời Bác dạy/ Chí công vô tư trong mỗi việc làm/ Gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân/ Tình yêu và luật pháp sáng trong như bài ca/ Tổ quốc giao cho quyền xét xử / Không để oan sai, thấu tình đạt lý/ Cán cân công lý nặng hai vai…”.
Đáng chú ý nhất trong những bài hát được đánh giá là xuất sắc, có sức lan tỏa rất lớn, đó là khi hợp ca nam nữ vang lên bài hát viết theo thể hợp xướng “Vinh quang TAND Việt Nam”. Đây là tác phẩm được dàn dựng công phu, từ khâu phối khí hòa thanh đến việc dàn dựng cho các bè làm tôn lên sự đồ sộ hoành tráng, bên cạnh đó nhóm múa góp phần tôn lên thần sắc của nội dung bài ca. Những ca từ có sức lôi cuốn người nghe đã chinh phục khán giả. TAND đã “Thắp sáng lên một chữ Tâm Việt Nam/ Chữ Tâm sáng ngời, thời đại Hồ Chí Minh/ Chữ Tâm sáng ngời của đạo lý Việt Nam/ Vinh quang thay TAND Việt Nam/ Tự hào thay TAND Việt Nam…”.
Tôi cảm xúc, cảm xúc nhiều lắm khi được lắng nghe các ca sỹ, tốp ca biểu diễn, truyền tải 11 tác phẩm đến cho đông đảo người nghe đêm công diễn và trao giải các tác phẩm đoạt giải và phải nói bài nào đối với tôi cũng để lại ấn tượng tốt đẹp. Mỗi bài ca là một bông hoa đẹp và tập hợp lại đã làm nên vườn hoa đẹp để dâng tặng TAND nhân dịp Kỷ niệm 70 năm truyền thống của chính mình.
Có được thành công ấy, tôi rất đồng tình với lời nhận xét của Phó Chánh án Bùi Ngọc Hòa tại báo cáo Đêm công diễn này. Đó là Cuộc vận động sáng tác do TANDTC tổ chức đã mời gọi được những nghệ sỹ, nhà báo, nhà văn, nhà thơ tên tuổi tài năng, tâm huyết với hệ thống Tòa án. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã thật sự nắm vững được vị trí, vai trò của văn học nghệ thuật, ý thức được nó là nền tảng, định hướng và là cội nguồn mục tiêu hướng tới con người, phục vụ con người và vì con người.
Tự hào thay “TAND Việt Nam. Được Đảng, Bác trao Công lý là gươm thiêng/ Lời của Bác mãi khắc ghi, thực hành quyền tư pháp công bằng/ Mãi giữ gìn gương sáng trong tim/ Thật tự hào người Thẩm phán TAND Việt Nam”. Tôi lấy một số ca từ trong ca khúc “Tự hào người Thẩm phán TAND Việt Nam” - tác phẩm đạt giải B cuộc vận động này để làm lời kết cho bài viết với hy vọng rằng: Các ca khúc viết về TAND đã được ra đời không nên chỉ có đời sống ngắn ngủi một lần vang lên trong đêm công diễn, mà phải có sức trường tồn và lan tỏa. Để có được điều đó có lẽ cũng tính đến việc phổ cập trong đời sống âm nhạc ở trong chính hệ thống TAND, nhất là ở các lần Hội diễn Văn nghệ TAND trong những năm sắp tới.