TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang: Đẩy mạnh tranh tụng tại các phiên tòa
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 07:00, 29/11/2015
Xác định tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp như Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 1/1/2002, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005, Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010… đã coi tranh tụng là một trong những nội dung trọng tâm, là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động tranh tụng đã được thể chế hóa tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Như vậy, lần đầu tiên, việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử được ghi nhận thành một nguyên tắc, thể hiện bước tiến lớn trong hoạt động xây dựng pháp luật và phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Nhà nước ta.
Để nâng cao chất lượng xét xử, TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang xác định tranh tụng là tranh luận trong tố tụng, là hình thức tố tụng trong giải quyết các vụ án. Tranh tụng tồn tại trong tất cả thủ tục tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính nên phải đẩy mạnh việc tranh tụng tại các phiên tòa để xác định sự thật khách quan của vụ án. Hội đồng xét xử ra phán quyết phải trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa nhằm giải quyết vụ án đúng đắn, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng.
Để làm tốt việc tranh tụng trong phiên toà hình sự, TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang đã có sự phân định rõ 3 chức năng: Xét xử - buộc tội - bào chữa dựa trên cơ sở các quy định của BLTTHS. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử là người điều hành phiên tòa, điều hành việc tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Chính vì vậy, chủ tọa phiên tòa luôn tạo điều kiện để người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác có quyền tranh luận dân chủ, bình đẳng với Kiểm sát viên. Những người tham gia tranh luận được “trình bày hết ý kiến” đã làm cho quá trình tranh luận dân chủ và bình đẳng hơn, góp phần cho việc xét xử đúng người, đúng tội.
Đối với các vụ án dân sự, hành chính, lao động… do các chủ thể tham gia tố tụng và chủ thể tiến hành tố tụng cùng nhau xác định sự thật khách quan trên cơ sở xem xét đánh giá toàn diện và đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết khác nhau của vụ án để tìm ra chân lý nên Hội đồng xét xử để các bên được quyền trình bày ý kiến tranh luận của mình; được tham gia đối đáp một cách công bằng, khách quan. Việc tranh luận và đối đáp giữa các bên được TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang không giới hạn về thời gian, tạo điều kiện để các bên thực hiện nhiệm vụ một cách dân chủ và bình đẳng theo quy định của pháp luật.
Qua thực tiễn ở tỉnh Bắc Giang cho thấy, hoạt động tranh tụng tại phiên toà diễn ra dưới sự điều khiển của chủ toạ phiên toà một cách đúng trình tự, thủ tục, dân chủ, công khai. Những phiên toà có Luật sư tham gia thì việc tranh tụng sôi nổi hơn, làm cho hiệu quả phiên tòa tăng lên rõ rệt. Nhiều Luật sư đã tận dụng tối đa quyền tranh tụng để phân tích, lập luận, đưa ra những luận cứ, lý lẽ bày tỏ quan điểm của mình bảo vệ cho thân chủ. Không ít Luật sư bào chữa cho bị cáo đã đưa ra những lập luận sắc bén, buộc Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phải có sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện, đầy đủ và thận trọng hơn về chứng cứ. Nhiều phiên toà, ý kiến của người bào chữa, của bị cáo thông qua tranh luận đã có đủ cơ sở thuyết phục Hội đồng xét xử quyết định khác với quan điểm của Kiểm sát viên, thậm chí tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Thẩm phán Nguyễn Văn Dũng, Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang cho biết: Do đẩy mạnh việc tranh tụng nên những năm gần đây, chất lượng xét xử của TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.