Vị Chánh án “say” nghề và đam mê sáng tạo
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 17:58, 04/11/2015
Ở Thẩm phán Phạm Hồng Phong, điều làm người ta ấn tượng nhiều nhất là cường độ làm việc và khả năng sáng tạo. Dù là Tỉnh ủy viên, Đại biểu Quốc hội khóa XIII hay Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang, ở cương vị nào, Thẩm phán Phong cũng cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chánh án Phạm Hồng Phong, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công chức, trong nhiều năm qua, TAND tỉnh Hậu Giang luôn là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua, là đơn vị xuất sắc, toàn diện trên các mặt công tác với các thành tích tiêu biểu.
Bên cạnh đó, với cương vị là đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Hậu Giang, Thẩm phán Phong cũng đã trực tiếp đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc có giá trị cho việc sửa đổi Hiến pháp, nhiều dự thảo luật, đường lối phát triển kinh tế xã hội và biểu quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang Phạm Hồng Phong
Từ việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp của Quốc hội, giám sát tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Thẩm phán Phong đã có những giải trình thấu đáo, giải đáp được nhiều thắc mắc của cử tri về những vấn đề liên quan đến Tòa án. Đặc biệt, ông cũng đã giải quyết 3 trường hợp khiếu nại tồn đọng lâu nay, trong đó có 1 trường hợp kiến nghị giải quyết oan sai và được Công an huyện Phụng Hiệp chấp nhận bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Dù gánh trên vai nhiều trọng trách nhưng Chánh án Phạm Hồng Phong chưa bao giờ xao lãng vai trò Thẩm phán của mình. Chỉ tính trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2014, bản thân ông đã trực tiếp giải quyết, xét xử tổng cộng 1.084 vụ án các loại, trung bình mỗi tháng giải quyết, xét xử 12,9 vụ, việc. Một con số hết sức ấn tượng. Điều quan trọng là tất cả các vụ án do ông thụ lý và giải quyết đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đặc biệt, sáng kiến về mô hình Phòng nghiệp vụ Hành chính tư pháp của Thẩm phán Phong đang được triển khai thử nghiệm trong TAND tỉnh Hậu Giang đã thu được nhiều kết quả, chuyển biến rõ rệt, phong cách làm việc khoa học, minh bạch, rõ ràng; ý thức, trách nhiệm phục vụ công vụ của cán bộ được nâng cao; vị trí công tác của cán bộ được xác định rõ ràng, theo từng lĩnh vực được phân công phụ trách; công tác tiếp dân luôn đúng với kế hoạch đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân; việc tiếp nhận, cấp, sao hồ sơ, bản án được thao tác nhanh chóng từ một cửa; báo cáo thống kê, số liệu chính xác, nhanh chóng, đảm bảo tính khoa học.
Phát huy những ưu điểm mà Phòng nghiệp vụ Hành chính tư pháp đạt được trong thời gian qua, Thẩm phán Phong đã chỉ đạo xây dựng công trình nghiên cứu khoa học đề án Phòng nghiệp vụ Hành chính tư pháp trên cơ sở mô hình Tổ Hành chính tư pháp, để trình TANDTC xét duyệt vào tháng 4/2015. Đề án thành lập Phòng nghiệp vụ Hành chính tư pháp sẽ hoạt động theo quy trình một cửa, tiếp nhận hồ sơ và xử lý đơn thư với thời gian ngắn nhất, là công tác hỗ trợ trong hoạt động tố tụng cho các Toà chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xét xử và giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Ưu điểm lớn nhất của Phòng nghiệp vụ Hành chính tư pháp là sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian thụ lý, giải quyết các loại vụ việc dân sự, kinh tế, lao động và hành chính theo trình tự sơ thẩm và phúc thẩm.
Nhờ những cố gắng, nỗ lực ấy, từ năm 2008 đến năm 2014, Thẩm phán Phạm Hồng Phong đã nhiều lần vinh dự được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua TAND, nhiều lần được tặng Bằng khen của Chánh án TANDTC. Đặc biệt, năm 2013, Thẩm phán Phạm Hồng Phong còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.